Nếu "Lục lạc vàng" - Kết nối những miền quê (Chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam, hãng Lasta Group, cùng các nhà tài trợ và Đài PT-TH các tỉnh thực hiện) được coi là món quà ý nghĩa dành cho người nghèo, thì "Kế hoạch vận động, giúp đỡ người nghèo, xã nghèo vùng miền Tây" của UBND tỉnh Nghệ An cũng được ví như là "Lục lạc vàng" - với mục đích tạo ra những bước "đột phá" cho đồng bào các dân tộc, các xã nghèo trên địa bàn tỉnh.
Chính sách này được triển khai (từ tháng 4/2012) đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc về một sự kỳ vọng to lớn đối với miền Tây trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng miền trên quê hương của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Từ chiến lược "đánh thức" miền Tây...
Miền Tây Nghệ An với hơn 1 triệu dân, chiếm hơn 83% diện tích tự nhiên, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, QP-AN và đối ngoại của tỉnh cũng như khu vực Bắc Trung bộ. Trong một thời gian dài, khu vực này còn nghèo và đối mặt với nhiều gian khó.
Tìm giải pháp thoát nghèo, tạo ra bước đột phá, xây dựng miền Tây vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng thiết tha của đồng bào các dân tộc, vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển lâu dài của tỉnh và của cả nước.
Miền Tây Nghệ An có 11 đơn vị hành chính cấp huyện và 220 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 195 xã miền núi, 27 xã biên giới với 419,5km đường biên giáp nước Cộng hòa DCND Lào, có 1 cửa khẩu Quốc tế, 2 cửa khẩu phụ.
Trong muôn vàn những khó khăn, miền Tây cũng có những nền tảng, cơ sở thuận lợi để phát triển. Nhiều chính sách, chương trình, dự án lớn được lồng ghép và triển khai thực hiện đồng bộ. Thu ngân sách trên địa bàn tăng khá, đạt 397,3 tỷ đồng vào năm 2010, gấp 2,5 lần năm 2005 và đạt 45,1% mục tiêu.
Vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh qua các năm, giai đoạn 2005 đến 2010 đạt 27.081 tỷ đồng, vượt mục tiêu 1%, tăng từ 2.067 tỷ đồng năm 2005 lên 8.400 tỷ đồng năm 2010. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư có những đổi mới theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tăng nhanh nguồn vốn tín dụng và vốn của các thành phần kinh tế.
UBND tỉnh và các đơn vị ký kết nhận giúp đỡ các xã, hộ nghèo miền Tây
Tỷ trọng đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước vào khu vực miền núi đã chiếm tỷ lệ lớn trong tổng nguồn vốn kế hoạch toàn tỉnh hàng năm. Nhờ vậy kết cấu hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư và liên tục cải thiện qua các năm, đã góp phần tích cực vào quá trình xoá đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sống, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Sau khi triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2, động lực mới để miền Tây Nghệ An khởi sắc đó là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Ngoài kinh phí đầu tư của Nhà nước, chương trình cũng đã huy động được sự hỗ trợ tích cực của các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp với số kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.
Tranh thủ các nguồn lực đầu tư để phát triển, nhờ thế KT-XH miền Tây của tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 11,92%, cao hơn giai đoạn trước 2,08% và đạt 79% mục tiêu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết cấu hạ tầng KT- XH được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40,2% năm 2005 xuống còn 25% năm 2010, đạt 100% mục tiêu; mỗi năm giảm 3-4%.
Sau 6 năm thực hiện Quyết định 147/2005/QĐ-TTg ngày 15/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2005 - 2010, kinh tế miền Tây đã có bước phát triển khá toàn diện và chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, các tiềm năng, lợi thế đã và đang được khai thác.
... Đến "Lục lạc vàng" cho hộ nghèo, xã nghèo
Đối với các xã, huyện nghèo ở miền Tây, thời gian qua, nhờ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc vận động ủng hộ người nghèo, xã nghèo miền Tây, đến nay tốc độ tăng trưởng KT - XH vùng này đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 7,02%, xây dựng được 18.486 ngôi nhà và đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng dân sinh. Thu hút được 162 cán bộ trí thức trẻ về làm việc tại các xã nghèo miền núi.
Tuy nhiên, hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao 38,5%, trong đó có 92 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo trên 40%); chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.
