Với nghề làm bánh truyền thống này, người dân Vĩnh Hòa đã có cuộc sống sung túc, nhiều gia đình từ nghèo vươn lên giàu có.
Chúng tôi về Vĩnh Hòa những ngày cuối năm trong không khí rộn ràng của dịp Tết đến xuân về. Từ đầu làng đến cuối làng, từng đoàn xe ô tô, xe máy đậu kín đường chờ lấy bánh để vận chuyển đi bán buôn, bán lẻ. Gia đình nào cũng tất bật gói và nấu bánh, người ngâm gạo, người róc lá, gói bánh, tiếng cười nói rộn rã. Khắp làng quê ngõ xóm, mùi bánh chưng thơm nồng cuốn hút.
Chị Nguyễn Thị Ngân, cán bộ xã Hợp Thành đi cùng chúng tôi nói rất vui: Vĩnh Hòa trước đây nghèo khó, về mùa mưa đây là vùng rốn lũ, đất canh tác lúa chỉ được hơn 40 ha không thể nuôi đủ hơn 100 hộ gia đình với 1.200 con người.
Một số người dân khốn khổ phải bỏ làng nghề phiêu bạt đi làm thuê hoặc tìm nơi sinh sống mới. Những năm gần đây, nhờ phát triển nghề gói bánh chưng, người dân đã xóa được đói nghèo. Vĩnh Hoà có 215 hộ dân thì có đến 210 hộ làm bánh chưng.
Nhà nhà đều gói bánh chưng
Dân làng không chỉ làm bánh chưng mấy ngày Tết, ngày lễ, mà gói và bán bánh quanh năm. Khách hàng khắp mọi nơi tìm đến mua bánh rất đông. Thương hiệu bánh chưng xanh Vĩnh Hoà ngày càng có uy tín là nhờ bánh của làng không chỉ ngon, mẫu mã đẹp, mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cách đây 8 năm, vào đầu 2004, UBND tỉnh đã có văn bản chính thức công nhận Vĩnh Hòa là làng nghề làm bánh chưng truyền thống của huyện Yên Thành.
Về Vĩnh Hòa, chúng tôi còn được nghe các cụ là những thợ làm bánh cao niên nhất làng kể lại: Nghề làm bánh này cũng chẳng biết có từ bao giờ. Khi họ lớn lên đã có rồi. Thời kháng chiến chống Pháp, có quán bánh chưng bà cố Hiền ngon nổi tiếng, khách đi xa về đều nhớ loại bánh vừa dẻo, vừa thơm này.
Sau đó làng xuất hiện nhiều người gói bánh chưng rất thơm ngon, cho đến nay bánh chưng Vĩnh Hòa đã gây được tiếng vang từ Nghệ An tới Hà Tĩnh ra tận Hà Nội, vào tới Sài Gòn. Nhiều người nước ngoài như Liên bang Nga, Ba Lan, Đức, Mỹ, Lào và Căm-Pu-Chia đã tìm đến đặt hàng, để mang bánh chưng, bánh tét qua xứ người cho bà con Việt kiều ăn Tết. Người nước ngoài ăn bánh chưng Vĩnh Hòa tấm tắc khen ngon. Tại Vĩnh Hòa, người dân làm bánh quanh năm.
Đặc biệt, những ngày trước và sau Tết cổ truyền nhiều khách xa mua với số lượng bánh lớn, nên người dân từ con trẻ cho đến ông già bà lão, cũng đều bỏ các công việc khác để gói bánh. Nhiều cụ già mắt đã mờ, vẫn ham thích gói bánh.
Sản phẩm bánh chưng xanh Vĩnh Hòa đã khẳng định thương hiệu
trên thị trường trong và ngoài nước
Các cụ nhờ cháu con chuẩn bị sẵn nguyên liệu bày ra trước rồi gói, buộc lạt thoăn thoắt như thuở còn thanh niên. Con cháu nhìn ông, bà gói bánh như làm ảo thuật, rồi nghề gói bánh ngấm vào máu thịt lúc nào chẳng hay. Họ gói bánh như nghệ nhân và giữ bí quyết chế biến món ăn như một nét văn hóa ẩm thực rất đặc trưng của vùng đất này.
Bánh chưng Vĩnh Hoà gói bằng lá chuối, bánh tét gói bằng lá dong. Bí quyết làm bánh ngon phải bắt đầu từ khâu chọn nếp loại ngon nhất, trăm hạt như một mình tròn mẩy, trắng đến trong vắt. Nhân làm bánh phải làm hết sức cầu kỳ, bà con tự chăn nuôi lợn cho ăn bằng thức ăn cám tinh, sau mổ chọn lấy thịt 3 chỉ, trộn thịt với hành ta và đậu tằm xanh, để tạo nhân bảo đảm vị thơm ngon.
