Thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (Chương trình 30a), hơn hai năm qua huyện Tương Dương đã đưa 51 trí thức trẻ về các xã công tác.
Ðội ngũ cán bộ này đã có nhiều đóng góp giúp các xã hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăn nuôi, từ đó nhiều hộ phát triển kinh tế, đồng thời trở thành một nguồn lực, một nhân tố rất quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với các kiến thức đã được học ở nhà trường và lòng nhiệt tình của tuổi trẻ, có thể nói họ đã không quản ngại khó khăn, vất vả cùng các cán bộ xã nghèo “một nắng hai sương” đến với bà con dân tộc, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo…
Họ đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào không di cư tự do, thực hiện dự án di dãn dân ra biên giới; tích cực tuyên truyền vận động và trực tiếp hướng dẫn đồng bào đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức nhiều lớp khuyến nông về chăm sóc cây trồng vật nuôi; hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, ngô lai, đậu tương…; hướng dẫn đồng bào trồng và chăm sóc rừng trồng, cách khoanh nuôi bảo vệ rừng.
Gặp trí thức trẻ tình nguyện Vi Thị Nhâm công tác tại xã Thạch Giám khi chị đang chuẩn bị hành trang lên đường tới bản Mon, xã Thạch Giám (Tương Dương) hướng dẫn người dân xây dựng mô hình và kỹ thuật chăn nuôi lợn móng cái.
Chị Nhâm cho biết: Trước đây, cả bản này nghèo lắm, cuộc sống chỉ quanh quẩn với việc đốt rẫy làm nương, không ai biết về khoa học, kỹ thuật và mọi thứ đều dựa vào tập quán canh tác lạc hậu, cuộc sống phụ thuộc vào thời tiết nên cái đói nghèo cứ bám riết.
Nhưng giờ đây, cuộc sống ở bản Mon đã đổi thay từ khi được hưởng các chính sách thuộc Chương trình 30a, các hộ dân được hỗ trợ xây "nhà 167", hỗ trợ con giống, có cán bộ về hướng dẫn cách làm ăn, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về chăn nuôi, trồng lúa nước, hướng dẫn làm chuồng trại tránh rét...
Trí thức trẻ từ Chương trình 30a hướng dẫn bà con xây dựng mô hình,
kỹ thuật chăn nuôi lợn đen ở xã Thạch Giám
Trưởng bản Vi Văn Tư, bản Mon, xã Thạch Giám bảo chúng tôi: “Nhà báo à, từ khi có trí thức trẻ tình nguyện về, bản tôi vui lắm; họ tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp đồng bào làm các mô hình kinh tế mới. Vui nhất đó là các hộ dân trong bản không còn đói nữa, nhiều nhà đã biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế”.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở xã, ông Vi Cảnh Toàn - Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, cho biết: Thời gian qua, các trí thức trẻ đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết được một số vấn đề như vận động bà con giải phóng mặt bằng; giám sát xây dựng cơ bản trên địa bàn; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật một cách cụ thể, cầm tay, chỉ việc, tư vấn giúp đồng bào dân tộc Mông, Thái trồng trọt, chăn nuôi. Xã hiện có 2 trí thức trẻ tình nguyện thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết 30a về tuyên truyền vận động bà con cách chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng mô hình tại địa phương.
Sau hơn 2 năm về tăng cường, chúng tôi thấy các đồng chí rất gương mẫu thực hiện các quy định của chính quyền địa phương. Mặc dù tuổi còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, thời gian tiếp cận địa bàn ngắn, nhưng với kiến thức được đào tạo cơ bản, những trí thức trẻ từ Dự án 30a đã phát huy thế mạnh.
Đây sẽ là lực lượng quan trọng tham gia tích cực vào công tác vận động, thuyết phục nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tiếp cận khoa học, kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất để từ đó xây dựng cuộc sống mới, ổn định như mô hình nuôi lợn đen, móng cái, mô hình nuôi gà đen…
Rời Tam Hợp, chúng tôi đến với xã Lượng Minh (Tương Dương) khi mặt trời đã khuất dưới chân núi. Hỏi thăm cán bộ trí thức trẻ tình nguyện kiểm tra giám sát xã thực hiện Nghị quyết 30a, một thanh niên người dân tộc Thái liền nói: “Chưa gặp được đâu, hôm nay họ xuống bản chắc phải đợi chiều muộn mới về”.
Chúng tôi bất ngờ vì lịch trình của trí thức trẻ mà người dân địa phương biết rõ. Anh Lô Văn May, bản Minh Phương, tâm sự: “Khi cán bộ đến tận nơi hướng dẫn, anh chị chưa nghe theo vì “không dễ từ bỏ những thứ mình đã làm từ mấy chục năm nay”. Nhưng, thấy cán bộ trẻ kiên trì, cẩn thận và chu đáo, anh May, “vui cái bụng, thích cái mắt” nên bắt đầu nghe và làm theo.
“Cảnh nghèo đói với mình bây giờ là quá khứ rồi! Nhà mình là một trong những hộ khá của bản. Từ một cặp lợn nái do Chương trình 30a cấp, hiện anh có một đàn lợn con”.
Tranh thủ tiếp xúc trí thức trẻ Lương Thị Nhung quê ở xã Tam Quang về công tác ở xã Lượng Minh thì được biết, ở xã đặc biệt khó khăn này, đồng bào chủ yếu là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 65%.
Địa bàn rộng, đường đến các bản rất xa xôi, hiểm trở. Hôm nắng đi được xe máy đã mệt, trời mưa chỉ có cách cuốc bộ. Khó khăn chồng chất nhưng không làm chị Nhung chùn bước. Giờ đây bàn chân chị đã in dấu khắp các nẻo đường của xã.
Gặp lại chúng tôi, anh Nguyễn Trọng Hưng, cán bộ Phòng Nội vụ huyện Tương Dương phụ trách giám sát đội ngũ trí thức trẻ thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 30a tại địa phương, cho biết: Các trí thức trẻ đã từng bước hòa nhập và phát huy vai trò không nhỏ của mình trong việc góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.
Riêng trong năm 2012, thực hiện dự án, trí thức trẻ tình nguyện đã mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm, trị bệnh cho cá ao, cá lồng, kỹ thuật trồng ngô trên đất dốc cho gần 600 lượt người tham gia tại các xã Tam Quang, Lưu Kiền, Xá Lượng, Nga My; xây dựng 33 mô hình chăn nuôi lợi móng cái, lợn đen địa phương; mô hình nuôi bò Mông; 4 mô hình gà lương phượng; 7 mô hình gà đen; và các mô hình trồng chanh leo, cà chua, chuối tiếu hồng, lạc…
Song song với đó là việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nhờ vậy mà khi thực hiện các nhiệm vụ, dự án đã phát huy được tính đồng thuận cao, mang lại hiệu quả thiết thực, trực tiếp tới từng hộ dân.
Chúng tôi trở về trong buổi chiều với những hạt mưa bay thấp thoáng của mùa Xuân cùng cái rét thấu xương ở núi rừng. Cùng với quyết tâm cống hiến của những trí thức trẻ tình nguyện cắm xã hỗ trợ giảm nghèo, chúng tôi tin rằng mùa Xuân ấm no nhất định sẽ đến, vùng đất gian khó này nhất định sẽ đổi thay.
Trường Khuyên
.