Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201302/25986-doc-dao-le-hoi-choi-trau-nghi-thai-392773/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201302/25986-doc-dao-le-hoi-choi-trau-nghi-thai-392773/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Độc đáo lễ hội chọi trâu Nghi Thái - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 12/02/2013, 08:00 [GMT+7]
25986

Độc đáo lễ hội chọi trâu Nghi Thái

Chúng tôi đến xã Nghi Thái vào một ngày đầu Xuân. Ông Doãn Hữu Ánh và bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đều là cán bộ xã, kể lại một cách hào hứng: Trước đây, xuất phát từ nhu cầu vui chơi, một số người dân Nghi Thái đã tự tổ chức chọi trâu theo kiểu tự phát. Nhận thấy đây là một lễ hội văn hóa, là sân chơi giải trí lành mạnh cho đông đảo quần chúng nhân dân nên UBND xã Nghi Thái đã đề xuất xin phép cấp có thẩm quyền tổ chức thành lễ hội của địa phương.
 
Bắt đầu từ năm 2011, chọi trâu ở Nghi Thái được nâng cấp thành Lễ hội, mỗi năm tổ chức một lần mang ý nghĩa tôn vinh sức mạnh của con trâu - người bạn thân thiết của nhà nông. Qua đó để người nông dân có dịp giao lưu, học hỏi cách chăm sóc, cách chọn trâu tốt, nhất là cách chăm sóc một con trâu chọi có sức mạnh, cách đánh gục đối phương dành ngôi vị vô địch, mang lại uy tín, niềm tự hào của chủ trâu, dòng họ và bạn bè thân thiết ham thích môn chọi trâu cổ truyền.
 
Năm 2012, Lễ hội chọi trâu tại xã Nghi Thái có thể nói khá hoành tráng, đã thu hút nhiều tay có trâu chọi từ các xã: Nghi Trung, Nghi Đức, Nghi Kim, Nghi Phú... Chuẩn bị cho Lễ hội chọi trâu, người ta đã bỏ ra gần một năm chăm sóc, huấn luyện, chú trâu nào cũng béo tốt, tràn đầy sinh lực trước khi vào trận đấu.
 
Tham gia hội chọi trâu, chủ nhân nào cũng muốn mình là người thắng cuộc, với họ đây là cơ hội để phô tài biết chọn, chăm sóc, huấn luyện những chú trâu hiền lành trở thành trâu thiện chiến trên sân cỏ. Kết thúc vòng loại, những chú trâu dũng mãnh nhất giành được chiến thắng sẽ bước vào vòng chung kết.
 
Như vậy, sau khi đã đấu loại trực tiếp qua các vòng, chú trâu nào thắng trận cuối cùng sẽ dành ngôi vị vô địch. Cũng như Lễ hội chọi trâu ở các địa phương khác, tất cả những chú trâu dù thắng hay thua cũng đều bị đem ra giết thịt bán cho những người tới xem. Đó là luật chơi của hội chọi trâu. Vì thế mới có chuyện vừa đi xem chọi trâu, vừa mua thịt trâu chọi về thưởng thức. Thịt các con trâu được vào dự chung kết có giá rất cao từ 400 nghìn đến 1 triệu đồng/kg.
 
Khán giả đến xem chật kín sân vận động
 
Tại sao giá trâu chọi cao vậy mà vẫn có nhiều người mua? Có ẽ, việc này được xuất phát từ quan niệm vật thiêng tế thần thời xa xưa. Có người lấy thịt trâu chọi chế biến thành món ăn ngon để tế thần linh. Khi cúng lễ xong, mọi người tập trung ăn uống ngay tại chỗ. Ngày nay, theo quan niệm của người dân, ăn thịt trâu chọi sẽ mang lại nhiều may mắn, sức khoẻ. Riêng đối với chú trâu vô địch thì dân đam mê trâu chọi từ các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội và cả các tỉnh phía Nam sẵn sàng mua giá gấp 5 đến 10 lần so với giá trâu bình thường.
 
Nếu người nào có đầu óc làm kinh tế thương mại, thì mua bán trâu chọi sẽ hái ra tiền. Họ biết nhìn tướng con trâu, con trâu đực nào bụng thon ngực nở, cặp sừng mập và nhọn giống sừng con tê giác, mắt trâu hơi xếch long lanh như mắt hổ, chân bước có thế võ nhìn dữ tướng, hiếu chiến. Người thích trâu chọi biết kết hợp chăm sóc, huấn luyện chú trâu ấy sẽ trở thành trâu chọi đắt giá, mang lại lợi nhuận cho ông chủ “một vốn có lúc 10 lời”.
 
Ông Doãn Hữu Hợi ở xóm Thái Thọ, xã Nghi Thái, một người nuôi trâu chọi có tiếng là sành. Ông chính là chủ nhân của chú trâu “vô địch” hội chọi trâu năm 2012 sau khi dũng mãnh trên đấu trường vượt qua 24 chú trâu khác. Hỏi về bí quyết chọn trâu, chăm sóc, huấn luyện thành trâu chọi, ông vui vẻ cho biết: Để chuẩn bị cho lễ hội, trước đó một thời gian dài, ông đã phải lặn lội khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh để mua được chú trâu này.
 
