Có thể nói rằng, hệ thống lưới điện ở nhiều vùng vẫn chưa bảo đảm an toàn theo đúng tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới... Cụ thể, ở hầu hết các địa phương, hiện tượng người dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh lấn chiếm hành lang lưới điện đã và đang trở thành phổ biến.
Chúng ta vẫn thường gặp cảnh trồng cây, xây dựng, treo biển quảng cáo, đấu điện, làm hàng quán hết sức ngang nhiên ngay trong, trên và chạm hẳn vào đường điện, nơi thuộc phạm vi, khu vực quy định tối thiểu để đảm bảo an toàn cho đường điện và cho người dân. Đường điện trần còn khá nhiều và những hiện tượng nêu trên sẽ gây nên thất thoát do rò rỉ điện và rất nguy hiểm, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa ẩm kèm theo gió, sấm sét.
Còn đối với các đơn vị cung ứng điện năng mới chỉ lo khâu an toàn từ lưới điện đến cầu giao hoặc máy ngắt tổng chứ chưa chú ý đến hệ thống điện được các gia đình câu, mắc tùy tiện, chắp vá, không đảm bảo khoảng cách an toàn. Thậm chí, người dân sử dụng thân cây, lợi dụng địa hình để câu, móc điện…
Sự xuống cấp của hệ thống lưới điện nông thôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn điện
Bên cạnh đó, hệ thống điện lưới Quốc gia tại các vùng nông thôn được nhân dân đóng góp xây dựng đã có từ rất lâu. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, nhưng do lưới điện trải rộng, dẫn đến điện áp cuối đường dây thấp. Trong khi đó, vẫn còn nhiều hộ gia đình ở xa phải góp tiền lại để kéo chung một đường dây điện, có hộ phải kéo đường dây dài tới cả km mới có điện về nhà.
Chi phí để mua dây chất lượng, dây đồng bộ tốn kém đã khiến họ dùng những loại dây chắp nối khác nhau. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lưới điện được làm tạm bợ, hiệu quả sử dụng thấp, không ổn định, mối hiểm họa luôn rình rập người dân. Do vậy, để đảm bảo an toàn, tránh thất thoát lớn, hạn chế những sự cố đáng tiếc do vi phạm hành lang lưới điện gây nên là trách nhiệm của cả ngành điện và người tiêu dùng.
Dọc các con đường liên thôn, liên xã ở Phú Sơn (Tân Kỳ), không cần phải để ý kỹ, người đi đường nào cũng có thể nhận thấy những nguy hiểm rình rập từ hệ thống lưới điện nông thôn. Không ít đường dây điện thành búi như mạng nhện và những cột điện đã cũ, tạm bợ luôn rình rập tính mạng người đi đường.
Các cột điện cũng không kém phần nguy hiểm với những cột bằng tre, gỗ bạch đàn dựng lên một cách tạm bợ, không chỉ ở xã Phú Sơn mà còn có các xã Nghĩa Hợp, Tân Sơn, lại tồn tại rất nhiều cột điện "xương cá" bằng thân cây rừng cong queo. Thực trạng này dẫn đến chất lượng điện không ổn định, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân và đặc biệt rất nguy hiểm, dễ gây ra chập điện, cháy, nổ.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Tân Kỳ vẫn còn nhiều thôn, xóm không đảm bảo an toàn, trong đó số cột điện bằng gỗ rất nhiều. Trên thực tế, những năm qua, huyện Tân Kỳ đã có một số người chết oan uổng vì sự thiếu an toàn của hệ thống lưới điện đang xuống cấp như hiện nay.
Hay như một số địa phương ở Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Nghi Lộc, Con Cuông… lưới điện nông thôn bị xuống cấp nghiêm trọng, cột tre, bê tông cũ nát, dây chằng chịt, nhiều chủng loại, tiết diện dây không đảm bảo, hòm công tơ điện bằng can nhựa, thùng sắt gây mất an toàn cho người và thiết bị.
Ông Nguyễn Văn Ánh - Trưởng phòng Thanh tra an toàn điện lưới, Công ty Điện lực Nghệ An cho rằng: Để xảy ra tình trạng này một phần do các hợp tác xã chậm bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho Công ty Điện lực Nghệ An khiến cho việc tiếp nhận, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện nông thôn vẫn ỳ ạch.
Hiện nay, mới chỉ cải tạo tối thiểu được 218/426 xã, phường, cụm dân cư. Nhiều hộ vẫn sử dụng những dây điện cũ nên không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Mặc dù, đã được ngành Điện nhắc nhở nhưng người dân chưa hợp tác chặt chẽ và đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho chất lượng lưới điện thấp kém và cũng là nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân...
Mặc dù cũng đã tiến hành xử lý những vị trí có nguy cơ gây mất an toàn tại các đường dây trước công tơ do Điện lực quản lý, khắc phục, xử lý nhanh sự cố trong mùa mưa, bão; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn điện, nhưng kinh phí cho cải tạo lưới điện hạ áp để giảm thiểu nguy hiểm còn hạn chế, eo hẹp.
Như vậy, việc người dân sử dụng đường lưới điện tạm bợ, xem thường, chủ quan và ngành điện thiếu trách nhiệm trong quản lý, quan tâm nâng cấp, sửa chữa thì chắc chắn vẫn còn những tai nạn về điện xảy ra.
Trường Khuyên
.