Cuối năm 1999, Lâm trường Quỳ Hợp (thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu) cử cán bộ vào bản Khì, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp vận động nhân dân bỏ nương rẫy để trồng rừng. Trong khi vận động, cán bộ lâm trường nói rất rõ là trồng cây theo Dự án 327.
Theo Dự án này thì cây giống của Lâm trường, còn công trồng, công chăm sóc, bảo vệ thì của dân, Lâm trường sẽ thanh toán bằng tiền mặt sau khi trồng xong. Đến kỳ thu hoạch sản phẩm ra thị trường, dân sẽ được hưởng 2/3 giá trị.
Có 16 hộ dân bản Khì ký hợp đồng với Lâm trường với tổng diện tích 59,6 ha chủ yếu là keo và bạch đàn. Tiền công Lâm trường đã thanh toán cho các hộ từ sau khi trồng xong vào cuối năm 2000.
Rừng bạch đàn đang được Lâm trường khai thác dần
Năm 2008, Lâm trường tổ chức khai thác bán sản phẩm. Không thấy Lâm trường nói gì đến phân chia lợi nhuận nên 16 hộ dân ra ngăn cản. Bởi vậy, Lâm trường đã phải đình chỉ, không khai thác nữa. Việc ngừng khai thác này kéo dài từ đó cho mãi đến giữa năm 2012.
Ngày 6/8/2012, Lâm trường lại tổ chức vào bản Khì tiến hành khai thác. 16 hộ dân bản Khì tiếp tục ngăn cản, lần này dữ dội hơn. Họ ngồi dưới gốc cây không cho công nhân đến cưa cắt; họ nằm dưới bánh xe ôtô không cho xe chở cây đi; họ đưa số cây đã được bốc trên xe xuống… Bởi vậy, công nhân cũng không dám khai thác, các nhà xe vận chuyển cũng không dám vào chở.
Họ còn phá cả những chiếc xe dám vào bốc hàng. Lâm trường đã phải nhờ đến các cơ quan chức năng hỗ trợ, can thiệp nhằm bảo vệ cho công nhân vào khai thác và vận chuyển cây đi. Còn 16 hộ dân biết không thể làm gì hơn nên cùng nhau gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Gần đây họ xuống UBND tỉnh thỉnh thị nguyện vọng của mình.
Chúng tôi gặp những người từ hồi trực tiếp đi vận động đến Giám đốc thời đó, xem các văn bản từ những năm 1999 - 2000 của phía Lâm trường cũng như các hộ có trong tay nhận thấy bên nào cũng có lý. Bên 16 hộ dân cứ khăng khăng cho rằng số diện tích 59,6 ha rừng họ trồng trên nằm trong Dự án 327 họ được chia quyền sản phẩm sau thu hoạch; còn Lâm trường thì phủ nhận, nói đây là trồng rừng sản xuất, khi thu hoạch Lâm trường hưởng cả.
Tình trạng khai thác số keo, bạch đàn của Lâm trường đang làm xáo trộn đời sống của một bộ phận nhân dân bản Khì. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm có một kết luận chính thống, bên nào đúng, bên nào sai để sớm ổn định tình hình.
Trần Hoài Ngọc
.