Tuy nhiên, đến nay 18 hộ không chấp nhận phương án đền bù của ban giải phóng mặt bằng huyện vì cho rằng, đó là diện tích đất gia đình họ đã khai hoang, phục hóa trước thời điểm 1/7/2004, đáng được hưởng tiền đền bù đất đai theo đúng luật đất đai hiện hành. Còn xã lại khẳng định, đó là đất ngoài NĐ 64/CP do mình quản lý, số tiền đền bù phải do xã giữ.
Cái lý của người dân
Trước hết, phải khẳng định việc xây dựng Khu TĐC Triều Dương là một chủ trương có ý nghĩa lớn về mặt an sinh xã hội của tỉnh ta, tạo điều kiện để 54 hộ dân vạn chài quanh năm suốt tháng lênh đênh trên sông nước ổn định đời sống lâu dài. Điều này nhận được sự đồng tình ủng hộ của các hộ dân trong diện phải thu hồi đất.
Tuy nhiên, sự nhập nhằng, tranh chấp đất đai giữa chính quyền xã và các hộ dân đã khiến 18/54 hộ không chấp nhận phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Riêng thôn Tân Phượng 1 có 16/26 hộ đến thời điểm cuối tháng 3/2013 không chịu nhận tiền đền bù.
Ông Nguyễn Văn Bình, người có 6.020m2 đất bị thu hồi cho biết: “Năm 1989, gia đình tôi vào khai hoang vùng đất Triều Dương để trồng trỉa. Hồi đó, cha tôi đang làm cán bộ xã, có chút hiểu biết pháp luật nên chỉ cho tôi và hộ anh Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Thanh làm đơn xin khai hoang. Đơn của chúng tôi đã được xã chấp nhận, tổng diện tích khai hoang cả 3 gia đình khoảng gần 15.000m2. Đến nay, khi lập phương án đền bù, mặc dù tôi đã đưa bộ hồ sơ bao gồm cả đơn xin khai hoang gửi UBND xã, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nhưng xã vẫn lờ đi công khai hoang phục hóa của 3 hộ gia đình chúng tôi mà chỉ đền bù tài sản trên đất.
Trong xã, nhiều hộ khai hoang vùng đất này trước cả 3 gia đình chúng tôi nhưng không biết để làm giấy tờ gì, đến nay, xã lập danh sách đền bù thì cũng chỉ được đền bù hoa màu trên đất, còn đền bù đất đai thì xã đòi giữ. Nhiều hộ dân đã gửi đơn khiếu nại lên các cấp đòi quyền lợi, 16 hộ dân trong thôn không chịu nhận tiền đền bù”.
Ba hộ dân Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Đồng, Thái Văn Thương phản đối phương án đền bù của ban giải phóng mặt bằng
Cũng theo lời ông Bình, tổng diện tích đất thu hồi của 54 hộ dân là 36 ha, trong đó 10 ha đất ở của 4 hộ dân đã được đền bù tiền đất, 26 ha còn lại chỉ được đền bù hoa màu trên đất.
Cùng chung cảnh ngộ còn có nhiều hộ dân khác. Có thể kể đến các gia đình như hộ ông Thái Văn Trương, Nguyễn Văn Ngô, Nguyễn Thạc Hòe, Thái Văn Chương… tại thôn Tân Phượng 1. Ngoài ra, còn có Ngô Văn Khương (thôn Phượng Hoàng) và Nguyễn Văn Đồng (thôn Tân Mỹ) cũng chưa chấp nhận phương án đền bù giải phóng mặt bằng trên.
Ông Nguyễn Văn Hồng, nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, năm nay đã ngoài 80 tuổi cho biết: “Khi tôi lớn lên và tham gia công tác tại địa phương tới nay, tôi biết là rất nhiều hộ trong thôn này đã đi khai hoang vùng đất Triều Dương và một số vùng khác. Thời điểm ấy, vùng Triều Dương rậm rịt cây dại, người dân phải bỏ nhiều công sức để phát sẻ, canh tác. Dù họ không biết làm các loại giấy tờ “phòng thân” sau này nhưng tôi nghĩ, xã nên tạo điều kiện để họ được hưởng bồi thường về đất đai chứ không thể nhận về phần mình, có như thế mới hợp tình hợp lý…”.
Quyền lợi của dân bị “đánh cắp”?
Khi lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng và bị người dân kịch liệt phản đối, UBND xã đã tổ chức nhiều cuộc họp có sự hiện diện của ban giải phóng mặt bằng và phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Chương nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung. UBND xã Thanh Lâm cho rằng, số diện tích đất thu hồi chỉ được hưởng đền bù tiền hoa màu trên đất là có nguyên do của nó.
