Trở lại Quỳ Hợp trong những ngày qua, không khí làm việc, sự ồn ào, tấp nập dường như không còn, trên tuyến đường từ ngã ba Săng Lẻ vào thị trấn Quỳ Hợp đi Châu Quang, Châu Cường dễ dàng nhận thấy cả chục xưởng chế biến doanh nghiệp đóng cửa im lìm.
Ngay cả chuyến xe đò chở chúng tôi lên Quỳ Hợp cũng chỉ lèo tèo vài khách thay cho vì nhồi nhét như những năm trước, hỏi thì gã lơ xe than thở: “Doanh nghiệp đang chết dở trên ấy cả nên mấy ai đi Quỳ Hợp nữa”.
Tại khu công nghiệp xã Châu Quang chỉ có 5 cơ sở sản xuất trong tổng số 20 cơ sở còn hoạt động, còn lại đã ngừng hoạt động từ giữa năm 2012. Tại Khu công nghiệp Thọ Hợp có 15 cơ sở sản xuất đá trắng nhưng hiện nay chỉ còn 4 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.
Nguyên nhân xuất phát từ thực trạng khó khăn chung hiện nay là hoạt động xây dựng đang chững lại khiến giá nguyên liệu đầu vào xuống thấp. Trong năm 2011, giá thiếc giao động ở 210.000 đồng đến 230.000 đồng/kg thì nay giảm xuống chỉ còn 160.000 đồng đến 170.000 đồng/kg.
Với mức giá đó, các doanh nghiệp đã tính toán là sẽ lỗ từ 60 triệu đến 70 triệu đồng/tấn vì tất cả chi phí đầu vào đều tăng như trả lương công nhân, xăng dầu... Vậy nên, phần lớn các doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng thiếc găm hàng chờ tăng giá và tạm ngừng xuất để giữ vốn.
Hàng tồn kho tấp đống ở các doanh nghiệp
Đã gần 1 năm nay, các doanh nghiệp khai thác chế biến quặng thiếc không xuất hàng nên đang tồn đọng hơn 300 tấn thiếc trị giá hàng chục tỷ đồng. Thực trạng đó đẩy một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản vì khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng.
Doanh nghiệp khai thác chế biến thiếc đã khó khăn thì doanh nghiệp khai thác chế biến đá còn thảm hại hơn. Tính từ đầu năm 2012 đến nay, đã có trên 50 cơ sở sản xuất lớn cùng hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu hộ gia đình đã ngừng hoạt động vì đá vừa rớt giá, vừa không có đầu ra.
Thị trường đá nội địa rớt giá mạnh, đá bloc trước đây có giá từ 130.000 đồng đến 140.000 đồng/m2 thì nay chỉ còn 90.000 đồng/m2 nhưng người mua rất ít ỏi. Các doanh nghiệp lớn có thế mạnh xuất khẩu đá trắng ra nước ngoài hiện nay cũng đang khốn đốn vì thị trường gần như đóng băng.
Doanh nghiệp lớn như Phủ Quỳ trước đây mỗi năm thu được hàng chục triệu USD nhờ xuất khẩu đá thì nay đang tồn kho hàng chục nghìn m2 đá, lượng công nhân đã giảm quá nửa. Doanh nghiệp Long Anh trước đây có gần 300 lao động thì nay chỉ còn hơn 100 lao động, trong khi đang tồn kho cả trăm nghìn m2 đá xẻ ốp lát các loại.
Trước những khó khăn trên, doanh nghiệp Quỳ Hợp đang cầm cự bằng cách hạn chế sản xuất, sa thải công nhân. Từ đầu năm 2012 đến nay, đã có hơn 3.000 công nhân bị sa thải, chưa kể hàng nghìn người khác mất nguồn thu nhập từ các xưởng chế biến nhỏ kiểu hộ gia đình.
Xưởng chế biến không một bóng công nhân
Theo số liệu từ Chi cục Thuế Quỳ Hợp, tính đến cuối năm 2012, các doanh nghiệp đang nợ đọng thuế hơn 21 tỷ đồng, Chi cục mới thu được 118 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch. Có 57 doanh nghiệp kê khai thuế bằng 0; 42 doanh nghiệp không kê khai thuế, ngừng hoạt động, đóng mã số thuế; 14 doanh nghiệp tuyên bố phá sản.
Theo ông Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Quỳ Hợp thì: “Giá thiếc trên thế giới giảm 40%, đá giảm 30%, đá ốp lát trên thị trường nội địa cũng giảm mạnh nên các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, chúng tôi đang xây dựng những phương án để biến đá ốp lát Quỳ Hợp trở thành một thương hiệu mạnh. Chúng tôi cũng đã có những văn bản kiến nghị lên UBND huyện Quỳ Hợp, UBND tỉnh có những chủ trương, chính sách chung giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn”.
Doanh nghiệp Quỳ Hợp đang điêu đứng, một phần vì nền kinh tế chung đang gặp nhiều khó khăn, một phần vì cung đã vượt quá cầu khi nhà nhà cùng lao vào lập doanh nghiệp, mua bán mỏ để khai thác đá và thiếc.
Phát triển nóng để rồi suy thoái là bài học lưỡng tiền ai cũng có thể nhận ra, UBND tỉnh nên quy hoạch lại nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Quỳ Hợp, đừng để phát triển quá nóng rồi lại lạnh ngắt như bây giờ.
Nhóm P.V
.