Nhập nhằng tên gọi
Sản phẩm sữa dê Danlait cung cấp trên thị trường Việt Nam có những dấu hiệu ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và trực tiếp là Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã vào cuộc và công bố ban đầu về kết quả kiểm tra các sản phẩm sữa của công ty này.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Kiều Đình Cảnh - Phó Đội trưởng đội 12, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - cho biết, bản thân công ty đã đăng ký sản phẩm là thực phẩm bổ sung nhưng trên nhãn phụ lại ghi là sản phẩm sữa cho trẻ em.
Cụ thể, công ty đã không tuân thủ các điều kiện kinh doanh của Việt Nam về mặt hàng sữa, trong đó liên quan đến đăng ký chất lượng ghi trên nhãn không đồng nhất, "tự ý bỏ tên là thực phẩm bổ sung" mà lại ghi là sữa. Trên giấy công bố chứng nhận Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp là thực phẩm bổ sung, tuy nhiên, doanh nghiệp lại khẳng định là sữa, trên nhãn phụ cũng là sữa.
Cũng theo kết luận của Đội Quản lý thị trường Thanh Xuân, công ty TNHH Mạnh Cầm cũng chưa hề thực hiện việc kê khai giá và niêm yết giá theo quy định.
Theo ông Cảnh, đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cơ quan quản lý thị trường tạm giữ 6000 lon sữa, để mang đi dịch nhãn mác gốc và nhãn phụ có đúng không để đưa ra quyết định xử lý theo quy định. Ông Cảnh cho biết còn đang đợi sự chỉ đạo của lãnh đạo Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội và kết quản giám định.
Về chất lượng sản phẩm ông Cảnh cho biết, cần thời gian mang đi kiểm tra làm rõ. Trước lo ngại về nguồn gốc sữa từ Trung Quốc, ông Cảnh khẳng định, Danlait là sản phẩm sản xuất tại Pháp, có giấy chứng nhận xuất xứ cho từng lô sản phẩm, không phải là sản phẩm của Trung Quốc.
Sản phẩm sữa dê Danlait được công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu về Việt Nam được một năm. Trong năm 2012, Công ty TNHH Mạnh Cầm đã nhập khẩu 04 lô hàng của 03 loại sản phẩm trên với tổng số 40.380 lon. Giá bán của cho các cửa hành kinh doanh là 350.000 đồng/hộp, còn giá bán cho người tiêu dùng từ 410.000 - 415.000 đồng/hộp.
Quảng cáo lừa đảo
Giải thích về những hành vi này, ông Đặng Minh Sang, Phó Giám đốc phụ trách chính về phân phối và bán hàng của công ty Mạnh Cầm cho rằng, việc "bỏ tên" thực phẩm bổ sung hoàn toàn không có dụng ý gì mà chủ yếu là sai sót trong việc ghi tên nhãn mác. Theo ông Sang, "việc ghi thông tin này cũng không đến nỗi gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và đặc biệt là sức khỏe của trẻ em.
Liên quan đến việc, FIT có phải là đơn vị trực tiếp sản xuất sản phẩm sữa dê Danlait hay không, ông Sang cho rằng, tất cả các giấy tờ, chứng từ liên quan về sản phẩm đều do FIT phát hành. Hãng FIT sản xuất sữa dê Danlait được phòng thương mại của Pháp cấp phép cho quyền lưu hành ở Pháp, châu Âu và không bị cấm xuất khẩu ở ngoài châu Âu.
Ông Sang lại thừa nhận, FIT liên kết với một nhà máy gọi tắt là ULVV để sản xuất sản phẩm sữa dê này. FIT họ chịu trách nhiệm trên tất cả mọi giấy tờ cũng như vấn đề pháp luật về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm.
Ông Sang cũng bày tỏ sự lấy làm tiếc khi soạn trả lời trên diễn đàn lại dùng bản gốc bị lỗi. "Đó là một sự sai sót từ bên hãng khi người ta phát hành văn thư. Ở lô ban đầu đó, khi mới nhập về Việt Nam, họ phát hành đều bằng tiếng Pháp hết nhưng khi về hải quan họ kêu không đọc được, chúng tôi phải đi dịch công chứng, chính vì thế các lần sau họ mới dịch bằng tiếng Anh. Duy nhất có lô đó thì văn thư phát hành nhầm chữ d với chứ r và khi làm việc chúng tôi đã phát hiện sai và đã yêu cầu phát hành lại văn thư khác. Khi y tế dự phòng kiểm tra, chúng tôi đã nộp lại bản mới đó và hiện đang được lưu ở Hải Phòng", ông Sang nói.
Trước đó, ngày 20/2, trên trang Thông tin điện tử của Cục ATTP đã ra thông báo rằng các sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa dê Danlait đã được Cục An toàn thực phẩm Cấp giấy Chứng nhận tiểu chuẩn sản phẩm ngày 17/1/2012 và tất cả các sản phẩm trên khi nhập khẩu về Việt Nam đều đã có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu cho từng lô hàng như Giấy chứng nhận lưu hành tự do của sản phẩm của công ty FIT (Cộng hòa Pháp) và Chứng nhận nguồn gốc xuất xứ từ Pháp (CO).
VEF
.