Dọc theo Quốc lộ 48, từ thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong về đến xã biên giới Tri Lễ chừng 30km, là nơi định cư, định canh nhiều năm của 4 tộc người anh em gồm: Thái, Kinh, Khơ Mú, Hmông. Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân đang ngày càng được nâng lên. Hiện tại, cây chanh leo được xem là cây trồng kinh tế mũi nhọn của địa phương, góp phần không nhỏ trong việc xóa đói, giảm nghèo, đem lại cơm no, áo ấm cho đồng bào.
Ông Lô Xuân Thu - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: Vùng đất Tri Lễ này thuộc dạng “đất hở”, mới nắng tí đã khô, mưa xuống là nhão, đất không giữ được nước nên việc phát triển kinh tế cho địa phương những năm qua thực sự khó khăn.
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, địa phương đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, các tổ chức, các dự án, chương trình… từng bước “thức tỉnh” vùng đất khó này. Hiện tại, hai mô hình kinh tế được triển khai và đang mang lại hiệu quả, đó là mô hình trồng mía nguyên liệu, trồng cây chanh leo; cây mía mùa đầu đang phát triển tốt, còn cây chanh leo đang phát huy hiệu quả kinh tế cao.
Chanh leo là một loại dây leo, thân nhỏ, hình trụ có rãnh dọc, nhiều lông thưa. Cây mọc leo có khi dài tới hàng chục mét. Quả mọng, hình cầu hoặc hình trứng, có nhiều áo hạt màu cam, chứa nhiều chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nước ép chanh leo, đặc biệt là lá chanh leo, có chứa chất alkaloids giúp làm hạ huyết áp, an thần, giảm đau và chống lại tác động của các cơn co thắt.
Cây chanh leo đang phát huy hiệu quả kinh tế ở huyện Quế Phong
Nhiều Quốc gia trên thế giới dùng lá chanh leo để bào chế thuốc. Hoa chanh leo có tác dụng an thần nhẹ và đang được nhiều nước dùng để điều trị cho những trẻ em dễ bị kích động hoặc có vấn đề bất ổn về thần kinh, chữa bệnh hen suyễn, rối loạn tiêu hóa, chứng mất ngủ và khó chịu của hội chứng tiền mãn kinh.
Để cây chanh leo được bén rễ trên đất Tri Lễ như ngày hôm nay, không thể không nhắc tới công lao của cựu Bí thư Huyện ủy Quế Phong, ông Trần Quốc Thành, người đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và chỉ đạo thành lập Đề án “Trồng cây chanh leo tại xã Tri Lễ”.
Bắt đầu từ năm 2010, Đề án được triển khai tại 21 hộ dân thuộc 4 bản vùng cao của xã Tri Lễ gồm Tà Pàn, Yên Sơn, Minh Châu 1 và bản Xan trên diện tích 2 hec ta. Nhờ được chăm bón đúng quy trình, có sự theo dõi thường xuyên của cán bộ nông nghiệp, cây chanh leo lại hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng, phát triển tốt.
Chúng tôi đến bản Yên Sơn, một trong những bản trồng cây chanh leo nhiều nhất của xã Tri Lễ, để tận mắt chứng kiến những giàn chanh leo xanh mơn mởn đang độ đơm hoa, kết trái. Tại vườn chanh leo của anh Vi Thanh Xuân - Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp và phát triển chanh leo, anh cho biết: Khi có Dự án trồng cây chanh leo về xã, gia đình tôi đã nhiệt tình hưởng ứng chủ trương này, hàng năm tôi bổ sung thêm nhiều gốc chanh mới nên diện tích cây chanh leo không ngừng tăng lên.
Hiện nay, vườn chanh leo nhà tôi có diện tích trên 1.150m2, mỗi vụ thu hoạch được trên 16 triệu đồng. Kết hợp với giàn chanh leo, anh Vi Thanh Xuân đang thực hiện mô hình: Chanh leo trên giàn - trồng gừng và nuôi gà phía dưới đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Còn tại gia đình anh Lữ Văn Ngân, bản Yên Sơn, chỉ với vườn chanh leo trên 30 gốc, nhưng mỗi vụ cũng cho thu hoạch trên 5 triệu đồng. Nhiều gia đình trong bản thấy được hiệu quả kinh tế của cây trồng này cũng đã học làm theo.
Ước tính chi phí cho một sào (500m2) chanh leo bao gồm giống, cột bê tông, làm giàn, phân bón tổng số tiền bỏ ra khoảng 6 triệu đồng. Cây chanh leo có chu kỳ sinh trưởng khoảng 4 - 5 năm và đặc tính lưu gốc có thể kéo dài đến 10 năm. Sau gần một năm trồng, cây chanh leo đã cho thu hoạch trung bình 1 sào từ 8 - 10 tấn. Với giá trên thị trường hiện nay khoảng 10.000 đồng/kg thì người trồng chanh leo thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đây là cơ hội cho bà con nơi đây có thể xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu.
Ông Lô Xuân Thu - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ vui mừng cho biết thêm: Nhiều năm trước, người dân ở Tri Lễ nghèo đói, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng từ khi có cây chanh leo đến nay, đời sống bà con trong xã đã ổn định. Tính đến thời điểm này, tổng diện tích cây chanh leo trên đất Tri Lễ là hơn 16 hec ta, năng suất đạt 30 - 35 tấn/ha.
Cây chanh leo đang “thức dậy” vùng đất chết, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng đốt rừng làm rẫy, di dân tự do, tái trồng cây thuốc phiện… Tôi mong rằng tiếp sau cây chanh leo sẽ có thêm nhiều cây trồng khác thích hợp với vùng đất này.
Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng cây chanh leo trên đất Tri Lễ thì đã rõ. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển bền vững mô hình này, khâu quan trọng nhất là đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm quả chanh. Có như vậy mới khuyến khích được người dân mở rộng diện tích, yên tâm sản xuất, cây chanh leo không những giúp người dân Tri Lễ thoát nghèo mà còn có thể vươn lên làm giàu trong những năm tới.
Đức Thắng - Xuân Thống
.