Rõ ràng, việc thông tin Con Cuông sắp lên thị xã đã khiến mọi thứ nhanh chóng chuyển động. Trong đó, đất đai là thị trường nóng bỏng nhất ở một số xã Chi Khê, Bồng Khê, Yên Khê sẽ quy hoạch vào thị xã được thổi lên gấp nhiều lần so với thực tế. Tuy nhiên, đến nay nhiều người kinh doanh, đầu cơ đất đai các nơi đổ xô về thị trấn Con Cuông đang chết đứng vì không đạt được như kỳ vọng kiếm được tiền chênh lệch.
Tại thời điểm này, giá đất đang chững lại, thậm chí ở những xã được quy hoạch vào thị xã tụt xuống 3 lần so với thời điểm sốt giá đất. Nhiều người dồn vốn mua đất đầu cơ giờ đây đang rao bán nhưng không có khách mua. Dọc khắp các tuyến đường trước đây được quy hoạch vào thị xã những khu đất khoanh thửa, xây bao tường được các hộ dân bóc tách ra bán cho giới đầu cơ không phải là hiếm.
Nhiều khu đất được giới đầu cơ khoanh thửa giờ đây rao bán với giá rẻ hơn nhưng vẫn không có khách mua
Nay không lên được thị xã, đã có nhiều người rao bán lại với giá thấp hơn nhưng chưa có ai trả giá để thực hiện giao dịch. Anh Sơn là một trong những người gom góp được 400 triệu đồng và vay thêm 200 triệu đồng từ ngân hàng, anh em, bạn bè mua 2 thửa đất, mỗi thửa 120 m2 đất ở, để chờ cơ hội nơi này trở thành khu đô thị rồi bán ra với giá gấp đôi.
Thế nhưng, giấc mộng đầu cơ của vợ chồng anh không thực hiện được, rao bán mấy tháng nay mà không có khách hỏi, trong khi đó nợ nần chồng chất do vay mượn tiền để mua đất. Nhiều trường hợp đầu tư nhỏ lẻ đi vay tiền, gom góp để nuôi ước mơ thu được về số tiền gấp đôi so với số tiền đã bỏ ra cũng đang méo mặt.
Theo lời người có nhu cầu bán đất này, giá cả đất đai ở khu vực quy hoạch lên thị xã so với thời điểm sốt những năm trước tụt xuống quá nhiều. Cụ thể, tại thời điểm sốt, khu đất mà chúng tôi tìm hỏi trước đấy có mức giá từ 50 triệu đồng/m chạy sâu, nhưng giờ chỉ bán được 20 triệu đồng/m chạy.
Trong vai người mua đất, theo lời giới thiệu chúng tôi tìm đến lô đất của anh Nguyễn Văn Bình trú ở thị trấn Con Cuông cần bán, anh tâm sự: “Đây là lô đất mà tôi với một người bạn hùn vốn mua từ năm ngoái, tưởng chờ thời cơ tung ra bán, nào ngờ không được lên thị xã chúng tôi cũng chết theo, trong khi đang nợ nần chồng chất, tiền lãi phải gánh 1 triệu đồng/tháng mà cứ giữ đất thế này, như ngồi trên đống lửa.
Muốn bán nhanh, nhưng cũng không thể nhanh được. Nói thực mình không có kinh nghiệm kinh doanh đất đai, cứ thấy người ta đổ xô đầu tư đất những nơi được quy hoạch lên thị xã rồi mua theo, có ngờ đâu kế hoạch bị đổ vỡ. Ngày nào vợ tôi cũng cằn nhằn tôi chuyện mua đất”. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện rất nhiều người rơi vào cảnh ngộ vốn đầu tư thì lớn mà lợi nhuận không thấy đâu giờ đang đối diện với những khoản nợ vì gom đất...
Chưa bao giờ, lượng giao dịch đất trên địa bàn huyện Con Cuông lại sôi động như 2 năm vừa qua. Theo ông Trần Văn Chuyên - Giám đốc đăng ký quyền sử dụng đất huyện Con Cuông, lượng mua bán đất ở những xã được quy hoạch vào thị xã lúc ấy tăng đột biến.
Thời điểm đó số hồ sơ làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất riêng tại xã Bồng Khê có trên 500 hồ sơ, xã Chi Khê và thị trấn gần 150 hồ sơ, còn giới đầu cơ mua ngầm hiểu nhau không làm thủ tục chuyển nhượng thì rất nhiều.
Cũng theo ông Chuyên, cuối năm 2012 huyện nhận được công văn không lên được thị xã thì những người đầu tư ăn phải “quả đắng” theo kiểu ôm đất chạy trước quy hoạch. Một phần do sự non nớt và thiếu kinh nghiệm của những người đầu cơ đất và không có sự phân tích chính xác đã khiến hàng trăm người trở thành nạn nhân của cơn sốt đất vì tin đồn. Chính vì vậy mà hiện nay, nhiều người buộc phải hạ giá hy vọng cứu vãn tình thế.
Trường Khuyên
.