Bánh chưng được nấu bằng củi, hoặc than từ 6 - 7 tiếng đồng hồ là bánh chín. Bánh tét nấu lâu hơn từ 10 - 12 tiếng đồng hồ. Gạo bánh tét phải là nếp hoa vàng, nhân cũng là thịt lợn nạc, đậu xanh, thêm hạt tiêu, hành hoa. Bánh tét dẻo chưa từng có, ăn vào miệng vừa dai vừa ngọt man mát đến tận cổ họng.
Nếu như hiện nay nhiều địa phương khác nấu bánh bằng bếp điện, bằng than đá hay công nghệ nồi hơi, thì tại Vĩnh Hoà vẫn đun bằng củi, coi chừng độ chín vừa đủ cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm cho bánh Vĩnh Hoà có hương vị đặc biệt thơm ngon.
Những ngày Tết cổ truyền đến gần, người khắp nơi đổ về Vĩnh Hòa mua bánh càng đông, lượng bánh ngày càng tăng, nên gia đình nào ở Vĩnh Hoà cũng có 4 - 5 nồi nấu bánh. Trung bình mỗi ngày bán ra thị trường hàng ngàn chiếc.
Bánh chưng Vĩnh Hòa vào dịp Tết xuất ra với số lượng khá lớn, nên doanh thu ở một số hộ gia đình đạt từ 12-15 triệu đồng/ngày. Hiện tại người dân gói đủ các loại bánh, cũng có loại gói theo yêu cầu của khách đặt hàng.
Có thể nói rằng vui nhất ở Vĩnh Hòa là ngày xuân về, trong ánh lửa bập bùng bên nồi bánh chưng người già trẻ em ngồi sưởi ấm, thi nhau kể chuyện kinh nghiệm gói các loại bánh nhanh và ngon. Ước tính trong năm 2012 và dịp đón xuân 2013, Vĩnh Hoà sẽ tiêu thụ tới gần 1.000 tấn gạo nếp, để làm bánh chưng với doanh thu khoảng trên 30 tỷ đồng. Thu nhập riêng dịp Tết của mỗi hộ làm bánh chưng đạt từ 30-50 triệu đồng.
Anh Lê Văn Hoàng đã qua hơn 10 năm trong nghề làm bánh chưng, tâm sự: "Bình quân mỗi ngày, làm khoảng 400 chiếc bánh, bán buôn 10.000 đồng/chiếc, ngày nào cũng có tiền lãi kha khá. Riêng dịp Tết Nguyên đán hàng năm, gia đình tôi thu hơn 50 triệu đồng. Nhờ làm bánh chưng mà tôi cất được nhà cửa khang trang, mua được nhiều thứ đắt tiền và nuôi được 5 đứa con đi học đàng hoàng”.
Có thể nói gần 200 hộ làm nghề gói bánh chưng ở Vĩnh Hoà đều có của ăn, của để, 100% hộ đã xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền. Ông Hoàng Văn Lý - Chủ tịch UBND xã Hợp Thành phấn khởi nói: Vĩnh Hoà khơi dậy nghề làm bánh gia truyền. No đủ cũng nhờ làm bánh, nông thôn đẹp lên, giàu lên cũng nhờ nghề làm bánh. Nhận thấy được tiềm năng và sự phát triển của làng nghề, UBND tỉnh đã ra quyết định: Công nhận Vĩnh Hòa hội đủ các tiêu chuẩn để hình thành một làng nghề truyền thống, theo hướng quy mô tập trung góp phần xóa đói giảm nghèo.
Và đã cấp kinh phí hàng chục tỷ đồng cho Vĩnh Hòa xây dựng hệ thống thoát nước, cung cấp nước sạch và còn hỗ trợ vốn vay cho một số hộ khó khăn, phấn đấu 100% số hộ làm nghề gói bánh chưng, xây dựng một thương hiệu bền vững và lâu dài trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Bánh chưng xanh Vĩnh Hòa là bản sắc văn hóa ẩm thực độc đáo của vùng miền, của dân tộc Việt. Mặc dù bước đầu đã đạt được hiệu quả kinh tế khá, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, chính quyền xã Hợp Thành và UBND huyện Yên Thành cần tập trung tháo gỡ, đầu tư chiều sâu giúp bà con giữ vững nghề truyền thống, xây dựng làng nghề mạnh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.
Lê Hoa
.