Trong khi đó, do giá than bán cho ngành điện năm 2013 sẽ tăng thêm để bằng giá thành sản xuất than nên riêng trong năm 2013 EVN sẽ phải trả thêm khoảng 6.000 tỉ đồng nữa do tiền chênh lệch giá than.
Các thông tin trên được Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Hoàng Quốc Vượng và Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết tại hội nghị tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh điện Tổng công ty Điện lực miền Nam tại TPHCM trong sáng 17-1.
Với các khoản lỗ cộng dồn các năm trước của EVN hiện còn lại khoảng 34.000 tỉ đồng sẽ được phân bổ dần vào giá điện, cộng với những chi phí EVN cho rằng sẽ phát sinh trong năm 2013, thì giá điện tiếp tục tăng trong năm nay là điều khó tránh khỏi.
Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN trao đổi với báo chí tại TPHCM sáng 17-1 - Ảnh: Văn Nam
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, trong năm 2013, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đề nghị tăng giá bán than cho ngành điện để bằng giá thành sản xuất than. Do vậy, tiền chênh lệch trả cho giá than của EVN trong năm 2013 tăng khoảng trên 6.000 tỉ đồng, năm 2014 sẽ tăng khoảng 16.000 tỉ đồng và năm 2015 sẽ tăng khoảng 21.000 tỉ đồng.
Tăng giá điện, xem lại "sức khỏe" nền kinh tế! Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn về dự báo các khả năng điều chỉnh giá điện trong năm 2013, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cho biết năm 2013 về cơ bản giá điện, than, xăng dầu được điều chỉnh theo thị trường. Điều chỉnh giá điện là điều bắt buộc nhưng điều chỉnh giá điện sẽ cân nhắc bảo đảm “sức khỏe” của nền kinh tế. |
Ông Vượng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận trong điều kiện giá than bán cho ngành điện tăng như vậy thì giá điện cũng phải điều chỉnh tăng thêm. Nhưng Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu EVN phải minh bạch kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tại hội nghị sáng 17-1, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cho biết EVN sẽ phải phát điện chạy dầu khoảng hơn 2 tỉ kWh điện để cung cấp điện cho miền Nam, điều này sẽ ảnh hưởng đến tài chính của EVN.
"Mỗi kWh điện phát bằng dầu giá 4.000 – 5.000 đồng, trong khi bán điện được hơn 1.000 đồng/kWh, vậy phát 2 tỉ kWh điện bằng dầu thì EVN sẽ lỗ 6.000 tỉ đồng ngay", ông Thanh nói.
Ông Thanh lo ngại cho tình hình cung ứng điện cho miền Nam sẽ rất căng thẳng vào tháng 3, 4, 5 năm 2013, là giai đoạn thời tiết nóng, cầu điện tăng cao. Trong khi đó, miền Nam hầu như không có công suất dự phòng nên nếu xảy ra sự cố gì thì khả năng sẽ phải cắt điện.
Hiện tổng công suất toàn hệ thống điện cả nước khoảng 26.300 MW trong khi nhu cầu điện chỉ khoảng 20.000 MW, nghĩa là về công suất điện là không thiếu.
Tuy nhiên riêng tại khu vực phía Nam, vì không có nguồn điện tại chỗ nên phải chuyển thêm điện từ miền Bắc, miền Trung vào, nhưng do hạn chế các đường dây, đặc biệt là năm nay miền Trung và Tây Nguyên bị hạn lớn, các hồ chứa thủy điện năm nay thiếu hơn 5 tỉ mét khối nước, tương đương 1,43 tỉ kWh điện, nên tình hình cung ứng điện phía Nam căng thẳng hơn.
Mặc dù vậy, ông Thanh cũng cho biết EVN đang làm mọi cách để hạn chế cắt điện ở miền Nam. Cụ thể EVN đã giao các tổng công ty điện khu vực làm việc với chính quyền địa phương, các khách hàng sử dụng điện nhiều như xi măng, sắt thép chuyển sản xuất sang giờ thấp điểm giảm khả năng tải điện phát bằng dầu.
Ngoài ra, ông Thanh cho biết thêm về lâu dài, EVN đang gắn thêm tụ điện bù 1.000 – 2.000 ampe để nâng công suất tải, xây dựng thêm đường dây 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông để đưa điện cho miền Nam.
Bên cạnh đó, ngay tại miền Nam, EVN đang xây dựng thêm nhà máy điện lớn như Vĩnh Tân 2 (1.200 MW), Duyên Hải 1 (1.200 MW), Duyên Hải 3 (1.200 MW) và Ô Môn 1 tổ máy 2 (330 MW). Dự kiến nhà máy điện Vĩnh Tân 2 sẽ vận hành vào đầu năm 2014, Duyên Hải 3 và Ô Môn 1 tổ máy 2 sẽ vận hành vào năm 2015.