Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201302/26102-van-vuong-huong-tram-xu-nghe-392677/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201302/26102-van-vuong-huong-tram-xu-nghe-392677/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vấn vương hương trầm xứ Nghệ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 09/02/2013, 14:00 [GMT+7]
26102

Vấn vương hương trầm xứ Nghệ

Nghề sản xuất hương trầm ở Quỳ Châu là nghề truyền thống có từ lâu đời do cha ông để lại. Nó được bắt nguồn từ những người dân miền xuôi lên định cư sinh sống cùng với bà con dân tộc Thái, lúc đầu chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ dựa vào rừng núi tự nhiên. Qua lao động cần cù sáng tạo, một số người đã phát hiện ra loại cây rừng có mùi thơm đặc biệt.
 
Người ta đã mang rễ cây đó về, phơi khô, tán nhỏ và dùng loại giấy bản cuốn thành que hương, hoặc bỏ bột vào lư hương để đốt vào mỗi dịp Tết. Tiếng lành đồn xa, hương trầm không chỉ lưu hành nội bộ mà còn được trao đổi, mua bán rộng rãi trên thị trường và trở thành một sản phẩm mang thương hiệu riêng của vùng đất Phủ Quỳ.
 
Để có được những búp hương trầm mang nét đặc trưng riêng biệt, người dân nơi đây phải đầu tư khá nhiều thời gian và công sức. Mùa làm hương trầm bắt đầu từ tháng 10 âm lịch với công đoạn cuối cùng là quấn hương nhưng việc chuẩn bị thì diễn ra đều đặn trong suốt thời gian của cả năm. Ngay từ đầu mùa hè, người làm hương trầm đã đi thu mua cây rễ hương để làm nguyên liệu chính.
 
Đây là loại cây thảo mộc có rễ chùm, mọc thành từng bụi ở ven khe suối hoặc trên sườn đồi. Người ta lấy rễ của cây rửa sạch, phơi khô và nghiền nát thành bột có mùi thơm đặc biệt. Ngoài cây rễ hương, hương trầm còn cần có thêm các phụ gia quan trọng khác như hoa hồi, thảo quả, quế chi, bã mía và một số loại thảo mộc được xem như bí quyết gia truyền của mỗi gia đình.
 
Trong đó, thảo quả và hoa hồi được nhập về từ Lạng Sơn, Hà Giang. Còn những nguyên liệu khác chủ yếu là nguồn có sẵn trên địa bàn Quỳ Châu. Tất cả sẽ được nghiền nát và trộn lại cùng với bột rễ hương theo đúng tỷ lệ của từng bí quyết riêng. Ra giêng là thời điểm mà người ta vào rừng lấy nứa. Đây chính là nguyên liệu để làm chu hương nên đòi hỏi phải có sự chọn lựa kỹ càng.
 
Nghề làm hương đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo
 
Nứa phải là loại vừa đủ, không quá non mà cũng không được quá già. Sau khi lấy về, đem ngâm trong nước khoảng hai tháng vớt ra, phơi khô, chẻ nhỏ và tiếp tục phơi thêm lần nữa rồi mang đi nhuộm phẩm đỏ phần gốc. Người ta dùng một loại giấy rất mỏng để se hương gọi là giấy bản. Nó được nhập về từ Bắc Ninh, mép giấy cũng được quét phẩm màu để khi quấn hương sẽ tạo thành hình hoa văn vô cùng đẹp mắt.
 
Nghề làm hương trầm không vất vả “một nắng hai sương” như nghề nông nhưng đòi hỏi phải có sự cần mẫn, khéo léo và tỉ mỉ mới có thể làm nên sản phẩm vừa có chất lượng vừa đạt độ thẩm mỹ cao. Huyện Quỳ Châu có khá nhiều vùng làm nghề sản xuất hương trầm truyền thống nhưng tập trung đông và phát triển mạnh nhất phải kể đến thị trấn Tân Lạc với khoảng 80% hộ dân làm nghề này. Sự phát triển của làng nghề TTCN đã thật sự làm thay đổi rõ rệt đời sống của bà con, nhiều hộ gia đình có nhà cửa khang trang, mua sắm ôtô và những vật dụng tiện ích khác.
 
Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất hương trầm Hà Loan ở khối 2, thị trấn Tân Lạc. Dù thời tiết cuối Đông không mấy dễ chịu nhưng cảnh tượng lao động vẫn diễn ra nhộn nhịp, hăng say. Chị Loan cho biết, gia đình chị kế thừa nghề truyền thống từ ông bà nội đã 25 năm, đến nay đang hoạt động rất tốt và ngày càng có thương hiệu. Sản phẩm hương trầm của gia đình chị có 3 loại: Ngắn 40cm, trung bình 60cm và dài nhất là 100cm.
 
Ngoài giờ học, các em nhỏ cũng giúp gia đình làm hương phục vụ Tết
 
Hiện tại, cơ sở sản xuất của chị tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 22 nhân công, chủ yếu là người dân trên địa bàn thị trấn với mức lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, cơ sở Hà Loan sản xuất khoảng 200 vạn cây hương trầm, tổng thu nhập ước tính gần 300 triệu đồng, trừ hết mọi chi phí, gia đình chị cũng thu lời từ 80 - 100 triệu đồng.
 
“Bên cạnh việc giữ gìn nghề truyền thống của cha ông thì sản xuất hương trầm cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi đã đầu tư, mua sắm thêm nhiều thiết bị hỗ trợ như máy cắt giấy để cơ giới hóa một số công đoạn nhằm giảm thiểu sức lao động và với mục đích làm ra sản phẩm ngày càng có chất lượng cao hơn” - chị Loan chia sẻ.
 
Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Tân Lạc có khối 1, khối 2 và khối 3 đã được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2009. Ông Ngô Đức Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: “Nghề sản xuất hương trầm đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của thị trấn Tân Lạc nói riêng và huyện Quỳ Châu nói chung. Hàng năm, doanh thu từ sản phẩm này đạt khoảng 14 tỷ đồng và điều đáng mừng nhất là đã giải quyết được 100% nguồn lao động trên địa bàn”.
 
Sản phẩm hương trầm Quỳ Châu nổi tiếng
Hương trầm Quỳ Châu ngày càng khẳng định được vị trí và thương hiệu của mình nên sản phẩm không chỉ giới hạn ở Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn có mặt trên nhiều tỉnh, thành của đất nước. Tuy nhiên, có một bất cập hiện nay đó là vấn đề nguyên liệu sản xuất hương trầm đang gặp khá nhiều khó khăn do cây nứa làm chu hương ngày càng khai thác với số lượng lớn, trong khi việc bảo tồn và nhân giống nó thì lại không hề dễ dàng.
 
Bên cạnh đó, cây rễ hương ở Quỳ Châu mang nét đặc trưng với mùi thơm riêng biệt nhưng do sản xuất quá nhiều, số lượng trên địa bàn không đủ cung ứng nên phải nhập từ bên ngoài. Chính điều này ảnh hưởng đến chất lượng hương trầm của Quỳ Châu.
 
Ngoài ra, sản phẩm cung ứng ra thị trường chỉ mới dừng lại ở mô hình bán lẻ riêng mỗi gia đình chứ chưa được tập trung theo quy mô tập thể. Cùng với đó, nỗi trăn trở và mong muốn của những người dân làm nghề truyền thống là hương trầm Quỳ Châu sẽ có lôgô và nhãn hiệu riêng trong thời gian sớm nhất để họ có thể yên tâm sản xuất.
 
Tuy còn nhiều trăn trở nhưng những con người suốt một đời sống vì cái nghiệp cha ông để lại hàng ngày vẫn miệt mài chăm chỉ với đôi bàn tay khéo léo, thuần thục. Đất trời miền Tây đang hòa cùng không khí mùa Xuân ngập tràn trên từng con đường vào bản, ánh mắt trẻ thơ tròn xoe thích thú bên váy áo xinh tươi rực rỡ. Và phảng phất đâu đây mùi trầm hương lẫn vào màn sương dày đặc của phố núi làm cho những bước chân vương vấn như không muốn rời xa.

Ngọc Anh-Đức Thắng
.