Đã nhiều năm trôi qua, vụ việc vẫn rối như canh hẹ, các cấp chính quyền lúng túng trong việc tìm ra tiếng nói chung, trong khi người dân đang đứng trước nguy cơ trắng tay.
Rắc rối vì mua nhà đất từ bản án
Vụ việc bắt nguồn từ năm 1998, khi vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân” đối với Nguyễn Thị Bích Thủy (SN 1964), trú phường Quang Trung, TP Vinh được phanh phui và đưa ra ánh sáng. Theo tài liệu, từ một người kinh doanh sắt vụn, Thủy đã tận dụng các mối quan hệ quen biết, sau chuyển sang buôn tiền với hình thức huy động vốn cho vay lại để hưởng lãi suất chênh lệch.
Trong thời gian từ năm 1995 đến 1998, Thủy đã vay của 35 người với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng không có khả năng trả lại. Căn cứ hồ sơ, Viện KSND tỉnh truy tố Nguyễn Thị Bích Thủy tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tại hai phiên tòa sơ thẩm (diễn ra từ ngày 14 đến 21/1/1998) và phiên phúc thẩm ngày 22/7/1998, TAND tỉnh Nghệ An và tòa phúc thẩm tại Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Thị Bích Thủy tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, mức án 2 năm tù.
Cũng tại các phiên tòa này đã buộc Nguyễn Thị Bích Thủy phải bồi thường hơn 2,7 tỷ đồng tiền gốc và lãi cho 16 bị hại. Trong số đó, có khoản nợ của anh Phạm Hồng Thái và chị Đậu Thị Luân ở khối 13 phường Quang Trung số tiền lần lượt là 479,9 triệu đồng và 608,5 triệu đồng.
Ngôi nhà, nơi xảy ra tình trạng cưỡng chế đi, cưỡng chế lại trong thời gian qua
Theo Quyết định của bản án số 11 ngày 9/2/1998 của TAND tỉnh, “giao ngôi nhà nằm trên đất của Thủy cho anh Phạm Văn Thái và chị Đậu Thị Luân, Thủy và anh Thái, chị Luân thống nhất giá cả và làm thủ tục để chuyển quyền sử dụng cho nhau”.
Do Nguyễn Thị Bích Thủy không chịu thực thi theo bản án nên Phòng thi hành án dân sự tỉnh (nay là Cục thi hành án) đã ra Quyết định Thi hành án số 36/THA ngày 18/10/1999 buộc bà Thủy phải bồi thường số tiền và mảnh đất nói trên cho ông Thái, bà Luân. Ngày 20/6/2000, chấp hành viên đã tổ chức cưỡng chế ngôi nhà tại khối 13 phường Quang Trung của bà Thủy để giao cho ông Thái, bà Luân theo Quyết định cưỡng chế số 20/THA.
Ngày 21/6/2002, UBND TP Vinh đã ra Quyết định 164 cấp GCNQSDĐ cho ông Hồ Hải Lâm - bà Đậu Thị Luân mã số U 836914 tại thửa đất số 21, tờ bản đồ số 11, diện tích 136,2m2, thuộc khối 12, phường Quang Trung. Ngày 4/3/2003, vợ chồng bà Luân đã làm hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất nói trên cho bà Nguyễn Thị Ơn ở khối 12 phường Quang Trung. Việc mua bán này đã được Chủ tịch UBND phường Quang Trung xác nhận, nhưng UBND TP Vinh chưa làm thủ tục sang tên vì lý do thời gian này, bà Nguyễn Thị Bích Thủy đang tiếp tục khiếu nại về bản án.
Loay hoay tìm cách tháo gỡ
Gần 5 năm sau, vào ngày 10/2/2007, TAND tối cao tại Hà Nội có Quyết định giám đốc thẩm số 31 hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Nghệ An và bản án của Tòa phúc thẩm TAND tối cao phần quyết định về tội danh, hình phạt, bồi thường dân sự đối với Nguyễn Thị Bích Thủy về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân” và phần quyết định giao ngôi nhà nằm trên đất cho anh Phạm Văn Thái và chị Đậu Thị Luân.
Ngày 05/2/2010, Tòa án tối cao tại Hà Nội cũng đã ra quyết định 137 bồi thường thiệt hại cho người bị oan, trong đó có phần trả lại tài sản là ngôi nhà đã giao cho anh Phạm Văn Thái và chị Đậu Thị Luân. UBND TP Vinh đã ra quyết định thu hồi lại GCNQSDĐ số U836914 đã cấp cho chị Luân.
Tiếp đó, Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thi hành án số 10 về việc trả lại ngôi nhà nói trên cho bà Nguyễn Thị Bích Thủy. Không chấp nhận quyết định này, chủ nhân của ngôi nhà là bà Nguyễn Thị Ơn đã khiếu nại lên Tổng cục thi hành án dân sự song khiếu nại này đã không được chấp nhận.
Ngày 23/1/2010, chấp hành viên đã ra quyết định cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trả nhà cho bà Nguyễn Thị Bích Thủy. Tuy nhiên, Phòng PC81 Công an Nghệ An đã có công văn đề nghị hoãn thi hành cưỡng chế vì đây là vụ việc phức tạp, người được thi hành án là bà Thủy còn nợ số tiền rất lớn của nhiều gia đình, nên việc cưỡng chế sẽ gặp không ít khó khăn, phức tạp.
Từ đó đến nay, mặc dù Cục thi hành án hình sự tỉnh đã có nhiều công văn để cưỡng chế ngôi nhà nói trên song vì tính chất phức tạp của vụ việc nên việc cưỡng chế chưa thể tiến hành.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Văn Hải, Phó cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh cho biết, vụ việc quá phức tạp nên Công an tỉnh đã có công văn đề nghị Cục thi hành án có văn bản đề nghị tòa phúc thẩm Tòa án tối cao tại Hà Nội giải thích một số điểm chưa rõ ràng trong Quyết định 137.
Nhóm PVĐT
.