Đã vài năm nay cụ bà Lương Thị Thái và gần 400 nhân khẩu trong bản Na Xai, xã Liên Hợp hàng ngày phải tắm rửa, giặt giũ, sinh hoạt chủ yếu nhờ vào nguồn nước Mó này. Trong lúc đó 3 cái bể nước cộng đồng của xóm đã bị hư hỏng, khô cạn đáy.
Bà nói với chúng tôi: "Nhà nước xây bể nước cho, nhưng không được lâu bị hỏng hết, không có nước, bà con trong bản phải tắm rửa, giặt giũ, sinh hoạt ở nước Mó này thôi. Nước ăn cũng lấy ở đây, đưa về nhà xa, khổ lắm".
Từ năm 2005 đến nay, toàn huyện Quỳ Hợp đã được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình nước sinh hoạt phục vụ nhân dân các vùng nông thôn và miền núi. Nguồn vốn đầu tư cho các công trình này được huy động từ nhiều nguồn, trong đó, chủ yếu từ vốn chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, định canh định cư, Chương trình 135, 134 của Chính phủ dành cho các xã đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, thường các công trình nước sinh hoạt nông thôn sau khi nghiệm thu và đưa vào sử dụng, vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều công trình nước sạch nông thôn hoạt động không hiệu quả, thậm chí bị “đắp chiếu” trong khi người dân phải dùng nước ô nhiễm. Có công trình đầu tư tiền tỷ nhưng hoạt động chưa đầy một năm đã ngừng hoạt động.
Nhiều công trình nước đưa vào sử dụng được vài tháng đã hư hỏng không có nước
Ông Hà Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thành cho biết: "Xã Châu Thành được đầu tư xây dựng chương trình lồng ghép nước tự chảy, năm 2007 có 32 bể, tổng kinh phí là gần 3 tỷ đồng. Hiện tại 12 bể không có nước do nhiều nguyên nhân, do địa hình phức tạp, ý thức bảo vệ của bà con nhân dân nguồn nước đầu nguồn hạn chế do khai thác, rồi cái này, cái khác ảnh hưởng khách quan nên không có nước".
Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp hiện có 20 công trình nước sinh hoạt nông thôn thì có 13 công trình nằm trong tình trạng hư hỏng nặng, ngừng hoạt động, còn lại đang duy trì vận hành nhưng cũng phập phù, các công trình chủ yếu hư hỏng đường ống dẫn, đập đầu mối, bể chứa và một số các hạng mục khác... Tập trung ở các xã Văn Lợi, Bắc Sơn, Yên Hợp, Châu Thái, Liên Hợp, Châu Cường, Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Thành...
Nguyên nhân chính là do việc đầu tư không đồng bộ, công tác quản lý kém hiệu quả nên hệ thống bể chứa, đường ống bị hư hỏng. Bên cạnh đó, các chương trình này địa phương không được thu tiền cấp nước từ các hộ gia đình, dẫn đến không có nguồn kinh phí hằng năm để đầu tư, sửa chữa kịp thời mỗi khi hư hỏng, dẫn đến công trình xuống cấp nhanh. Phần nữa là do ý thức, trách nhiệm của người dân chưa tốt...
Việc ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Chính vì thế, thiết nghĩ đối với các công trình xây dựng xong, chính quyền địa phương nơi hưởng lợi cần phải thành lập ngay ban quản lý, khai thác. Ban quản lý có trách nhiệm quản lý bảo vệ, sửa chữa thường xuyên, để phát huy hiệu quả các công trình đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất của bà con đồng bào dân tộc vùng cao.
Huy Nhâm
.