Tuy giá đường có tăng nhưng lượng đường tồn kho tại các nhà máy, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tính đến ngày 25-3 là hơn 510.000 tấn, tăng 60.000 tấn so với ngày 11-3 khi doanh nghiệp mới được phép xuất khẩu đường và tăng 145.000 tấn so với ngày 25-2.
Do vụ mía đường 2012/2013, các nhà máy mua mía nguyên liệu theo giá thành bán ra theo quy định 60kg đường tương đương giá mua một một tấn mía nguyên liệu, nên việc giá đường tăng cũng kéo theo giá mua mía nguyên liệu của các nhà máy ở ba miền đã tăng từ vài chục đồng trên mỗi kg.
Cụ thể, giá mía tại Cao Bằng là 1.000 đồng/kg, miền Trung và Tây Nguyên từ 890- 1.030 đồng/kg, so với một tháng trước mức giá này đã tăng khoảng trên 100 đồng/kg. Giá mía nguyên liệu tại tỉnh Tây Ninh là 1.150 đồng/kg, tăng khoảng 50 đồng/kg so với trước đó.
Để bảo vệ các nhà máy đường trong nước, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA cho biết, mới đây hiệp hội đã có công văn kiến nghị lên hai bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương kéo dài mức thuế 5% cho mặt hàng đường nhập khẩu trong các nước ASEAN đến năm 2020, hoặc chí ít đến năm 2018.
Một nguyên nhân khác đẩy giá đường tăng, theo VSSA, là đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới phía Nam đang có xu hướng giảm so với những năm trước nên phần nào giảm sức ép về giá cho các nhà máy đường trong nước. Hiện giá đường nhập lậu tại TPHCM là từ 14.100- 14.200 đồng/kg, Đông Hà (Quảng Trị) là 13.700 đồng/kg.
Hiện giá đường xuất sang Trung Quốc (vào ngày 26-3) ở mức 14.600- 14.700 đồng/kg tăng 200 đồng/kg so với ngày 25-2.
TheSaigontimes
.