Trong những năm qua các khu kinh tế - khu công nghiệp (KKT - KCN) đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Cần ghi nhận một số nhà đầu tư đã mang lại lợi ích kinh tế cho ngân sách Nhà nước như: Dự án Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ An, Nhà máy bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh với khu sản xuất bia Công nghiệp tại Cầu Mượu mỗi năm đóng góp cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng, hoặc dự án Sản xuất bao bì Sabeco mỗi năm gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn chung, các KKT - KCN vẫn chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ và hoạt động chưa mang lại hiệu quả.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 15/11/2012, đã có 27 dự án đầu tư tại khu kinh tế Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh bị thu hồi giấy phép đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Đầu tư. Trong đó, có 18 dự án tại KCN Nam Cấm, 8 dự án tại KCN Bắc Vinh và 1 dự án tại KCN Hoàng Mai. Hầu hết, các dự án bị thu hồi đều do chủ đầu tư chỉ mới triển khai dở dang một số hạng mục và đã dừng thi công.
Có 18 dự án tại KCN Nam Cấm bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư
Còn trong danh mục các dự án chậm tiến độ trong KKT Đông Nam đến tháng 10/2012, có đến 15 dự án đầu tư đã đến hạn thu hồi và UBND tỉnh sắp ban hành quyết định thu hồi. Trong đó, một số dự án như dự án đầu tư Nhà máy sản xuất giấy vệ sinh cao cấp do Công ty cổ phần XNK giấy Lotus làm chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 22/6/2011 trên diện tích 19.819m2 đất với vốn đầu tư 66 tỷ đồng.
Dự án này theo tiến độ cam kết sẽ hoàn thành xây dựng trong thời gian 12 tháng. Nhưng đến 14 tháng (tức tháng 8/2012) dự án mới tiến hành xây nhà bảo vệ, tường rào, hệ thống mương thoát nước và đang tiến hành thi công nhà văn phòng.
Tương tự, dự án Nhà máy sản xuất đồ đựng bao bì tự hủy do Công ty TNHH bao bì Toàn Thắng làm chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 4/5/2007 tại khu C trên diện tích 25.409m2 với vốn đầu tư gần 86 tỷ đồng, công suất bao bì tự hủy 50 triệu sản phẩm/năm, tiến độ cam kết là 12 tháng.
Sau khi đã hoàn thành xong một số hạng mục như san nền, xây dựng bờ rào, nhà xưởng, nhà văn phòng, nhà kho, nhà nghỉ ca, nhà ăn thì dừng thi công từ đầu năm 2010 đến nay. Như vậy, dự án chậm tiến độ 53 tháng so với cam kết.
Hoặc dự án Nhà máy lắp và sửa chữa máy nông nghiệp Việt Hàn do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng tổng hợp miền Trung làm chủ đầu tư được cấp phép đầu tư từ tháng 5/2009, tiến độ cam kết thực hiện dự án là 24 tháng nhưng đến nay đã 41 tháng vẫn chưa triển khai. Hiện, mặt bằng dự án trở thành nơi để máy công trình và làm mặt bằng đổ cấu kiện bê tông.
Trước thực trạng trên, cần có cái nhìn đúng, khách quan để đánh giá lại những tồn tại, từ đó bổ sung những cơ chế, chính sách cởi mở hơn, thông thoáng hơn cho các KKT - KCN phát triển. Sau khi ký được Hợp đồng thuê đất, được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhiều doanh nghiệp chậm rót vốn thực hiện dự án, thậm chí gần chục năm không triển khai xây dựng gì như dự án Nhà máy chế biến đá vôi trắng do công ty khoáng sản Đông Minh làm chủ đầu tư, Nhà máy sản xuất bột bả tường do công ty Hải Minh làm chủ đầu tư (KCN Nam Cấm).
Bên cạnh đó, rất ít doanh nghiệp hoạt động thực chất, hiệu quả. Trước thực trạng đó, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã tiến hành thu hồi lại đất nhiều dự án. Tuy nhiên, việc thu hồi dự án cũng gặp không ít khó khăn, do khi bị thu hồi nhiều dự án vướng mắc vấn đề giải quyết tài sản đã đầu tư trên đất nên chủ đầu tư không muốn trả lại đất cho Nhà nước.
Khi thu hút đầu tư tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng lại thiếu cơ chế ràng buộc họ với những cam kết với cơ quan quản lý dự án. Và quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án chưa quan tâm tới việc thẩm tra năng lực tài chính, nguồn nhân lực của nhà đầu tư.
Trong lúc đó, còn giao diện tích sử dụng đất không sát với thực tế đã dẫn đến tình trạng vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đăng ký, chậm tiến độ triển khai hoặc bỏ đất trống không thi công, vô hình trung như kiểu chiếm đất mà thôi; diện tích đất của một số dự án được cấp nhiều hơn nhu cầu thực tế gây lãng phí quỹ đất.
Có thể nói: Chính sự thông thoáng của chính sách nhằm kêu gọi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đã tạo kẽ hở cho một số nhà đầu tư “lách” luật. Thậm chí có nhiều nhà đầu tư lợi dụng đã nhượng bán trắng lại toàn bộ diện tích đất cho đối tác khác qua mặt Ban quản lý cả một thời gian sau đó mới biết được thì nhà đầu tư đã cao chạy xa bay?
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Hóa - Phó Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết: Hiện nay, có nhiều dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động, có hiệu quả, tạo động lực mới trong việc thu hút đầu tư và góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh thì còn nhiều dự án triển khai rất chậm. KKT Đông Nam có tổng diện tích 300ha, thì hiện có đến 150ha để trống.
Trong 107 dự án được cấp phép đầu tư, có đến 27 dự án bị thu hồi do lãng phí đất, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, cái khó là hiện tại thu hồi đất cũng chẳng biết sử dụng diện tích đất đó để làm gì!? Trước khó khăn như vậy, Ban quản lý dự án sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có thể lựa chọn đúng những dự án có đủ điều kiện, chứ không ồ ạt như trước đây. Theo đó, cần phải đổi mới xúc tiến đầu tư đi vào chiều sâu.
Phải cải cách hành chính, bằng một đội ngũ cán bộ làm việc thực sự có tinh thần trách nhiệm cao, phải luôn gắn với dự án bằng thái độ thân thiện, tích cực để mời gọi, lấy sự hợp tác, hỗ trợ cho nhà đầu tư là vấn đề quan tâm bậc nhất. Việc tạo ra cơ chế quản lý và chính sách thông thoáng, hợp lý đúng pháp luật là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút đầu tư và mở đường cho các KKT phát triển đúng thực tế năng lực của các Nhà đầu tư mới mong Nghệ An phát triển thành công các KKT - KCN.
Phát triển KKT - KCN có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Bởi vậy, cần thẩm định, kêu gọi lựa chọn những dự án khả thi, nhà đầu tư có năng lực về tài chính, về công nghệ chuyên nghiệp mang tính toàn cầu hóa. Như vậy, việc thu hút đầu tư mới thực sự có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện và bền vững.
Lê Hoa
.