Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201302/26063-khat-vong-hoi-sinh-noi-mien-bien-vien-392705/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201302/26063-khat-vong-hoi-sinh-noi-mien-bien-vien-392705/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khát vọng hồi sinh nơi miền biên viễn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 06/02/2013, 08:01 [GMT+7]
26063

Khát vọng hồi sinh nơi miền biên viễn

Hồi sinh vùng đất "khó"
Tri Lễ là xã vùng cao, vùng xa và nghèo nhất của huyện Quế Phong. Xã có trên 1.600 hộ dân, với gần 9.000 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 98%, tập trung tại 33 bản làng, trong đó có 10 bản Mông. Toàn bộ địa giới hành chính xã nằm trọn trong một vùng thung lũng, địa hình phức tạp, đường mòn chằng chịt, có trên 17 km giáp với nước bạn Lào.
 
Từ đây nếu sang đất Lào qua đường mòn chỉ mất khoảng từ 5 - 6 tiếng đồng hồ đi bộ. Chính địa hình của Tri Lễ đã được những kẻ buôn bán ma túy "chọn" làm địa điểm trung chuyển ma túy. Lợi dụng việc người dân thiếu hiểu biết, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên bọn chúng đã thuê họ vận chuyển “hàng” qua biên giới mang về xuôi tiêu thụ.
 
Một số hộ còn lén lút trồng cây thuốc phiện cung cấp cho bọn buôn bán và để sử dụng. Để có tiền mua ma tuý sử dụng, những người này lại càng lún sâu vào sai lầm, vì thế “cái chết trắng” được vận chuyển về qua đường Tri Lễ ngày càng nhiều hơn. Nhiều mảnh nương trồng ngô, trồng lúa bị bỏ hoang.
 
Ảnh minh họa
 
Thanh, thiếu niên bỏ học giữa chừng đi “xách” ma tuý, học cách luồn rừng lẩn tránh sự kiểm soát gắt gao của lực lượng công an, biên phòng. Cùng với ma túy, thuốc phiện, mua bán phụ nữ, trẻ em, sau này ở Tri Lễ còn "rộ" lên nạn di dịch cư tự do khiến cho cuộc sống của cộng đồng nơi đây bị đảo lộn.
 
Cái thời ấy, Tri Lễ giống như một ốc đảo, chính quyền xã tê liệt, các đội công tác của huyện, tỉnh đến Tri Lễ không được "đón nhận" một cách đúng nghĩa. Những năm đó, Tri Lễ là một điểm nóng về ma túy, được biết đến không chỉ của huyện Quế Phong, của tỉnh mà còn của cả nước.
 
Đó là chuyện ở Tri Lễ của gần 10 năm trước. Nhận nhiệm vụ mới với bao bộn bề, khó khăn không dễ gì thay đổi một sớm một chiều, có lúc những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nơi đây bị giao động. Thế nhưng vượt qua những trở ngại, Bí thư Đảng ủy Lô Xuân Phòng, nay có thêm Phó Bí thư Đảng ủy được tăng cường từ Đồn Biên phòng 519 - Đàm Thiên Thương và Chủ tịch UBND xã Lô Xuân Thu đã đoàn kết, thống nhất trong hành động, kiên quyết đấu tranh với những tội phạm và tệ nạn xã hội, những thói hư tật xấu của đồng bào mình, từng bước phát triển kinh tế.
 
Họ trộm nghĩ, tại sao dân Tri Lễ còn nghèo, trong khi đồng ruộng cũng có mà không ai chịu làm? Tại sao người mình lại đi làm thuê, đi "cõng con ma túy" về làm hại người mình rồi còn có những hộ lén lút trồng cây thuốc phiện?... Câu trả lời sẽ mãi không được giải đáp nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc, triệt phá, bắt giữ được những đối tượng cầm đầu, tổ chức buôn bán ma túy.
 
Thế rồi, những đối tượng lợi dụng trình độ hạn chế, nhận thức yếu kém và đời sống khó khăn của nhân dân, nhất là đại bộ phận người Mông còn nghèo để trục lợi bị bắt, bị pháp luật xét xử.
 
