Sau khi có thông tin phản ánh của bà con nông dân ở một số địa phương trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu về tình trạng bột đá lẫn lộn với vôi bột đem bán thời gian qua, chúng tôi đã về tận “lò” để tìm hiểu thực hư sự việc. Theo phản ánh của người dân, hiện nay trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, các thương lái chuyên bán vôi giả chủ yếu tập trung ở các xã Quỳnh Xuân và Quỳnh Văn.
Một ngày đầu tháng 12/2012, trong vai người đi đặt hàng mua vôi bột với số lượng lớn về để khử ao cá, chúng tôi đã tìm về xóm 8, xã Quỳnh Xuân. Vừa đến đầu làng, cảnh tượng những bãi bột màu trắng đã được tập kết ở một số “lò” của những hộ dân mọc lên nhan nhản như nấm. “Mục sở thị” một vài bãi người ta hay gọi là bột vôi thì chúng tôi mới ngớ người ra đây là những đống bột đá trắng?
Theo người dẫn đường là dân bản địa ở đây cho biết, do mấy ngày hôm nay gió mùa kết hợp mưa rải rác nên các thương lái phải tấp bạt lại để chờ nắng ráo mới chở đi bán.
Cũng theo người dẫn đường thì với công nghệ “3 trong 1”, những chủ bãi ở đây chỉ cần bỏ ra một đồng mua vôi thật có thể lời gấp 4 lần. Còn bột đá trắng thì chỉ cần cất công lên một số chủ xưởng đá trắng ở huyện Quỳ Hợp chở về mà chẳng cần phải bỏ ra một đồng mua nguyên liệu. Hoặc có trường hợp chở vôi khối (vôi sau khi tôi chưa được xử lý thành vôi bột) lên bán cho bà con ở mạn Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp sau đó nhân tiện chở bột đá trắng về xuôi.
Bột đá trắng được tập kết chờ nắng ráo sẽ trộn với vôi tôi để đem bán ở xóm 8,
xã Quỳnh Xuân (ảnh chụp ngày 3/12/2012)
Quả thật như lời bà con, nhiều đầu nậu vôi giả đã nguỵ trang bằng một lớp vôi thật (vôi được nung đốt từ đá lèn thành vôi tôi hay còn có công thức hoá học là Ca(OH)2 - calcium hydroxide) với bột đá trắng để bán cho nông dân rải xuống ruộng khử sâu, ấu trùng trước khi bước vào mùa vụ mới.
Anh Trần Văn Tân ở xã Ngọc Sơn bức xúc cho biết: “Cứ vào mùa vụ gia đình tôi mua đến gần 3 tạ vôi bột để bón ruộng nhằm tận diệt sâu bệnh khỏi hại hoa màu. Nhưng chẳng thấy được mùa mà lại sinh thất bát. Cây lúa thì còi cọc do đất đông kết rồi sinh sâu bệnh. Nghe mọi người nói có vôi giả, vừa qua, tôi mở ra xem thì thấy toàn bột đá trắng. Nếu phát hiện muộn, gia đình tôi cũng cứ đinh ninh là vôi bột thật thì chỉ còn cách bỏ hoang đồng ruộng”.
Cùng chung cảnh ngộ như anh Tân, hàng chục hộ dân ở địa phương này đã mua phải vôi giả do thương lái chở lên tận nơi bằng ô tô tải mà không hay biết. Được biết, không chỉ bán vôi trộn bột đá trắng cho bà con nông dân Quỳnh Lưu mà các thương lái ở đây còn chở đi bán cho các huyện Yên Thành, Diễn Châu… và sang cả Hà Tĩnh.
“Họ bán rẻ lắm. Nếu bình thường chúng tôi mua vôi bột nhỏ lẻ vôi khối thì phải đến gần 5.000 đồng/kg nhưng vôi bột này giá chỉ 1.000 đồng/kg. Nhà tôi thấy rẻ mua về hàng tấn để trữ cho mùa sau nhưng khi thấy càng để nó càng đông tảng mới biết là vôi giả” - Chị Thiện ở xã Quỳnh Lâm cho biết thêm.
Với mánh khoé trộn vôi thật được nung từ đá vôi qua công đoạn thủ công sau đó pha trộn với bột đá trắng đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm giảm độ phì nhiêu của đất nông nghiệp.
Trước tình trạng trên, bà con cần nêu cao cảnh giác với nạn vôi giả hiện nay, tránh gặp phải cảnh đổ bột đá xuống đồng ruộng của mình. Với nạn vôi giả như hiện nay cũng đề nghị các ngành chức năng cần sớm vào cuộc, ngăn chặn tình trạng lừa bán tràn lan ở các vùng quê nông thôn.
Ngọc Thái
.