Thành phố Vinh là đô thị loại I, đồng thời là vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Bắc Trung bộ. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đang từng bước ra sức xây dựng thành phố Vinh hướng tới đô thị văn minh hiện đại, là điểm đến tin cậy của nhiều tập thể, cơ quan, doanh nghiệp…
Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều tuyến đường chính của thành phố, nơi tập trung nhiều cơ quan, đoàn thể, cơ sở kinh doanh, đang xuất hiện nhiều đệ tử “cái bang” và đâu đó còn có những người bị bệnh tâm thần vô gia cư lay lắt kiếm sống. Những hình ảnh “nhếch nhác” này đã gây rất nhiều phiền hà cho người dân và du khách đến thành phố Vinh và đã phần nào làm mất đi vẻ mỹ quan của thành phố. Thực trạng trên xảy ra đã nhiều năm nay, nhưng việc xử lý đang là bài toán bỏ ngỏ của các cấp, chính quyền thành phố.
Tại khu vực ngã ba Quán Bàu (địa phận tiếp giáp giữa phường Quán Bàu và phường Hà Huy tâp), đã nhiều năm nay có hai người đàn ông bị bệnh tâm thần trú ngụ, kiếm sống. Những người dân sinh sống ở đây cho biết, hai người đàn ông này suốt ngày quanh quẩn khu vực này, họ nhặt nhạnh mọi thứ đồ thừa của các quán ăn và người dân để lại.
Hai kẻ trai tráng cũng hành nghề xin ăn
Chỗ ngủ của họ là các gốc cây, sạp hàng ở chợ Quán Bàu. Một trong hai người đàn ông này có bản tính rất hung dữ, người này đã nhiều lần ngang nhiên cướp thức ăn, nước uống tại các hàng quán, nhiều khách hàng đến quán ăn ở khu vực này đã có những phen hú vía. Một cô nhân viên phục vụ quán ăn trên địa bàn đã bị gã đàn ông này đổ nửa bát cháo thừa lên đầu.
Đỉnh điểm là vào năm 2011, bà Nguyễn Thị T, chủ một cửa hàng bán cơm trên đường Mai Hắc Đế đã bị người đàn ông này dùng ghế gỗ ném vào người trọng thương. Bà T cho biết: “Buổi sáng hôm đó tui đang mở vòi nước rửa chén bát, người đàn ông này sấn đến vòi nước để tắm, tui xua đi, nhưng gã không chịu, tui quay vào gọi con trai, mới bước được một đoạn thì bị gã nhặt chiếc ghế gỗ ném thẳng vào lưng làm tui quỵ ngã.
Sau đó 2 tháng liền tui không tự đi lại được, mọi việc ăn uống, vệ sinh đều phải tại chỗ, mất hơn 10 triệu tiền thuốc thang bồi dưỡng tui mới đi lại được. Gia đình tui và nhiều người ở khối phố này đã làm đơn gửi lên UBND phường Hà Huy Tập, yêu cầu có biện pháp để không cho những người tâm thần lang thang khu vực này. Nhưng được mấy bữa lại thấy gã tâm thần này quay trở lại và giờ vẫn hàng ngày đi qua về lại trước quán nhà tui”.
Người phụ nữ và đứa trẻ bệnh tật xin ăn có người đón rước
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập cho biết: Chúng tôi đã biết việc này, nhưng không thể xử lý được, vì đây là những người bị tâm thần nên không thể khai thác được thông tin gì ở họ. Nếu muốn đưa họ vào bệnh viện tâm thần thì phải có người nhà viết đơn tự nguyện. Vì vậy, trước mắt chúng tôi chỉ có một cách là dùng biện pháp đẩy, đuổi họ đến nơi khác.
Ngoài những người bị bệnh tâm thần lang thang khắp chốn thì ở thành phố Vinh, nạn “ăn xin” cũng đang diễn ra hàng ngày, người dân bức xúc, chính quyền không có cách xử lý.
Những người đi “ăn xin” ở thành phố Vinh bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau, trẻ em, người già, người tàn tật…, họ hoạt động trên nhiều tuyến phố, nơi có kinh doanh hàng ăn, giải khát, quán bia là nhiều nhất, thời điểm sáng sớm và chiều tối tại các quán chật khách này luôn có đệ tử “cái bang”. Vào dịp lễ, hội những đệ tử “cái bang” này còn tập trung nhiều ở các đền, chùa, khu du lịch để hành nghề.
Nhiều chủ quán rất bức xúc trước vấn nạn “ăn xin” ở thành phố Vinh. Bà Nguyễn Thị Định, chủ một quán giải khát trên đường Mai Hắc Đế bức xúc: Thấy họ rách rưới như thế bác cũng thương, nhưng chỗ kinh doanh thế này du khách vào đây nghỉ ngơi mà thấy nhiều người ăn xin qua lại họ cũng phàn nàn lắm. Có lần bác không cho một người phụ nữ vào quán hành nghề nên ả ta còn chửi lại. Cũng làm đơn cho nhiều người ký rồi gửi lên phường nhưng không thấy được cải thiện gì cả.
Sau nhiều lần theo dõi, chúng tôi đã ghi nhận được đa số các trường hợp đi “ăn xin” đều được cải trang, người già thì chống gậy, trẻ hơn thì chân, tay co quắp, hát rong thì quầy quà… Họ đều tạo cho bản thân một vỏ bọc đáng thương hại, động vào lòng cảm thương trắc ẩn của người khác. Và tất cả đều có một điểm chung là sau khi hành nghề ở một vài địa điểm, các đệ tử “cái bang” sẽ lui dần về một gốc cây hoặc bờ tường nào đó và được một gã đàn ông chở xe máy phóng đi rất nhanh.
Trước thực trạng trên, chúng tôi đã có cuộc liên lạc với ông Trần Quốc Thọ - Trưởng Phòng LĐ-TBXH thành phố Vinh, ông Thọ cho biết: Chúng tôi đang triển khai kế hoạch và cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan. Đây là một vấn đề khó xử lý, vì bắt họ xong còn kéo theo những hệ lụy sau đó.
Như vậy, những hình ảnh nhếch nhác, mất trật tự này không biết đến bao giờ mới chấm dứt, người dân hàng ngày vẫn nơm nớp lo sợ mấy gã tâm thần có thể tấn công, cướp bóc bất cứ lúc nào và những người “xin ăn” ra, vào quấy nhiễu. Trước khi có một giải pháp hữu hiệu từ chính quyền sở tại, du khách và người dân không nên cho tiền những người xin ăn, nhiều lần xin không được thì người ta phải bỏ đi nơi khác.
Trần Đức Thắng
.