Thực hiện Quyết định 1310/QĐ-UB ngày 20/4/2012 của UBND tỉnh về việc phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã nghèo vùng miền Tây, đến nay đã đón nhận được 71/84 cơ quan, đơn vị triển khai hỗ trợ với nhiều hình thức, cách làm ý nghĩa, góp phần từng bước nâng cao điều kiện sinh hoạt, chất lượng cuộc sống, thu nhập cho nhân dân, hướng đến mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Công an Nghệ An hỗ trợ bò giống cho người dân Châu Hoàn - Quỳ Châu
Cùng với các cơ quan, đơn vị khác trong tỉnh, hưởng ứng “lời kêu gọi" này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An là một trong những đơn vị "tiên phong" thực hiện với việc nhận giúp đỡ 3 xã nghèo ở mạn Tây Nam gồm Môn Sơn (Con Cuông) với kế hoạch "Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát ở bản Búng và Cò Phạt"; xã Tam Hợp (Tương Dương) với phong trào “Vận động và cầm tay chỉ việc", trực tiếp giúp nhân dân gieo trồng lúa nước, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ học sinh nghèo, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cấp, phát thuốc miễn phí; và xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) khi phối hợp với Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn - Báo SGGP hỗ trợ làm nhà tình nghĩa cho 15 hộ nghèo, xây dựng Trạm xá...
Còn với cơ quan Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An, không phải đến hôm nay khi kế hoạch trên của UBND tỉnh được triển khai mới thực hiện mà với họ từ nhiều năm qua Chương trình "Tết ấm miền Tây" hay "Về với miền Tây, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng" đã được đông đảo bạn trẻ với tấm lòng và nhiệt huyết tham gia.
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Đình Hùng cho biết: Được sự phân công của Ban chỉ đạo tỉnh, cơ quan Tỉnh đoàn nhận giúp đỡ xã biên giới Đoọc Mạy (Kỳ Sơn), nơi 100% đồng bào dân tộc Mông với các nội dung như: Xây nhà bán trú dân nuôi, tặng sách vở, quần áo, chăn ấm, dạy học, tuyên truyền pháp luật, mô hình tập hợp thanh niên vùng DTTS, chỉ đạo phối hợp lực lượng ở Tổng đội TNXP 8 giúp đồng bào xây dựng mô hình trồng lúa lai từ 1 vụ sang 2 vụ, hỗ trợ vốn cho thanh niên và tập huấn, chuyển giao KHKT...
Là một trong 71 cơ quan, đơn vị được phân công, cơ quan Công an tỉnh Nghệ An là "địa chỉ" quen thuộc của đồng bào các dân tộc ở xã Châu Hoàn (Quỳ Châu). Hưởng ứng đề án mục tiêu xóa đói giảm nghèo giúp đỡ nhân dân xã miền núi Châu Hoàn, đến cuối năm 2012, Công an tỉnh đã tổ chức 6 đợt cấp bò sinh sản cho 20 hộ gia đình nghèo ở đây với số lượng bò giống hỗ trợ lên đến gần 100 con, đến nay đã có thêm 24 bê con được sinh ra, chăm sóc chu đáo khỏe mạnh, phát triển tốt, "hứa hẹn" nhiều thế hệ "bò thoát nghèo" cho đồng bào nơi đây.
Với các hình thức giúp đỡ phong phú, đa dạng như: Giúp đỡ bằng vật chất xây nhà đại đoàn kết, các công trình nhà bán trú dân nuôi, trường học, trạm y tế, đường giao thông, nước sạch, hỗ trợ cây, con giống, xây dựng các mô hình chăn nuôi, chuyển giao KHKT, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường..., kế hoạch giúp đỡ xã nghèo, hộ nghèo và người nghèo nơi miền Tây của UBND tỉnh là một phong trào thể hiện trách nhiệm xã hội, là tấm lòng, là đạo lý có ý nghĩa nhân văn về nhiều mặt.
Là thực hiện nhiệm vụ của chiếc cầu nối trong xã hội, kết nối tinh thần tương trợ giữa thành thị và nông thôn, giữa các tổ chức, cá nhân… với người dân nghèo nhằm đẩy mạnh phong trào, tạo điều kiện cho các hoạt động của chương trình phát triển và nhân rộng không ngừng, góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” trong xã hội.
Qua đó tạo lập nên những bước đột phá nhằm hướng đến những thay đổi không chỉ điều kiện sống mà cả nhận thức về sự phấn đấu trong cuộc sống của dân nghèo, mang đến cho họ nguồn thu nhập ổn định, cải thiện chất lượng cuộc sống, từng bước thoát nghèo một cách bền vững tại các xã, vùng khó khăn.
"Lục lạc vàng" cho các xã nghèo, hộ nghèo mà Kế hoạch UBND tỉnh phát động là việc làm có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả nhất, tác động trực tiếp đối với người nghèo.
Chương trình nhằm huy động mọi nguồn lực để ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, xã nghèo, giảm nghèo nhanh và bền vững, hướng tới đảm bảo mọi người dân có điều kiện tiếp cận, thụ hưởng thành quả về hạ tầng cơ sở, văn hoá giáo dục, y tế và an sinh xã hội, tạo việc làm và đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Trịnh Xuân Thống
.