Mong mỏi được làm chủ trên mảnh ruộng của mình, nhiều năm qua người dân xóm Mậu 6 đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều nơi, song chẳng cấp nào đứng ra giải quyết.
Khi nông dân phải thuê đất để trồng lúa
Xóm Mậu 6 là một đơn vị hành chính được tách ra từ trại giống chăn nuôi Nam Đàn và thành lập từ năm 2003, là đơn vị trực thuộc xã Kim Liên quản lý. Trạm giống này được thành lập từ năm 1977, là đơn vị trực thuộc UBND huyện Nam Đàn, sau chuyển về Trung tâm giống chăn nuôi của tỉnh (năm 1992). Nhiệm vụ của trạm giống là sản xuất các loại giống lợn phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh, với diện tích 32 ha, trong đó 12,5 ha đã được bàn giao về Tổng Công ty vật tư Nông nghiệp.
Trong thời gian từ năm 2002 đến 2010, thực hiện Dự án nạc hóa đàn lợn, trạm giống đã đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng Trạm chăn nuôi lợn ngoại Ông Bà với quy mô 200 nái. Hệ thống chuồng trại, điện nước, nhà điều hành, đồng ruộng, ao hồ, xử lý môi trường được đầu tư khá toàn diện.
Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, chưa năm nào Trạm giống chăn nuôi Nam Đàn hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở NN&PTNN giao phó. Diện tích đất được Trạm giao khoán trắng cho nhân viên và nhân dân ngoài Trạm sản xuất, chăn nuôi thua lỗ kéo dài. Cán bộ, công nhân viên của Trạm không có lương, nợ bảo hiểm, nợ ngân hàng, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, toàn bộ hệ thống chuồng đã bỏ trống, không có kinh phí bảo dưỡng, bảo quản làm cho cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Phần đất ruộng còn lại, người dân đã nhận khoán để trồng lúa.
Cổng vào Trạm giống chăn nuôi đã cửa đóng then cài
Theo ông Phạm Đức Bình - Xóm trưởng kiêm Bí thư Chi bộ xóm Mậu 6 thì toàn thể bà con nhân dân sinh sống trên khu vực đất Trạm giống chăn nuôi Nam Đàn và đồng thời cũng là công nhân lao động của Trạm. Sau khi chia tách ra từ Trạm giống chăn nuôi Nam Đàn, những người dân này không đủ khả năng để đóng bảo hiểm xã hội, buộc phải thôi việc và đất không có để canh tác, mặc dù cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhiều công nhân đã đi tìm việc làm để kiếm sống trên địa phương khác.
Trước tình trạng đó, năm 2006 Sở NN&PTNT đã có tờ trình để UBND tỉnh có căn cứ bàn giao cho Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An diện tích 12,5 ha trong tổng số 32 ha đất của Trạm giống. Sau khi trở thành đơn vị hành chính thuộc xã Kim Liên quản lý, 60 hộ dân xóm Mậu 6 không có đất sản xuất, buộc phải đứng ra nhận khoán và hợp đồng cày thuê trên diện tích đất của Trạm giống chăn nuôi và Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An. Điều đáng nói ở đây là đất vùng này được UBND tỉnh giao cho các đơn vị để hoạt động vào mục đích chăn nuôi, nhân giống nhưng hai đơn vị này đã không tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăn nuôi như đã nêu mà cho nhân dân nhận khoán cấy lúa.
Tiếp tục giao đất cho doanh nghiệp?
Theo thông tin từ những hộ dân xóm Mậu 6 thì mỗi năm, Trạm giống chăn nuôi Nam Đàn thu theo định mức khoán sản lượng từ năm 2010 đến nay là 55 kg/sào/năm (trước năm 2010 là 90 kg/sào/năm) và Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An thu sản lượng 45 kg/sào/năm. Các khoản chi phí khác người dân phải chịu, chưa kể gặp thiên tai lũ lụt, hạn hán thì bà con nhân dân không được hỗ trợ.
Nếu làm phép so sánh với những người dân nhận ruộng khoán ngân sách do UBND xã quản lý thì 1 sào chỉ thu 20 kg/năm, còn ruộng Nhà nước giao theo Nghị định 64 thì 1 sào chỉ thu 6 kg/năm, trong đó được miễn thuế nông nghiệp và thủy lợi phí, gặp thiên tai hạn hán người dân được hỗ trợ, thì việc các hộ dân xóm Mậu 6 phải thuê lại bằng giá cắt cổ ấy là một điều hết sức phi lý.
Chưa dừng lại ở đó, khi thấy Trạm giống chăn nuôi Nam Đàn tiếp tục hoạt động thua lỗ, ngày 23/11/2012, Sở NN&PTNN tiếp tục có Công văn số 2462/TTr.SNN-KHTC trình UBND tỉnh xin giải thể đơn vị này để chuyển giao toàn bộ tài sản, đất đai về Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăn nuôi của Trạm.
Mặc dù 10 năm sản xuất thua lỗ nhưng trụ sở làm việc vẫn được xây mới để... trưng bày!
Điều này chẳng khác gì đẩy 60 hộ dân xóm Mậu 6 vào cảnh phải nhận khoán đất của doanh nghiệp để làm thuê suốt đời vì thực tế, từ nhiều năm qua, Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An đã nhận 12,5 ha rồi cho dân thuê lại để sản xuất chứ không hề “tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăn nuôi” như đề án tỉnh đã giao. Lý giải vấn đề này, ông Trương Văn Hiền - Giám đốc Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An cho rằng, vì không giao được cả toàn bộ đất về Công ty nên việc thực hiện nhiệm vụ tỉnh giao gặp khó khăn.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Bình - Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Đàn cho rằng, việc 60 hộ dân với 236 nhân khẩu ở xóm Mậu 6 hiện chưa có ruộng để sản xuất, phải làm hợp đồng nhận khoán cho Trạm giống chăn nuôi và Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An là có thật. Nguyện vọng của bà con về việc đất nông nghiệp do Trạm giống chăn nuôi quản lý, sử dụng không hết và không đúng mục đích nên chuyển về cho xã quản lý để cấp cho nhân dân là chính đáng.
Nhưng theo quy định tại Luật đất đai năm 2003 thì đất do tổ chức quản lý và sử dụng không thuộc thẩm quyền của huyện mà do UBND tỉnh trực tiếp giải quyết. Dẫu vậy, trước thực trạng bất cập ở xóm Mậu 6, Kim Liên, Phòng TN&MT huyện Nam Đàn cũng kiến nghị, nếu Trạm chăn nuôi không có khả năng sản xuất hết hoặc số diện tích dư thừa thì UBND tỉnh cần thu hồi và giao lại cho UBND xã Kim Liên giao khoán cho 60 hộ xóm Mậu 6, xã Kim Liên là phù hợp với nguyện vọng chính đáng của bà con nông dân.
Phương Lan
.