Vì lợi nhuận kinh tế
Hằng ngày trên mọi nẻo đường từ làng quê đến thành phố, ở đâu chúng ta cũng thường bắt gặp hình ảnh những người đi xe máy với tấm bảng “Ai cóc đây” cùng với lời rao của người bán cóc là cóc làm ruốc đây, bột cóc đây… Chưa bao giờ tình trạng rao bán thịt cóc lại nhộn nhịp như thời gian này.
Thịt cóc được coi như liều thuốc chữa được nhiều bệnh tật như hen suyễn, còi xương cho trẻ nhỏ. Không biết tác dụng của cóc đến đâu, chỉ biết rằng giờ đây ở mỗi góc vườn hay quanh làng xóm, đâu đâu cũng thấy người đi bắt cóc, cứ vậy những chú cóc thường ngày vì lợi nhuận mang lại đã bị săn bắt triệt để.
Anh Nguyễn Văn Ninh, một tay chuyên đi bắt cóc ở huyện Diễn Châu cho biết: “Mỗi ngày tôi đi lùng sục khắp nơi để bắt cóc, có ngày bắt được 40 - 50 con, có hôm trời mưa thì đến hàng trăm con chứ không ít, tính ra trung bình cứ 1kg cóc được 50 nghìn đồng.
Nếu cóc to thì 10 đến 15 con, cóc nhỏ thì 20 đến 30 con, mỗi ngày anh cũng kiếm được 200 - 300 nghìn đồng. Cùng với đội quân đi săn bắt cóc để bán lại xuất hiện những thương lái thu mua cóc. Không kể số lượng nhiều hay ít, cóc to hay nhỏ cứ hễ có cóc ở đâu là ở đó xuất hiện lái buôn thu mua cóc. Có ngày một lái buôn có thể thu gom ở các làng được hàng chục kg cóc.
Tình trạng giết cóc để làm thuốc ngày càng nhiều
Vậy là “cậu ông trời” cứ lần lượt bị săn bắt, rồi mổ thịt, làm ruốc bông. Hàng trăm con cóc bị xẻ thịt mỗi ngày cùng với tiếng rao của những người đi bán. Với mức săn bắt như vậy nên bây giờ hiếm lắm mới thấy một chú cóc ở góc vườn.
Còn đâu “cậu ông trời”
Chính vì lợi nhuận ở việc bán cóc lớn nên hầu như ở khắp mọi làng quê như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… mỗi ngày đều thấy tiếng rao quen thuộc của những người đi bán “cậu ông trời”. Và vậy là, những chú cóc tội nghiệp mỗi ngày cứ nghiến răng ken két như những lời tiễn biệt cuối cùng.
Khi cóc ngoài tự nhiên bị tận diệt triệt để thì cũng bắt đầu xuất hiện những người nuôi cóc để cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của các lái buôn thì thịt cóc ở ngoài tự nhiên vẫn có thịt thơm ngon và chắc hơn so với cóc nuôi, nhưng không phải ai cũng có thể phân biệt được cóc đồng với cóc nhà.
Thấy chúng tôi tò mò vì sao có một số cóc lớn như vậy để đem bán, chị T liền phân trần: “Không lo thiếu hàng đâu, có các đầu mối ngày nào cũng nhập hàng về, hết cóc đồng lại có thêm cóc nuôi nên không phải lo vấn đề này, chỉ có điều thịt cóc ngày càng đắt đỏ nên cũng bán khó hơn thôi”.
Thịt cóc được biết đến với những công dụng chữa bệnh rất hữu ích nhưng bên cạnh đó nếu thịt cóc mà làm không sạch, với một số bộ phận như gan, mật, trứng lại có chứa những chất kịch độc. Quá trình chế biến nếu không đảm bảo, chỉ một sơ suất nhỏ, nguy cơ dẫn đến ngộ độc thịt cóc là khó tránh khỏi.
Thực tế là đã có nhiều trường hợp ăn thịt cóc rồi bị ngộ độc do ăn phải mật, gan cóc, có người đã phải bỏ mạng vì món thịt cóc này. Chính vì vậy, không phải ai cũng có thể làm và chế biến để sử dụng như một thức ăn bổ dưỡng.
Cóc vốn là loài vật rất có ích với sản xuất nông nghiệp, cóc giúp con người bắt sâu bọ, ruồi muỗi… nhưng cứ ra sức bắt cóc như vậy thì nguy cơ sâu bệnh gia tăng cũng không phải là không có cơ sở. “Cậu ông trời” bị tận diệt để làm thịt một cách không thương tiếc, nguy cơ mất cân bằng sinh thái là khó tránh khỏi nếu chúng ta không dừng lại việc săn bắt loài vật có ích này.
Đức Chung
.