Tìm được một chú trâu ưng ý tham gia hội chọi trâu không phải là dễ dàng. Và, tìm được trâu tốt đã khó, thuần dưỡng và biến chúng thành một "chiến ngưu" biết nghe lời còn khó hơn nhiều. Thậm chí nhiều chủ trâu phải tìm mua từ nửa năm trước, đem về chăm sóc kỹ lưỡng. Chọn được con trâu tốt còn cần dựa vào những kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều năm trong nghề. Từ việc chọn cặp sừng, đến màu da, móng chân, lông, mắt trâu đều phải hết sức tỉ mỉ, tinh tường.
 
Lễ hội chọi trâu Nghi Thái thu hút một lượng khách rất lớn lên tới hàng vạn người. Do đó, để đảm bảo an toàn cho khách tham dự cũng như tránh các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến trận đấu trong sới chọi, phải đặc biệt chú trọng khâu chuẩn bị. Những dãy cọc rào ngăn cách xung quanh sới được đóng rất cẩn thận để bảo đảm an toàn cho người đến dự. Đến với Lễ hội chọi trâu Nghi Thái, hình ảnh những dãy “khán đài” với muôn màu sắc là điều khiến người ta không thể quên.
 
Và, muốn có được một chân trong “khán đài” để xem các trận đấu, nhiều người sẵn sàng bỏ ra mấy chục nghìn đồng, thậm chí có người “máu hơn” cho thêm cả trăm ngàn miễn là được xem trâu chọi gần nhất và để còn quay camera, chụp hình. Vì sân quá hẹp, chưa xây dựng kiểu sân có các cấp cao thấp nên quanh sân vận động đều được người dân trưng dụng để có chỗ xem chọi trâu.
 
Tại Lễ hội, khán giả đứng, ngồi trên “khán đài” được làm bằng cốt pha dựng sẵn. Những người chậm chân hơn phải thuê ghế nhựa để đứng, nhiều người khác leo lên mái nhà hoặc dựng thang gấp trên sân để có chỗ xem. Thú vị hơn, cây xanh to lớn cành lá xum xuê cũng được chọn làm nơi ngồi lí tưởng xem chọi trâu. Vì vậy, sân vận động xã Nghi Thái người đông quá sức chứa.
 
Tính ra, Lễ hội này có tới hơn 2 vạn khán giả. Điều đó lí giải vì sao trong thời gian diễn ra Lễ hội, nhiều đoạn đường, nhất là đoạn Vinh - Cửa Hội chạy qua địa phận xã Nghi Thái thường bị ách tắc giao thông. Các điểm gửi xe cũng mọc lên san sát. Để tránh ùn tắc, nhiều người phải chấp nhận gửi xe từ xa rồi đi bộ vào sân. Rất nhiều người dân tỏ ra phấn khởi trước Lễ hội chọi trâu độc đáo của địa phương.
 
Bà Nguyễn Thị Lan - ở xóm Thái Thọ, Nghi Thái bày tỏ: "Đây là Lễ hội vui nhất chỉ có Nghi Thái mới tổ chức được nên người dân chờ đợi để đón xem. Cứ mỗi năm, người đến xem lại đông hơn năm trước, công tác tổ chức cũng quy mô hơn. Chúng tôi thấy xã nên duy trì tổ chức Lễ hội chọi trâu vì đây là ngày hội của cả làng, nhất là những người nông dân”.
 
Có thể nói, chọi trâu được xem là một Lễ hội mang đậm nét đẹp văn hóa dân gian với tín ngưỡng gắn biểu tượng con trâu và tục sát sinh vật thiêng để hiến tế thần linh, cầu mong sao cho thời tiết được mưa thuận, gió hòa, cây cối quanh năm tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống no đủ.
 
Nét đẹp văn hóa của Lễ hội chọi trâu theo quan niệm của cha ông ta chính là trâu chọi bao giờ cũng đấu nhau bằng lối đối mặt, dùng sừng và sức khoẻ để chọn thế võ tấn công đối phương, dù thắng hay thua không bao giờ trâu tấn công nhau từ phía sau lưng hay mạng sườn, điều này thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.
 
Tất cả các trâu chọi dù thắng dù thua đều là những trâu khoẻ mạnh và ngay sau khi lễ hội kết thúc các chú trâu đều “được” cộng đồng giết thịt, liên hoan tập thể, ai cũng mong được thưởng thức món thịt trâu quí và mong một năm mới có sức khoẻ “như trâu”. Ông Doãn Hữu Ánh nói giọng tự hào: Lễ hội chọi trâu tại xã Nghi Thái mặc dù còn “mới lạ” với nhiều người nhưng xem ra cũng hoành tráng có tiếng vang.
 
Vừa rồi, thị xã Cửa Lò đã đến Nghi Thái để xin chuyển thương hiệu tổ chức chọi trâu về Cửa Lò, nhưng UBND xã và người dân nhất định không đồng ý. Bởi đây là nét văn hóa vùng miền, là đời sống tinh thần đã ăn sâu vào từng người nông dân Nghi Thái.
 
Với những ghi nhận ban đầu, mong rằng, Lễ hội chọi trâu ở Nghi Thái sẽ được các cơ quan thẩm quyền cũng như các nhà tài trợ quan tâm, giúp đỡ để Lễ hội được duy trì và ngày càng thu hút khách du lịch, qua đó nhằm quảng bá hình ảnh lễ hội văn hoá truyền thống đến với bạn bè trong cũng như ngoài nước.

Lê Hoa
.