Triển khai quyết liệt
Thời gian qua, tình trạng người ăn xin, xin tiền lang thang trên địa bàn TP Vinh khá nhức nhối. Không chỉ ăn xin theo cách thông thường mà còn xuất hiện tình trạng bảo kê, cái bang, từ đó kéo theo những hệ lụy. Tính đến nay, trên địa bàn TP Vinh ước tính có khoảng từ 80 đến 100 người lang thang ăn xin, xin tiền đang hoạt động.
Trước thực trạng đó, quyết tâm xây dựng thành phố không có người ăn xin - mô hình mà cách đây hơn 10 năm về trước, thành phố Đà Nẵng đã triển khai rất thành công - UBND TP Vinh đã có kế hoạch xây dựng đề án giải quyết tình trạng lang thang, ăn xin.
Đề án được các Sở, ngành liên quan đồng ý và triển khai từ tháng 6/2012 đến nay. Theo đó, đề án này được chia làm 2 giai đoạn. Từ nay đến năm 2015, sẽ xây dựng nhà cộng đồng, lắp đặt trang thiết bị cơ sở vật chất với mức đầu tư 5,5 tỷ đồng. Địa điểm xây dựng tại khuôn viên Trung tâm giáo dục Lao động xã hội TP Vinh.
Giai đoạn 2 sẽ lập đề án xin xây dựng trung tâm bảo trợ xã hội. Từ tháng 7/2012, các phường Lê Lợi, Trường Thi và Hồng Sơn đã được chọn làm thí điểm để rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng.
Ngày 16/6/2011, UBND TP Vinh đã ban hành quyết định “Phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình Nhà nuôi dưỡng đối tượng lang thang, xin ăn, xin tiền trên địa bàn TP Vinh và các công trình phụ trợ - Trung tâm giáo dục Lao động xã hội TP Vinh”.
Công trình nhà ở với kinh phí xây dựng trên 2 tỷ đồng
Quyết định nêu rõ, công trình xây dựng nhà 1 tầng, diện tích 442m2, sân lát gạch block tự chèn, diện tích 124m2, đường đi vào rộng 3 m, chiều dài 102m2, tường rào xây bổ sung 10m, cổng vào rộng 2,5m. Ngoài nội dung và quy mô đầu tư, trong quyết định này còn nêu rõ phương án xây dựng rất chi tiết của từng bộ phận công trình nhà dân dụng cấp bốn như: kiến trúc, kết cấu, bể tự hoại trong nhà, hoàn thiện, hệ thống điện, cấp thoát nước, sân, đường nội bộ, cổng, hàng rào.
Địa điểm xây dựng nằm trong khuôn viên Trung tâm giáo dục Lao động xã hội, đóng trên địa bàn xã Hưng Đông, TP Vinh. Tổng mức đầu tư là 2.423.169 nghìn đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 2.099.511 nghìn đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách TP Vinh.
Tiếp đó, ngày 7/9/2011, UBND TP Vinh đã ra quyết định chỉ định thầu thi công gói thầu “Xây dựng nhà nuôi dưỡng đối tượng lang thang, xin ăn, xin tiền trên địa bàn TP Vinh và các công trình phụ trợ Trung tâm giáo dục LĐXH TP Vinh”, cho Công ty TNHH Thanh Hưng thi công, với giá chỉ định thầu 2.026 triệu đồng, giảm 3,5% so với giá gói thầu được phê duyệt. Thời gian hoàn thành phải trước ngày 30/9/2011.
Bất hợp lý và vướng mắc
Công trình nhà ở cho các đối tượng nếu hoàn thiện được như dự kiến, thì cũng chưa thể đưa vào hoạt động. Lý do, Trung tâm giáo dục LĐXH TP Vinh không có chức năng và nhiệm vụ chăm sóc những đối tượng lang thang xin ăn, xin tiền.
Trước vướng mắc đó, ngày 14/9/2012, UBND TP Vinh lại phải có tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An “Về việc bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ hoạt động Bảo trợ xã hội cho Trung tâm giáo dục Lao động xã hội TP Vinh”. Điều đáng nói, trong tờ trình này có đoạn nêu rõ: “Giai đoạn I từ năm 2012 - 2015 triển khai thực hiện đề án thí điểm, thành phố Vinh cấp kinh phí 5,5 tỷ đồng.
Trong đó, xây dựng nhà cộng đồng và lắp trang thiết bị, dụng cụ sinh hoạt tại Trung tâm Giáo dục LĐXH 3 tỷ đồng, tách riêng tại một khu riêng biệt của trung tâm.
Mua sắm phương tiện chuyên dùng và công cụ hỗ trợ 1,2 tỷ đồng, kinh phí quản lý chăm nuôi đối tượng tại nhà cộng đồng 1 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ chỉ đạo điều hành và các hoạt động khác 300 triệu đồng”.
Người ăn xin, xin tiền trên địa bàn TP Vinh
Đề án này đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh phê duyệt. Theo quan sát của phóng viên chiều 10/12, hiện nay công trình nhà cộng đồng này đang bề bộn, mới chỉ xây xong phần thô của ngôi nhà.
Công trình theo phê duyệt sẽ rất hoành tráng, với kinh phí trên 2 tỷ đồng nhưng theo quan sát thì đó chỉ là một ngôi nhà cấp 4, có tất cả 6 phòng. Chưa hề có điện, nước, chưa mua sắm trang thiết bị hay bất cứ vật dụng gì bên trong.
Được biết, hiện nay, trung tâm giáo dục LĐXH TP Vinh có gần 200 học viên (là những đối tượng từng nghiện ngập ma túy) vào đây để cai nghiện. Việc đưa người ăn xin vào đây, dù có ngăn cách bằng bức tường rào thì cũng hoàn toàn không hợp lý.
Đó là chưa nói đến việc, từ trước đến nay, theo quy định thì khi gom người lang thang, ăn xin và xin tiền chỉ đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội. Việc đưa vào trung tâm giáo dục lao động xã hội như UBND TP Vinh đang làm hiện nay đang đi ngược lại với quy định chung, không phù hợp và trái với quy định của Nhà nước vì trung tâm này không có chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn chăm sóc người ăn xin.
Thậm chí, nếu UBND tỉnh Nghệ An đồng ý bổ sung thêm chức năng và nhiệm vụ cho Trung tâm giáo dục Lao động xã hội chăm sóc người ăn xin thì liệu có phải là một nhiệm vụ quá tải? Đó là chưa nói đến chuyện sống chung như thế sẽ còn kéo theo những hệ lụy khác khó đoán định.
Thành Thảo
.