Năm 2007, xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) được tỉnh phê duyệt dự án cung cấp nước sạch nhằm đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn với kinh phí Nhà nước hỗ trợ 60% tổng công trình.
Tuy nhiên, khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng gần 1 năm thì… tắc cho đến nay. Hiện nay, đã nhiều năm trôi qua nhưng hệ thống cung cấp nước sạch vẫn còn nằm trong tình trạng “đắp chiếu” khiến cho người dân vô cùng khốn khổ.
Lâu nay, khi nhắc tới xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp), ai cũng biết nơi đây quanh năm khô cằn, nguồn nước ngầm vô cùng hiếm hoi. Cảnh nhà nhà mua sắm bồn chứa, xây dựng bể đựng nước mưa đã được nhiều người dân khắc phục nhưng xem ra vẫn lực bất tòng tâm.
Tình cảnh ấy khiến nhiều người khi nhắc tới Nghĩa Xuân thường chỉ biết tới đây là vùng đất khát. Nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch là khao khát của không ít thế hệ người dân ở xã Nghĩa Xuân lâu nay.
Trước thực trạng đó, sau nhiều lần địa phương cùng huyện Quỳ Hợp có nhiều tờ trình, kiến nghị đề nghị giúp đỡ lên cấp trên, năm 2007, dự án cung cấp nước sạch cho người dân ở đây đã được phê duyệt, khởi công xây dựng với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng.
Nhiều năm nay, gia đình cụ Ngụ ở xóm Thành Xuân
vẫn phải chịu cảnh dài cổ chờ nước sạch
vẫn phải chịu cảnh dài cổ chờ nước sạch
Công trình được tỉnh giao cho UBND xã kêu gọi nhân dân đóng góp 40% kinh phí, tỉnh hỗ trợ 60% và làm chủ đầu tư các hạng mục công trình. Giai đoạn đầu, xã Nghĩa Xuân đã tiến hành xây dựng công trình cấp nước sạch cho 2 xóm Liên Xuân và Thành Xuân với trên 300 hộ tự nguyện đóng góp 2,5 triệu đồng mỗi gia đình.
Tháng 12/2007, Công ty CP Xây dựng nông thôn có địa chỉ tại TP Vinh đã trúng thầu và trực tiếp thi công. Được biết, vị trí để xây dựng công trình nước sạch này được khoan 2 mũi sâu từ 60 - 70 mét tại khu vực xóm Liên Xuân. Đến tháng 8/2008, công trình cung cấp nước sạch cho người dân Nghĩa Xuân đã hoàn thành.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm đưa vào sử dụng thì công trình đã không còn phát huy tác dụng. Người dân bao đời nay ở đây khát vẫn hoàn khát. Nỗi lo về nước sạch, đặc biệt là vào mùa khô hạn, nắng nóng vẫn ám ảnh người dân nơi đây.
“Từ khi có dự án cung cấp nước sạch cho người dân sinh hoạt, gia đình tôi cũng đồng tình hưởng ứng góp tiền vào để được hưởng lợi như bao hộ dân khác. Tuy nhiên, công trình sử dụng chưa được 1 năm thì đường ống dẫn nước đã bị treo. Tiền vẫn mất mà nước sinh hoạt thì vẫn phải chờ dài cổ. Kể từ đó đến nay, gia đình tôi phải mua hơn 10 khối nước ăn hàng tháng với chi phí gần 300 ngàn đồng. Cơ cực lắm!” - ông Phan Thanh Vượng ở xóm Liên Xuân, xã Nghĩa Xuân than vãn.
Cũng theo ông Vượng, đã hơn 3 năm nay, kể từ ngày công trình cung cấp nước sạch không còn hoạt động được nữa, nguồn nước ngầm hiếm hoi, hàng trăm hộ dân đã phải chạy mua nước ăn từ nơi khác về sử dụng. Thậm chí, người dân phải sống trong cảnh chạy mua nước sạch về từng bữa là cảnh dễ thấy ở đây.
“Khi có chủ trương của Nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng công trình cung cấp nước sạch cho bà con, tôi đã trực tiếp vận động người dân mạnh dạn đóng tiền. Ban đầu, dự tính mỗi hộ sẽ phải nộp 1,5 triệu đồng nhưng sau đó do công trình phát sinh thêm nên nâng mức đóng góp lên 2,5 triệu đồng. Riêng xóm chúng tôi đã có hàng chục hộ dân tham gia đóng góp để những mong có nước sạch dùng cho sinh hoạt. Sau khi công trình nước sạch đã được đưa vào sử dụng, người dân ai cũng phấn khởi. Tuy nhiên, đến nay thì công trình chẳng hiểu sao không còn phát huy tác dụng được nữa?” - Ông Hoàng Xuân, nguyên Bí thư Chi bộ xóm Thành Xuân cho biết thêm.
Trước những sự việc người dân bức xúc phản ánh về công trình cung cấp nước sạch ở đây, ông Thái Bá Lâm, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân cho biết: Chính quyền địa phương cũng đã nhận được phản ánh của người dân 2 xóm Liên Xuân và Thành Xuân về chất lượng công trình cung cấp nước sạch.
Nhiều lần, xã cũng đã làm việc với đơn vị thi công và có đề nghị tiến hành khắc phục thực trạng này. Bên nhà thầu thi công cũng đã có kế hoạch thăm dò nơi khác để tiến hành khắc phục những tồn tại trong thời gian qua?!
Thiết nghĩ, việc xây dựng công trình cung cấp nước sạch là nhu cầu thiết yếu đối với những địa phương vùng miền núi như xã Nghĩa Xuân. Tuy nhiên, để tránh tình trạng kiểu “đem con bỏ chợ”, các ban ngành, trực tiếp là các địa phương hưởng lợi cần phải xem xét kỹ năng lực nhà thầu thi công. Tránh tình trạng vừa lãng phí nguồn vốn của Nhà nước, vừa gây mất niềm tin trong người dân.
Ngọc Thái
.