Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng người đi xuất khẩu lao động lớn, tập trung ở các khu vực và các quốc gia khác nhau. Trong đó, nhiều nhất là ở khu vực Trung Đông và một số nước Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia... với các ngành nghề không giống nhau như nông nghiệp, xây dựng, chế biến thực phẩm, công nhân nhà máy.
Một lượng lớn lao động khác kém may mắn hơn buộc phải làm thuê cho các chủ tàu đánh cá. Nghề đi biển, một trong những nghề có mức độ rủi ro cao nhất.
Phần lớn các lao động chọn con đường xuất ngoại đều xuất thân từ các vùng nông thôn nghèo, chấp nhận ra nước ngoài làm việc cho dù biết đó là những công việc vô cùng vất vả và nguy hiểm như xây dựng và đi biển. Trong đó, nghề đi biển được đánh giá có mức độ rủi ro cao nhất.
Nhiều người vẫn không thể quên ngày 9/11/2008, tàu đánh cá “Phúc Tích Tường - 767” của Đài Loan do biển động mạnh đã bị chìm khi đang đánh cá ở vùng biển phía Nam thành phố Cao Hùng. Trong số 28 thuyền viên bị nạn có 8 thuyền viên Việt Nam. Mới đây nhất là vụ chìm tàu đánh cá Jung Woo 2 của Hàn Quốc trên biển Nam Cực, làm 4 thủy thủ Việt Nam trong tổng số 23 người có mặt trên thuyền mất tích.
Lao động trên biển luôn tiềm ẩn rủi ro cao - Ảnh minh họa
Một trong những xã điển hình có nhiều người dân xuất khẩu lao động bằng nghề đi biển đó là xã Nam Lộc (Nam Đàn). Đến nay xã đã có hàng chục người sang Đài Loan, Hàn Quốc làm nghề này, trong đó đã có không ít người phải trả giá bằng sinh mạng của mình. Nghề đi biển với nhiều công việc đặc thù như thuyền viên đánh cá, thủy thủ, sơ chế hải sản...
Nhưng tất cả đều có mối nguy hiểm như nhau bởi đều cùng lênh đênh trên biển ròng rã hàng tháng, hàng năm trời mới vào đất liền. Cả tháng, cả năm trời trên biển như vậy, không những phải có sức khỏe dẻo dai để chịu được cái sóng, cái gió và mưa bão của đại dương mà còn phải làm việc vất vả ngày đêm, nhất là vào mùa cá.
Anh Nguyễn Xuân Hạnh (38 tuổi), xóm 3 xã Nam Lộc, từng đi biển nhiều năm ở Đài Loan, Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi muốn làm công việc trên đất liền nhưng không dễ gì để đi được, nên đành chấp nhận nghề đi biển. Hơn nữa số tiền ban đầu bỏ ra cũng không nhiều lắm, chỉ mất khoảng 30 triệu là đi được rồi.
Mỗi tháng đi biển lương khoảng 600 - 700 USD, vào mùa cá còn được chủ thuyền thưởng thêm vài trăm đô nữa. Đó là số tiền mà ở nhà cả năm trời cũng không làm ra được. Nên biết là mệt nhọc, đầy bất trắc rủi ro cũng cố gắng vì vợ vì con”.
Anh Hạnh còn cho biết thêm, trên biển, lao động thường phải làm việc quần quật cả ngày cả đêm, có khi 3 đêm liền không ngủ, vì vào mùa cá nên phải đánh bắt cật lực, nhiều cá mới được chủ thưởng nhiều tiền. Chỉ có khi nào thuyền cập bến vào bờ thì mới được nghỉ ngơi, rồi lại nhanh chóng chuẩn bị cho lần ra khơi tiếp.
Không may mắn như anh Nguyễn Xuân Hạnh, là anh Bùi Quán Bình ở xóm 6, xã Nam Lộc. Vì gia cảnh khó khăn, vay mượn chắt bóp mãi mới đủ số tiền để xuất ngoại những mong đổi đời. Sang Hàn Quốc, vì không đủ tiền làm công nhân nên anh Bình buộc phải lên boong tàu làm thuê cho chủ cá.
Cách đây chưa lâu, do một sự cố hy hữu trong lúc đánh cá mà anh Bình bị thương nặng và không qua khỏi, 2 người em họ khác cùng làm lúc đó cũng bị thương. Đến nay thi thể của anh Bình vẫn chưa đưa về nước được. Đó thực sự là một cú sốc lớn cho gia đình người bị nạn, để lại người vợ và hai đứa con thơ. Khác với lao động trên bờ, nghề đánh cá đòi hỏi không những có kỹ năng chài lưới, mà còn chịu được sóng gió và lênh đênh hàng tháng trời trên biển cả.
Do những khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập và mức thu nhập không cao nên những năm gần đây, thị trường này luôn thiếu nguồn lao động. Thuộc diện xã nghèo của tỉnh, vì vậy ở xã Nam Lộc có nhiều người dân đã chấp nhận đi nghề này. Họ chỉ mong có tiền để nuôi con ăn học, cho vợ ở nhà đỡ vất vả, cho cuộc sống bớt túng thiếu. Vì vậy, đành chấp nhận rủi ro, số phận như thế nào thì phó mặc cho trời định.
Vất vả, rủi ro là vậy, nhưng khi thoát chết trở về quê nhà, những người lao động này cũng gần như bị bỏ rơi, thân tàn ma dại, gia cảnh khốn đốn. Hơn 20 lao động trở về từ vụ cháy tàu Jung Woo 2, phần lớn là người Nghệ An và Hàn Quốc, đến nay vẫn chưa được nhận tiền bảo hiểm. Đó là chưa kể đến những nạn nhân bị bỏng, bị thương tích nặng đều không được bồi thường thoả đáng.
Vụ nổ bình ga trên tàu Lai Ching của Đài Loan (Trung Quốc) diễn ra vào tháng 4/2011, làm 2 lao động ở Nghi Lộc thiệt mạng, 10 thủy thủ khác bị thương nhẹ đến nay nỗi đau vẫn còn dai dẳng. Những người may mắn sống sót trở về trước thời hạn, không chỉ tan giấc mộng làm giàu ở trời Tây mà hiện khoản nợ vay ngân hàng vẫn chưa trả hết, lãi càng ngày thêm phình ra.
Đó cũng chính là tình cảnh chung của hàng trăm lao động ôm mộng làm giàu xứ người, nhưng vì ít tiền nên buộc phải làm thuê trên các tàu đánh cá xa bờ của nước bạn, chấp nhận mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió, có khi phải đánh đổi cả tính mạng của mình.
Thảo Vân
.