Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201210/23848-suy-nghi-ve-thuong-hieu-nguoi-lao-dong-xu-nghe-394481/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201210/23848-suy-nghi-ve-thuong-hieu-nguoi-lao-dong-xu-nghe-394481/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Suy nghĩ về "thương hiệu" người lao động xứ Nghệ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 31/10/2012, 14:00 [GMT+7]
23848

Suy nghĩ về "thương hiệu" người lao động xứ Nghệ

Vốn là những địa phương có quy mô dân số và nguồn lao động được xếp vào loại lớn so với cả nước, hàng năm, có hàng chục vạn người ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bước vào độ tuổi lao động. Trong khi điều kiện kinh tế còn gặp không ít khó khăn, việc nhiều lao động xứ Nghệ chọn con đường “Nam tiến” làm việc tại các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam được xem là một giải pháp cần thiết.
 
Đất lành chim đậu, nhiều người trong số họ đã lập nghiệp, có chỗ đứng nhất định, thu xếp ổn định cuộc sống của bản thân và làm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Người lao động hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh làm công nhân chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp phía Nam, ở một số tỉnh, thành có lượng lớn các khu công nghiệp phát triển dẫn đầu cả nước như: Khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương); Khu công nghiệp Biên Hòa, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai); Khu công nghiệp Bình Chánh, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh)…
 
Từ những miền quê nghèo khác nhau của xứ Nghệ, vượt một chặng đường khá xa tới miền đất phương Nam để lập thân, lập nghiệp, sự giúp đỡ, cưu mang, tương trợ lẫn nhau đã trở thành nét bản sắc đáng quý của “dân Nghệ”. Tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi đã giúp người lao động xứ Nghệ bám trụ được nơi đất khách quê người.
 
Tuy nhiên, khi mà tinh thần đoàn kết bị một số người nhận thức chưa đầy đủ, đẩy tới mức cực đoan, thái quá trở thành cục bộ, bè phái, gây tác động xấu tới môi trường lao động. Không ít các vụ lãn công, đình công xảy ra ở các doanh nghiệp là do người lao động xứ Nghệ “lãnh đạo” nhằm thể hiện tinh thần “đoàn kết”, thực chất là hùa nhau lại để bảo vệ dân cùng quê mà không cần phân biệt đúng sai, phải trái.
 
Chỉ cần một đồng hương “dân Nghệ” bị cắt lương, thưởng hoặc bị bố trí công việc khác là những người lao động cùng quê lại cùng nhau “hợp tác” tỏ thái độ bất bình, phản ứng cho dù lỗi thuộc về phía người lao động.
 
Bên cạnh hiện tượng gây bè, kết phái, cục bộ địa phương, một số người lao động xứ Nghệ còn có những hành động vi phạm kỷ luật lao động như: tùy tiện nghỉ làm, tự ý bỏ việc sang đơn vị khác có mức thu nhập cao hơn, thường xuyên tụ tập ăn nhậu dẫn tới say xỉn, nổi máu “iêng hùng”, gây gổ đánh nhau…
 
Những hành vi tiêu cực, những biểu hiện lệch lạc, vi phạm kỷ luật lao động nêu trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp. Đây đồng thời là lý do chính khiến cho người lao động xứ Nghệ bị “mất điểm” trong con mắt của nhiều chủ sở hữu lao động.
 
Trong điều kiện nền kinh tế khó khăn chung, tình trạng khan hiếm nguồn lao động đã không còn xảy ra, nhiều công ty, doanh nghiệp đã phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm bớt nhân công. Trong bối cảnh thiếu việc, thừa người, nhiều công ty, khu công nghiệp lớn ở tỉnh bạn tỏ ra “khắt khe” hơn trong việc lựa chọn nguồn lao động và không ít người lao động xứ Nghệ đã bị họ “từ chối” thẳng thừng.
 
Nhìn ta mà ngẫm tới người, Thừa Thiên Huế cũng là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ có khá nhiều lao động làm việc ở các địa phương khác. Người lao động xứ Huế với đức tính cần cù, khéo léo và ý thức tổ chức kỷ luật cao khiến cho người sử dụng lao động rất có cảm tình.
 
Không chỉ được biết đến khi làm việc trong các công ty, khu công nghiệp, người Huế còn “thành danh” ngay cả khi đơn thân lập nghiệp nơi đất khách. Không nói đâu xa, ngay trên địa bàn TP Vinh, có rất nhiều người Huế đến lập nghiệp mưu sinh.
 
Họ làm đủ nghề để kiếm sống như: Thợ nề, thợ mộc, cắt tóc, sửa xe, làm bánh, bán bún… Hầu hết ở họ đều có điểm chung trong tính cách rất dễ nhận biết là: Nhẹ nhàng, khiêm tốn, ham học hỏi, cầu thị và đặc biệt rất chí thú làm ăn, sống hòa đồng với người bản xứ.
 
Mảnh đất xứ Nghệ có thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, bão lụt, hạn hán diễn ra hàng năm. Người dân xứ Nghệ vẫn được ca ngợi là hiếu học, cần cù, chịu khó. Những ông đồ Nghệ ngày xưa rời quê đi dạy học ở nhiều nơi, được người dân bản xứ nể trọng vì hay chữ, tính tình bộc trực, cương thường, luôn nỗ lực cống hiến hết mình, có trách nhiệm với công việc được giao.
 
Họ đã làm nên nét bản sắc riêng của con người xứ Nghệ, văn hóa xứ Nghệ. Từ vài ba thập niên trở lại đây, người lao động xứ Nghệ vẫn được các cơ quan, doanh nghiệp “ưu ái” trong khâu tuyển dụng bởi mặt bằng trình độ văn hóa khá cao cộng với đức tính chăm chỉ, chịu khó, nhiệt tình, nhanh nhạy, thông minh vốn là những điểm đã làm nên “thương hiệu” của người lao động xứ Nghệ.
 
Để xảy ra tình trạng người lao động xứ Nghệ bị “từ chối” như trong thời gian qua là điều đáng buồn và lỗi trước hết thuộc về bản thân người lao động. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải có những nhìn nhận, đánh giá khách quan, nghiêm túc về vấn đề xây dựng và giữ gìn “thương hiệu” người lao động xứ Nghệ.
 
Từ gia đình, nhà trường đến các tổ chức đoàn thể cần có sự định hướng cho người sắp bước vào độ tuổi lao động trong việc lựa chọn nghề nghiệp và ứng xử đúng đắn trong quá trình lao động, hành nghề.
 
Các trường trung cấp, dạy nghề và các trường đại học, cao đẳng bên cạnh việc đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn cần quan tâm đúng mức đến việc xây dựng cho người lao động những kỹ năng mềm cần thiết trước khi họ bước vào con đường lập nghiệp dù ở nơi đất khách quê người hay chính ngay trên mảnh đất quê hương mình.
 
Điều quan trọng là, mỗi người lao động cần nhanh chóng thay đổi mình, mạnh dạn từ bỏ những tính cách, lối sống không còn phù hợp. Mỗi người lao động cần nhận thức được rằng: Lao động trong môi trường công nghiệp, hiện đại đòi hỏi người lao động không chỉ phải giỏi về tay nghề, cần cù, chịu khó mà còn phải có tính chuyên nghiệp, ứng xử có văn hóa, tôn trọng kỷ luật lao động.
 
Đây đồng thời là biện pháp trước mắt và lâu dài để người lao động xứ Nghệ lấy lại uy tín, gây dựng “thương hiệu” của mình.

Bùi Minh Tuấn
.