Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW: Nguyên nhân lây virus cúm H7N9 sang người là từ động vật và gia cầm Chủng virus cúm H7N9 liên quan đến chim và gia cầm, chúng lây sang người giống như virus cúm gia cầm H5N1. Đến thời điểm này chúng ta chưa có thuốc điều trị cho virus cúm gia cầm H7N9. Tuy nhiên chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng các mẫu xét nghiệm virus, làm các xét nghiệm dịch tễ động vật để hệ thống thú y xác định xem nó thuộc chủng cúm nào mà nghiên cứu thuốc điều trị. Về phía Viện, một mặt chúng tôi đang nghe ngóng Tổ chức Y tế thế giới ra thông báo, tiếp tục theo dõi diễn biến dịch tại Trung Quốc, một mặt chuẩn bị các phòng thí nghiệm, các trang thiết bị thiết yếu phục vụ yêu cầu nếu có dịch xảy ra. Đồng thời liên kết với các mạng lưới y tế quốc tế để liên hệ giúp đỡ. Đến nay thì virus H7N9 chưa lây từ người sang người. Tuy nhiên, tôi cũng khuyến cáo chúng ta tiếp tục theo dõi các dịch cúm gia cầm để sẵn sàng chẩn đoán virus trên cả phòng thí nghiệm động vật. Tăng cường kiểm soát và ngăn chặn động vật, gia cầm nhập lậu vào trong nước. Tích cực xét nghiệm virus cúm khác nhau. Thuốc điều trị phải có thử nghiệm và đánh giá, đến nay trên thế giới chưa có ca nào thực hiện trên bệnh nhân. Bây giờ vẫn còn đang nghiêm cứu xem các thuốc chữa cúm thông thường có giải quyết được chủng virus mới này hay không. |
Thứ Sáu, 05/04/2013, 13:30 [GMT+7]
27416
Nguy cơ dịch cúm H7N9 vì gia cầm nhập lậu
Trong khi Trung Quốc đã phát hiện 10 trường hợp mắc bệnh dịch cúm H7N9 làm 3 người tử vong thì ở biên giới phía Bắc gia cầm nhập lậu vẫn kìn kìn đổ vào nội địa bất chấp sự nỗ lực của các cơ quan chức năng. Gia cầm sống, trôi nổi không qua kiểm dịch vẫn bán ở nhiều chợ tại Hà Nội trong khi cả người kinh doanh và người tiêu dùng thì vẫn thờ ơ...
Ghi nhận của phóng viên tại tuyến biên giới phía Bắc cho thấy, tính chất nóng bỏng của cuộc chiến chống gia cầm nhập lậu mà nếu thiếu quyết liệt ắt sẽ kéo nguy cơ dịch cúm H7N9 vào trong nội địa như dịch H5N1 đã từng xảy ra và ngược lại, phòng chống dịch bệnh không thể tách rời công tác kiểm soát nhập khẩu một số loại hàng dễ lây truyền bệnh.
Ngày 2/4 vừa qua, các trinh sát Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ hai vụ gần 1,5 tấn gà thịt Trung Quốc nhập lậu tại bãi đất thuộc thôn Nà Pài và thôn Khuổi Mươi xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc. Trước đó, lực lượng chức năng Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ 112 vụ nhập lậu gia cầm, sản phẩm động vật, thu 24,5 tấn gà thải loại; bắt giữ trên 1 tấn chim, 157.000 con gia cầm giống nhập lậu, chưa kể 4,5 tấn cá cùng nhiều loại hàng dễ lây dịch bệnh khác.
Gia cầm nhập lậu qua biên giới Lạng Sơn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm H7N9
Tại biên giới tỉnh Quảng Ninh, gia cầm sống, gia cầm giống và sản phẩm từ gia cầm vẫn được nhập lậu vào nội địa. Nếu như trước Tết, gia cầm nhập lâu qua tỉnh Quảng Ninh ít hơn thì sau Tết Nguyên đán đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ninh liên tiếp bắt giữ được hàng chục vụ vận chuyển gia cầm trên tuyến QL18A, có vụ vận chuyển tới 8 tấn gia cầm lậu và hàng tấn cánh gà đông lạnh.
Tại các chợ lớn và chợ cóc trung tâm Thủ đô Hà Nội như chợ Hôm, chợ Hàng Da, chợ Nghĩa Tân, chợ Nghĩa Đô, chợ Mơ, chợ Xuân La… thì thấy cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng đều vẫn thờ ơ với dịch cúm H7N9 đang xảy ra ở nước bạn. Gia cầm sống, trôi nổi không qua kiểm dịch vẫn bán ở nhiều chợ tại Hà Nội. Người mua cứ mua, người bán vô tư tiếp xúc, giết mổ mà không ngần ngại.
Ngay phía ngoài chợ Xuân La, quận Tây Hồ và trong chợ Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, gia cầm sống bán và giết mổ rất nhiều. Đây là nguồn lây lan dịch bệnh rất lớn nếu như chúng không được kiểm tra nguồn gốc và dịch bệnh. Chợ Đồng Xa, gà công nghiệp giết mổ sẵn có giá 60 đến 70 nghìn đồng/kg. Tôi ngỏ ý lo lắng về dịch cúm gia cầm, người bán hàng ở chợ này xua tay: “Yên tâm đi, lấy đâu ra gà Trung Quốc”.
Hiện nay việc kiểm dịch thú y vào đầu giờ sáng mỗi ngày vẫn còn theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Một cán bộ trung bình phụ trách 1 chợ chính và 2 điểm chợ tạm nên không thể “chạy” hay quay vòng hết được. Có lúc, gia cầm chở tới chợ thì chẳng có cán bộ thú y đâu hoặc cán bộ chỉ kiểm tra giấy chứng nhận nguồn gốc, còn lại là kiểm tra bằng cảm quan.
Ông Nguyễn Trung Việt, Trạm trưởng Trạm thú y quận Tây Hồ cho biết: “Gia cầm sống bán ở chợ chính, chợ tạm hầu hết đều không rõ nguồn gốc. Chỉ có gia cầm giết mổ sẵn thì có giấy kiểm dịch ở chợ Hà Vĩ, nhưng vẫn còn nhiều hộ không xuất trình được nguồn gốc. Chúng tôi phải lấy mẫu kiểm tra, cơ bản đạt yêu cầu”.
Trước diễn biến phức tạp của virus cúm H7N9, ngay trong buổi giao ban trực tuyến về công tác y tế quý I-2013 vào sáng 4/4, thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo Phòng y tế, Trạm thú y ở 29 quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết không để gia cầm nhập lậu được kinh doanh, buôn bán trên địa bàn.
Nguồn: CAND
.
Các tin khác
- Cẩn thận với "cò" gas
- Xây sân vận động tiền tỷ để nuôi nhốt trâu, bò
- Hoàn thành nhiều công trình tăng cung điện mùa khô
- "Hành" dân vì ô nhiễm
- Đồng tiền giết chết tình anh em máu mủ
- Thiếu nước sạch, giá nước sinh hoạt “cắt cổ” dân nghèo
- U19 Việt Nam: Như một giấc mơ
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Biểu tượng một nhân cách lớn
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp - thiên tài quân sự thế kỉ 20
- Thông điệp của Chủ tịch nước về Việt Nam đăng cai APEC 25
.
.
.
.
.