“Cơn bão” ma tuý tràn qua, Tri Lễ tan hoang, tiêu điều, rách rưới; kẻ vào tù, người chết, con cái, vợ chồng li tán, những người còn lại, giờ phần nhiều không có công ăn việc làm, dính vào nghiện hút khó lòng dứt ra. Nói là thế nhưng với những người đứng đầu, dù họ là ai, đã làm gì thì những người đó cũng vẫn là đồng bào mình, là con là cháu, người Tri Lễ mình cả thôi.
 
Nghĩ và làm, bắt tay vào công cuộc "chấn hưng" Tri Lễ, lại được sự giúp sức của tập thể cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 519, cả xã Tri Lễ cùng tham gia vào cuộc chiến chống lại đói nghèo. Nói như lời già làng Lỳ Tông Xúa ở bản Huồi Mới: Khi họ (cán bộ, đảng viên - PV) và bà con ta ưng "cái bụng" rồi thì không có cái gì ngăn cản được. Cái ma túy ghê gớm, tàn ác đến chết người thế mà còn chịu thua thì cái đói, cái nghèo không thể kìm hãm được người Tri Lễ, chỉ có điều bà con có một lòng cố gắng không thôi”.
 
Sắc Xuân trên đỉnh Pa Cà Tún
Bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh quả là vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh toàn xã còn trên 70 đối tượng nghiện và nghi nghiện ma túy, trên chục người đang chịu án phạt tù, một số đối tượng đang có lệnh truy nã; số còn lại có trên 170 hộ với gần 1.000 người mới hồi cư, đói rét đi liền với tệ nạn xã hội.
 
Sau cơn mê muội, giờ đây bà con cũng hầu như “quên” đi cách lên rẫy, làm nương..., bao nhiêu đất rừng, đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, đặc biệt là luồng gió mát từ Chương trình 135, Quyết định 134, 167 và sau này là Nghị quyết 30a... thổi vào và được các chiến sĩ biên phòng hướng dẫn, giúp đỡ, "3 cùng" đã giúp cho người Tri Lễ có động lực mới thực sự để phát triển.
 
Từ mô hình hơn 2 ha cây chanh leo được đưa vào trồng thử nghiệm, đến nay toàn xã đã nhân rộng được gần 16,5 ha, tập trung tại các bản Yên Sơn, Tà Pàn, bản Xan, Na Niếng, D1, 2. Nhờ được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên cây chanh leo phát triển tốt, bước đầu đã đem lại thu nhập khá cho người dân. Cùng với việc mở rộng diện tích trồng chanh leo, xã Tri Lễ đã mạnh dạn đưa nhiều giống cây, con mới vào nuôi trồng để tăng năng suất, chất lượng, nhất là cây mía, được bà con xem là cây "chủ lực", cây trồng xóa đói, giảm nghèo hiện nay.
 
Ngoài ra, tận dụng diện tích đất mới khai hoang, gần dòng suối, xã đã chủ trương cho người dân đầu tư nuôi cá lồng trên các hồ đập với đầy đủ các chủng loại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng như mè, chép, trắm, rô phi, cá lăng... Ở một số bản, người dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa 1 vụ kém năng suất sang trồng rau màu, một số bản thì đầu tư chăn nuôi, thả gà đen, lợn nít...
 
Những cánh rừng nơi đại ngàn được bảo vệ xanh tốt, nguồn nước được đảm bảo, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh được chú trọng, an ninh - quốc phòng được chăm lo, nếp sống văn hóa được giữ gìn... Trong vài ba năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 78% (năm 2011) xuống còn 62% (năm 2012). Đời sống của người dân đang từng ngày được nâng cao, nhất là đối với 10 bản Mông đã đổi thay rõ nét. Tính bền vững trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của xã là rất khả quan, hứa hẹn nhiều khởi sắc - Chủ tịch UBND xã Lô Xuân Thu phấn khởi cho biết.
 
Đón Tết Quý Tỵ này, Tri Lễ lại càng vui hơn vì có sự chung vui của các chiến sĩ biên phòng cắm bản, của các cán bộ 30a, của những trí thức trẻ và xa hơn là của những người "nặng nghĩa, nặng tình" với quê hương, họ đang cùng chung sức xây dựng lại Tri Lễ, để đỉnh Pa Cà Tún mãi mãi xanh tươi, vẽ nên một nét chấm phá trên biên cương của Tổ quốc.

Xuân Thống
.