Nghệ An là tỉnh có nguồn lao động trẻ khá dồi dào, đặc biệt là nguồn lao động ở vùng nông thôn cho nên trong những năm qua các cơ sở nghề mọc lên như nấm và kinh phí dành cho đào tạo nguồn lao động có chuyên môn không hề nhỏ. Đây là điều kiện rất thuận lợi trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm mục đích tạo thêm việc làm, nâng cao tay nghề sản xuất nông nghiệp.
Song phần lớn lao động ở nông thôn lâu nay đều chưa tích cực tham gia học nghề, chưa xem việc học nghề để tạo nên “cái nền” trong lập thân, lập nghiệp.
Mục tiêu của tỉnh ta đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55% và khoảng 65% vào năm 2020. Để đạt kết quả đó, hiện tỉnh đang nâng cao chất lượng trường dạy nghề cấp vùng ở Tây Bắc và Tây Nam Nghệ An, nhằm đào tạo kỹ thuật nông nghiệp cho cán bộ xã và lao động nông nghiệp theo các chương trình ngắn hạn và trung hạn. Nhờ học nghề, một bộ phận người dân trong tỉnh đã biết áp dụng kiến thức học được vào sản xuất, góp phần làm giàu cho gia đình.
Năm 2012, toàn tỉnh đào tạo nghề cho gần 85.000 người, trong đó hơn 11.000 lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ lệ đói nghèo và tạo bước mới về phát triển ngành nghề nông thôn. Các nghề được lựa chọn đào tạo cũng khá phong phú, gồm: Cắt may dân dụng và may công nghiệp, chăn nuôi lợn, trồng rau an toàn, sinh vật cảnh...
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang còn nhiều hạn chế
Tuy nhiên, một thực tế con em nông thôn không mặn mà với việc học nghề, khảo sát cho thấy nhu cầu học nghề tại một số huyện còn mang tính hình thức. Nếu có nghề thì bấp bênh, theo thời vụ, có nơi lao động thanh niên “bỏ trống” đến 20 - 30% thời gian lao động. Nguyên nhân của tình trạng này là do diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp, trong khi đó người lao động không có kỹ năng nghề.
Nhiều người cho rằng: Số lao động tại địa phương cơ bản đã có tuổi đều có việc làm nên không thích học nghề, số lao động trẻ còn lại thì không thích học nghề. Vì nếu học những nghề ngắn hạn (khoảng 3 - 4 tháng) thì chỉ học được những nghề phổ thông, rất khó kiếm tiền. Nếu học nghề cao hơn thì phần lớn thanh niên nghèo ở nông thôn ít học, nên bị hạn chế về trình độ trong tiếp thu các kiến thức mới.
Ngoài nguyên nhân cơ bản trên, nhiều thanh niên nghèo ở nông thôn còn gánh thêm nỗi lo để nuôi sống gia đình hàng ngày, nên cũng không có thời gian theo học, ngay cả các lớp ngắn hạn. Bởi vậy họ thích đi làm ăn ở xa hoặc kiếm sống bằng nghề làm thuê tại địa phương.
Thực tiễn, việc triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, người dân không mấy mặn mà với học nghề, tỷ lệ có việc làm ổn định và có thu nhập cao sau học nghề chưa cao. Có nơi, lớp học ban đầu thì đông, sau thưa dần, thậm chí phải giải tán vì quá ít học viên.
Mặc dù không mất học phí nhưng dù vận động mãi số lượng người vẫn thưa thớt. Đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều hộ nghèo, trình độ dân trí thấp, một bộ phận lao động còn trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đã hạn chế đáng kể mục tiêu của chương trình. Họ xem việc học nghề chỉ được chứng nhận bằng nghề sơ cấp.
Với chứng chỉ này, nếu có xin được việc mới thì mức thu nhập chênh lệch không bao nhiêu so với mức của lao động phổ thông. Do vậy, họ chọn phương án tìm việc làm ngay sau khi thất nghiệp. Phía các cơ sở đào tạo cho rằng, số lượng học viên ít, không đủ để mở lớp học. Trong thời gian chờ đủ số lượng, thì người đăng ký học nghề đã tìm được việc. Ngoài ra, thời gian học nghề tối đa là 6 tháng nên khó đào tạo những nghề chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Tài - Phó trưởng phòng Đào tạo nghề, Sở Lao động TB&XH cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc nhận thức của lao động nông thôn chưa rõ ràng, có tâm lý không muốn học nghề hoặc một khi đã chọn nghề nhưng chưa chắc theo học. Cho nên dạy nghề lao động nông thôn là phải cầm tay chỉ việc, phải đưa máy móc, giáo viên đến tận nơi, nói thì dễ, chứ làm thì khó.
Để thực sự con em ở nông thôn có tay nghề ổn định đòi hỏi cả trường dạy nghề và các cấp, các địa phương cùng chung tay, góp sức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước thực hiện được chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trường Khuyên
.