Gần đây, số vụ vi phạm đạo đức kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi của người tiêu dùng đang có xu hướng gia tăng.
Luật bảo vệ người tiêu dùng với 8 quyền cơ bản là cơ sở pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng một cách hữu hiệu. Mặc dù vậy, bên cạnh việc áp dụng luật vào cuộc sống, công tác tuyên truyền về quyền và thái độ cần có của người tiêu dùng vẫn rất cần được chú trọng, nhất là trước những hiện tượng vi phạm đạo đức kinh doanh.
Trong khi Chính phủ, các cấp, các ngành đang có nhiều chế tài, biện pháp nhằm kiểm soát giá cả, hạn chế lạm phát, bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội thì lại đang xuất hiện tình trạng “tát nước theo mưa” với nhiều thủ đoạn: Găm hàng, đầu cơ, tự ý tăng giá bán so với quy định, tung tin đồn thất thiệt để “móc túi” người tiêu dùng.
Người tiêu dùng đang bị thiệt thòi vì những mặt hàng độc quyền tăng giá liên tục
Trước tin đồn, Bộ Tài chính có thể cho phép các doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, một số điểm bán lẻ xăng, dầu đã cố tình găm hàng, đầu cơ hoặc bán theo kiểu “nhỏ giọt” chờ tăng giá. Một mặt bằng giá mới đang được hình thành, từ giá các mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả đến giá vận tải, sữa…
Đáng nói là, giá cả của nhiều mặt hàng được điều chỉnh tăng một cách phi lý, không phù hợp với giá trị thực của hàng hóa, dịch vụ. Việc kinh doanh theo lối chụp giật, lợi dụng hoàn cảnh để “đục nước béo cò” bất chấp quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ thể hiện sự xuống cấp trong đạo đức, văn hóa kinh doanh mà còn thể hiện sự xem nhẹ đối với những chế tài, pháp luật của Nhà nước.
Tình trạng đáng buồn trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Sự hám lợi của một số cá nhân, cơ sở, tổ chức kinh doanh; hệ thống cơ chế nhằm kiểm soát, trấn áp những mặt trái tác động xấu của cơ chế thị trường thiếu đồng bộ và chưa đủ mạnh. Việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng trên là không hề đơn giản và phải có thời gian.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi những giải pháp của các cấp, các ngành phát huy hiệu quả, tác dụng, người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình bằng cách thể hiện thái độ của bản thân với những mặt hàng, cơ sở, cá nhân kinh doanh theo kiểu lợi dụng cơ hội để trục lợi bất chính, xâm hại đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Trong những năm qua, hiện tượng người dân từ chối những sản phẩm độc hại có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng tác động đến môi trường đã xảy ra.
Có thể kể ra đây một số vụ việc người tiêu dùng đã sử dụng 1 trong số 8 quyền được quy định của mình: Vụ sữa có chứa hàm lượng melamin vượt quá mức cho phép, vụ nước tương chứa chất 3MCPD, người dân quay lưng với những cây xăng gian lận, việc tẩy chay rau, củ, quả ngâm hóa chất độc hại, trứng gà giả, phân bón giả…
Khi những sản phẩm vi phạm từ những vụ việc kể trên bị người dân từ chối sử dụng đã khiến cho những doanh nghiệp và cá nhân có cung cách làm ăn gian dối, coi thường sức khỏe của cộng đồng phải thay đổi lại phương thức kinh doanh của mình. Không ít trong số đó đã phải ngừng hoạt động kinh doanh vì không có người mua, đồng thời đánh mất luôn thương hiệu được gây dựng bấy lâu. Đó cũng là cái giá phải trả cho những sai phạm mà họ đã gây ra.
Ở các nước phát triển, việc người tiêu dùng đồng tâm từ chối mua một loại sản phẩm nào đó có tác động không tốt đến đời sống cộng đồng đã khá phổ biến. Trên thực tế, quyền lực mà người tiêu dùng có hiệu quả, tác dụng mạnh vì thị trường, doanh nghiệp, sản phẩm phát triển được hay không là nhờ sức mua của người tiêu dùng.
Ở nước ta, do tồn tại quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, cùng với đó là hiện tượng độc quyền trong phân phối sản phẩm vẫn còn xảy ra nên nhiều doanh nghiệp chưa hình thành tập quán lắng nghe tiếng nói của người tiêu dùng, trong khi những người tiêu dùng cũng chưa nhận thức được đầy đủ các quyền lợi, nghĩa vụ của mình.
Trước những biến động mạnh của thị trường, phần lớn người tiêu dùng vẫn tỏ ra lúng túng, dễ bị tâm lý đám đông chi phối và cũng dễ giao động trước các thông tin thất thiệt.
Việc người tiêu dùng chủ động sử dụng “quyền lực mềm” để tự bảo vệ mình là lời cảnh tỉnh với những doanh nghiệp đang có biểu hiện vi phạm, để họ có những điều chỉnh về văn hóa kinh doanh.
Mặc dù vậy, để “quyền lực” của người tiêu dùng được phát huy tích cực, đúng thời điểm, tránh những biểu hiện tự phát, tiêu cực, cần cải tiến phương thức hoạt động của các tổ chức đại diện và bảo vệ người tiêu dùng, làm sao để những tổ chức này có thể đại diện và bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội, các cơ quan chức năng cần thực sự vào cuộc với những giải pháp đồng bộ.
Cần có những chế tài xử lý đủ mạnh với những cá nhân, cơ sở kinh doanh thực hiện hành vi đầu cơ, trục lợi, có những biểu hiện gian dối trong kinh doanh.
Giá bán các mặt hàng phải được niêm yết công khai dưới sự thanh, kiểm tra thường xuyên của bộ phận quản lý thị trường. Các cơ quan báo chí cũng cần vào cuộc, thông tin kịp thời về những “cơn sốt” giả tạo từ tình trạng “tát nước theo mưa” gây lũng đoạn thị trường, góp phần định hướng dư luận.
Bùi Minh Tuấn
.