Phía Hàn Quốc tạm thời ngừng tuyển dụng lao động mới đồng nghĩa với việc 12.000 lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn khó có cửa sang Hàn khi chứng chỉ của họ sẽ hết hạn vào đầu năm 2013. Trung bình mỗi lao động phải bỏ ra chi phí trên 10 triệu đồng để tham gia học và thi lấy chứng chỉ tiếng Hàn, việc có chứng chỉ nhưng không sang được Hàn Quốc đã làm tiêu tốn của lao động hàng trăm tỷ đồng.
Nghệ An có gần 3.500 lao động được cấp chứng chỉ tiếng Hàn sau khi vượt qua kỳ thi tiếng Hàn ngày 17, 18/12/2011 nhưng gần một năm trôi qua mới chỉ có 408 lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc, gần 3.000 lao động vẫn chưa thể xuất cảnh và cơ hội dành cho họ gần như không còn khi Hàn Quốc quyết định tạm ngừng tuyển lao động mới từ Việt Nam.
Anh Nguyễn Văn Sơn ở xã Khánh Sơn, Nam Đàn buồn bã: “Nghe tin Hàn Quốc tạm ngừng tuyển mới lao động Việt Nam, tôi sốc quá. Tôi đã mất 2 năm ròng rã học tiếng Hàn, mãi đến đầu năm 2012 mới có được chứng chỉ, đầu năm 2013 chứng chỉ hết hạn nên cơ hội sang Hàn gần như không còn nữa. Thi lại chắc gì tôi đã đậu. Hai năm theo học, tham gia hai đợt thi đã tiêu tốn của gia đình tôi gần 50 triệu đồng nhưng giờ lại về con số 0”.
Học viên tham gia học tiếng Hàn trong hy vọng
Anh Sơn cho biết thêm: “Sau khi có chứng chỉ, một số “cò” liên hệ với tôi đòi 5.000 USD để chạy sang Hàn nhưng tôi không đồng ý vì ai cũng bảo có chứng chỉ rồi kiểu gì cũng được sang nên tôi đã chờ đợi, ngày nào cũng lên mạng kiểm tra xem danh sách bay có tên mình không nhưng không thấy, nếu Hàn Quốc không ngừng tuyển lao động thì từ giờ đến đầu năm 2013 chắc gì tôi đã được bay”.
Cùng chung nỗi thất vọng như anh Sơn là gần 3.000 lao động Nghệ An, bây giờ thật sự họ đã vô vọng trong chờ đợi. Nếu không được đi và phải thi lại chứng chỉ tiếng Hàn thì quả là quá thiệt thòi cho các lao động. Họ đã phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để có được chứng chỉ nay phải bắt đầu lại thì thật bất công.
Anh Trần Công Hải, ông bố trẻ của hai đứa con ở phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò bức xúc: “Từ khi có chứng chỉ, tôi chỉ ở nhà chờ đợi lịch xuất khẩu không dám đi làm ăn xa dù có những công ty vận tải đường biển trả lương 6 triệu đồng/tháng. Nay không được đi, cơ hội việc làm cũng không còn gia đình tôi biết sống như thế nào trong những ngày tới”.
Có một thực tế đáng buồn nữa là các lao động đang theo học các khóa đào tạo tiếng Hàn thì nghe tin phía Hàn Quốc tạm ngừng tuyển dụng đồng nghĩa với dừng các cuộc thi lấy chứng chỉ. Sau khi nghe tin một số đã bỏ học, một số vẫn tiếp tục theo học nhưng không biết tương lai như thế nào. Được biết, các lao động phải trả 3 triệu đồng cho một khóa đào tạo tiếng Hàn từ 3 đến 5 tháng chưa kể các khoản chi phí khác.
Em Đỗ Ngọc Anh ở Anh Sơn đang theo học tiếng Hàn tâm sự: “Thấy anh hàng xóm xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc mỗi tháng gửi về hơn 1.000 USD nên em không theo học trường Cao đẳng kinh tế Nghệ An dù đã có giấy nhập học mà theo học tiếng Hàn. Giờ em không biết phải làm sao, ở lại học thì tốn tiền cha mẹ, về nhà thì không biết làm gì để sống”.
Hệ quả của việc Hàn Quốc tạm ngừng tuyển mới lao động Việt Nam đã hiện hữu và còn kéo dài. Gần 3.000 chứng chỉ tiếng Hàn của lao động Nghệ An sẽ vô giá trị vào đầu năm 2013 gây thiệt hại trước mắt hàng trăm tỷ đồng, hậu quả sau đó là không thể lường trước.
Về vấn đề này, ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: “Phía Hàn Quốc đang làm căng để giải quyết thực trạng lao động Việt Nam bỏ trốn quá nhiều, hiện có hơn 11.000 lao động bỏ trốn, tỷ lệ bỏ trốn lên tới 54%. Để giải quyết thực trạng trên là việc khó, hậu quả của việc lao động bỏ trốn là quá nặng nề”.
Hiện nay, Chính phủ hai nước đang tiếp tục thảo luận về các giải pháp xử lý lao động bỏ trốn và lượng lao động đang tồn lại trong nước. Tuy nhiên, để tìm tiếng nói chung là khá khó khăn khi chúng ta không kìm hãm được hành vi bỏ trốn của lao động. Chừng nào lao động bên Hàn còn bỏ trốn, lao động trong nước còn phải gánh chịu hậu quả.
Ngọc Hùng
.