Ông Đinh Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm lý giải: Năm 2003, ông Phan Xuân Diệu khi đó là Chủ tịch UBND xã đã ra thông báo để các hộ dân có nhu cầu khai thác, sử dụng đất ngoài NĐ 64/CP của Chính phủ phải làm đơn trình UBND xã để xin làm hợp đồng đấu thầu sử dụng. Các hộ dân đều nhất trí làm đơn gửi lên xã xin nhận đất đấu thầu.
Sau đó, UBND xã Thanh Lâm đã lập “Biên bản giao nhận đất vùng Hồ Thu - Bông Vang - Lâm Trường” với tổng diện tích 54.521m2 cho Trưởng thôn lúc bấy giờ là bà Trần Thị Nhàn. Căn cứ vào hai tài liệu đó, UBND xã Thanh Lâm khẳng định, số diện tích trên không phải là đất khai hoang, tiền đền bù phải thuộc quản lý của xã.
Bà Trần Thị Nhàn, hiện vẫn là Trưởng thôn Tân Phượng 1 cho biết: “Mặc dù các hộ dân không có giấy tờ gì chứng minh gia đình khai hoang phục hóa vùng đất Triều Dương cả nhưng bản thân tôi cũng biết là họ khai hoang phục hóa vùng đất này từ rất lâu rồi. Trong lúc dân rất cần đất trồng sắn để ổn định cuộc sống, lại có thông báo của xã, tôi sợ dân mất đất nên động viên họ viết đơn và bản thân tôi ký vào biên bản giao nhận đất.
Nhà văn hóa cộng đồng, trường mầm non thi công dang dở
Xã không giải thích gì, tôi và các hộ dân thì không hiểu Luật đất đai nên nghe xã phổ biến thế nào thì làm theo thế ấy, bản thân tôi đặt bút ký, ai ngờ, “bút sa gà chết”, khiến các hộ dân phải chịu thiệt thòi, quyền lợi chính đáng của dân thì nay xã được hưởng… Hơn nữa, cũng phải thấy, diện tích xã thu hồi cho Khu TĐC lớn hơn gấp nhiều lần so với diện tích đã bàn giao cho xóm chúng tôi tại thời điểm ấy. Nhưng không hiểu sao, số diện tích dôi ra ấy cũng không được đền bù theo đúng quy định?”.
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quế - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, Chủ tịch Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng Dự án cho biết: Việc có 18 hộ không chịu nhận tiền đền bù là do họ cho rằng đất do họ khai hoang. Vấn đề tranh chấp này, xã phải tự giải quyết, chúng tôi chỉ căn cứ hồ sơ xã trình lên. UBND xã Thanh Lâm cũng đã có bản cam kết đất thu hồi là đất do xã quản lý nên hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng tiến hành trích đo, áp giá, hoàn chỉnh hồ sơ để trả tiền. Nếu dân có đơn xin khai hoang phục hóa thì đất đó là của dân, còn nếu xã có hợp đồng giao nhận đất cho dân thì đất đó là đất của xã.
Liên quan đến biên bản giao nhận đất vùng Hồ Thu - Bông Vang - Lâm Trường (những vùng nhỏ thuộc vùng đất Triều Dương), ông Trần Xuân Ngân - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Chương cho biết: “Biên bản, hợp đồng giao nhận đất của xã không thể hiện được rõ ràng, không thể hiện được trên bản đồ về số ô, số thửa không có cơ sở nên rất khó để xác định được đất là do dân khai hoang hay đất thuộc quyền quản lý của xã nên công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn”.
Mặc dù vẫn còn nhiều hộ dân phản đối nhưng đến thời điểm này, hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng Dự án đã hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để chuyển về kho bạc huyện Thanh Chương số tiền 4,3 tỉ đồng đền bù đất đai cho UBND xã Thanh Lâm. Tổng số tiền đền bù hoa màu cho dân là 669 triệu đồng đến nay mới chi trả được 273 triệu đồng.
Khu TĐC Triều Dương có tổng diện tích 131ha, dự kiến sẽ được bàn giao cho các hộ dân vạn chài ven sông Lam trong năm 2011 nhưng đến thời điểm này vẫn còn dang dở. Dự án đang chậm tiến độ so với dự kiến, nhà văn hóa cộng đồng, trường mầm non đang xây dựng dang dở, hệ thống đường điện chưa được lắp đặt, hệ thống nước sạch chưa được xây dựng… do một số hộ dân chưa chấp nhận phương án đền bù.
Một Dự án có ý nghĩa lớn về mặt an sinh xã hội của tỉnh đang có nguy cơ bị ách lại chỉ bởi sự tranh chấp đất đai giữa UBND xã và người dân chưa có hồi kết. Đây là điều mà chính quyền huyện Thanh Chương, đơn vị chủ đầu tư không thể làm ngơ!
Văn Dũng
.