Nhìn dáng vẻ an nhàn, không ai nghĩ chị đang làm một công việc mà bấy lâu nay chỉ có cánh mày râu mới làm: Chủ trang trại 14 ha cây xoan, 10 ha cây keo, 7 ha trồng cây nông sản. Táo bạo hơn, chị vừa đầu tư 1 trang trại chăn nuôi lợn và trâu bò, tạo việc làm cho nhiều lao động. Chị là Lương Thị Huệ, năm nay 45 tuổi, ở bản Cành Khỉn, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương.
Trong căn nhà vừa mới xây nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, tôi được nghe chị kể nhiều về tuổi thơ, về người cha với ước mơ làm giàu từ rừng. Tuổi thơ của chị gắn liền với rừng, với chim muông trong những buổi chiều cùng cha lên rừng kiếm củi mang bán lấy tiền đong gạo. Bố chị lại rất thạo việc rừng, ước ao trở thành triệu phú từ phát triển kinh tế trang trại.
Nhưng thời đó, thiếu thốn đủ bề, gia đình chị cũng như bao gia đình khác chỉ biết lo cho “đầy cái dạ dày” mà vẫn không xong. Thiếu đói triền miên, những khoảnh rừng cũng thưa dần bởi bàn tay con người đốn chặt lấy gỗ, lấy củi vì kế mưu sinh. Ông xót xa trước những quả đồi trơ trụi, thiếu vắng tiếng chim muông.
Chị Lương Thị Huệ
Chị Huệ được nghe bố kể nhiều chuyện về sự trù phú của rừng nhưng đó chỉ còn là những hoài niệm. Ước mơ mang lại màu xanh cho rừng của người cha không thể thực hiện được vì cái nghèo cứ bám mãi và sức ông cũng yếu dần. Ông dồn ước mơ và niềm yêu rừng vào người con gái nhỏ.
Ước mơ ấy được thổi bùng lên khi chị lập gia đình và cũng từ đây chị kế nghiệp quyết chí làm giàu từ kinh tế trang trại mà người cha đã từng mơ ước. Tay cuốc, tay dao, vợ chồng chị làm quên ngày tháng, ra sức phát dọn cây dại, cuốc hố trồng rừng.
Có người bảo rằng, suốt ngày chăm vào đồi nương, không biết gì ngoài xã hội rồi thành người rừng, rồi con cái dễ thất học. Vậy mà chị đã làm được nhiều điều khiến bao người phải nể phục. Chị là nữ chủ rừng duy nhất ở đất Cảnh Khỉn này, có thu nhập cao từ mô hình kinh tế trang trại. Và cả 2 đứa con của chị hiện đang theo học Trường Đại học Vinh.
Sự quyết tâm của chị đã mang lại màu xanh cho rừng, có những đóng góp tích cực vào việc tạo công ăn việc làm cho lao động nghèo ở địa phương thường xuyên cho 10 lao động. Công việc làm đường để vận chuyển cây giống lên rừng, rồi cuốc hố trồng cây và chăm sóc cây trồng. Chị bảo, vất vả nhất là thời kỳ cây phát triển tán, thường xuyên phải làm cỏ, tỉa cành để thân cây được to, chắc.
Thời gian này, chị phải thuê thêm 20 lao động, làm việc liên tục. Vào vụ thu hoạch, chị thuê từ 20-30 người. Khai thác gỗ đến đâu, chị lại trồng ngay lớp cây mới, nên vùng đất này lúc nào cũng xanh ngát, chẳng để trống một tấc đất. Chị còn đầu tư làm chuồng trại quy củ nuôi 60 con lợn và 30 con trâu bò chăn thả xung quanh những bìa rừng. Mô hình kinh tế trang trại đã mang lại cho gia đình chị cuộc sống khá giả. Mỗi năm chị thu lãi gần 150 triệu đồng, nhưng điều quan trọng hơn là chị đã góp sức của mình mang lại màu xanh cho rừng, màu xanh cho quê hương.
Chị Huệ vui vẻ nói: “Những gia đình đi sau đều đến nhà chị học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, nhất là kinh nghiệm trồng cây nguyên liệu phù hợp ở từng vùng đất. Lúc nào tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người. Trước đây, những ngày đầu bắt tay vào công việc, tôi cũng nhờ cậy vào kinh nghiệm của người khác mới thành công được”.
Và quan trọng hơn là lòng chị vẫn trước sau như một với tâm niệm rằng: “Giúp ai được gì thì mình cần phải cố giúp”, chị đã giúp đỡ 3 hộ gia đình nghèo khó trong bản về cách trồng rừng, hỗ trợ cây con, cầm tay chỉ việc dìu dắt tạo công việc làm cho họ.
Tiễn tôi ra tận đường lớn, chị Huệ bảo rằng, chị đang chuẩn bị bước vào vụ trồng rừng mới với hy vọng sẽ biến khu đồi hoang nơi đây trở thành nguồn rừng xanh. Tôi tin ước mơ của chị Huệ sẽ sớm trở thành hiện thực như những mầm xanh đang căng đầy nhựa sống trải dài tít tắp khắp khu rừng đang đâm chồi nảy lộc.
Trường Khuyên
.