Trước hết phải khẳng định chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước ta là một chủ trương đúng! Để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như cương lĩnh xây dựng đất nước bổ sung phát triển năm 2011, Đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 - 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng Khóa XI, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã khẳng định.
Để xây dựng nông thôn mới, tất yếu phải huy động sức dân hay chúng ta thường nói đến việc xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới hiện nay. Chính nhờ biết huy động sức dân, biết phát động phong trào xã hội hóa mà việc xây dựng nông thôn mới hiện nay đạt nhiều kết quả tích cực, phong trào Xây dựng đường giao thông nông thôn phát triển mạnh cả đồng bằng, trung du và miền núi. Bà con đã hiến đất, hiến cây, đóng góp sức người, sức của xây dựng đường làng ngày càng to đẹp, hiện đại hơn. Nhiều tuyến đường liên thôn, bản đã được bê tông hóa, nhựa hóa, nhiều tuyến kênh mương được kiên cố hóa, phục vụ dân sinh phát triển kinh tế.
Bên cạnh những thành tích đạt được trên đây, không ít địa phương, đơn vị làm quá mạnh tay, huy động sức dân quá sức, làm dư luận trăn trở, thậm chí để dân kêu ca phàn nàn về việc huy động tiền công đóng góp quá lớn, phân bổ chỉ tiêu chia đều nhân khẩu, ảnh hưởng đến đời sống, nhất là hộ nghèo, hộ già cả neo đơn, hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn về kinh tế.
Để xây dựng nông thôn mới trong 19 tiêu chí, có các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, trong đó xây dựng điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sạch, nhà văn hóa cộng đồng. Trong xây dựng đường giao thông có đường giao thông trung tâm, đường giao thông liên thôn, bản, đường giao thông trong từng thôn bản, đường giao thông nội đồng… Nếu cùng một lúc tiến hành, cùng một lúc huy động, sẽ quá sức dân, nếu không nói là vắt kiệt sức dân. Có nơi đưa ra chỉ tiêu bình quân theo khẩu, bất kể trẻ hay già; từ trẻ lọt lòng đến cả ông già, bà lão đều phải đóng góp. Sự huy động này vô tình đặt lên vai chủ hộ, những lao động chính phải gánh, phải đóng góp?!
Cổ nhân đã dạy: “Khoan thư sức dân là kế sâu rễ bền gốc”, việc huy động sức dân thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới là việc cần thiết! Nhưng huy động phải nhìn vào sức dân, phải căn cứ vào tình hình, không được bình quân, tránh nóng vội, chủ quan và huy động rồi phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để kẻ xấu lợi dụng, chống lãng phí, tham ô… Để việc huy động trở thành phong trào có hiệu quả, được nhân dân phấn khởi, đồng tình ủng hộ và nhân dân làm.
Phùng Văn Mùi
.