Trong năm 2012, dịch cúm gia cầm ở Nghệ An được phát hiện từ rất sớm, ngày 5/1 tại hai hộ dân nuôi vịt ở xóm Tân Lai, xã Phú Thành, huyện Yên Thành xuất hiện tình trạng vịt chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.
Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, ngành thú y xác định vịt chết do dương tính với cúm gia cầm H5N1 và quyết định tiêu tủy 1.300 con vịt trên địa bàn. Khi phát hiện ra ổ dịch đầu tiên ngành thú y cùng chính quyền địa phương đã ra sức dập dịch nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Dịch cúm tiếp tục lan rộng tới các địa phương lân cận như Quỳnh Lưu, Đô Lương mà tiêu điểm là ở hai xã Quỳnh Giang và Quỳnh Lâm huyện Quỳnh Lưu. Chỉ trong vòng 1 tuần, gần như đàn gia cầm ở hai xã này bị xoá sổ. Trạm Thú y Quỳnh Lưu đã phối hợp với chính quyền và nhân dân tiêu hủy gần 17.000 con gia cầm.
Trước thực trạng đó, Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp với chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc 5 không: không giấu dịch, không bán chạy gia cầm bị dịch bệnh, không mua gia cầm bệnh, không vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc và gia cầm bị bệnh, không vứt xác gia cầm chết bừa bãi.
Các vùng dịch nhanh chóng được khoanh vùng và tập trung nhân lực, vật lực để dập dịch. Các vùng phụ cận cũng được cấp thuốc, hoá chất, vôi bột để làm công tác khử trùng. Tuy nhiên cho đến nay, dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng, hiện dịch cúm gia cầm đang xuất hiện tại 7 huyện, thành thị gồm Vinh, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đô Lương, Cửa Lò, Yên Thành.
Cơ quan chức năng bắt giữ gia cầm không rõ nguồn gốc
Nguyên nhân chủ yếu của dịch cúm gia cầm vẫn xuất hiện và phát triển do thời tiết diễn biến thất thường làm các chủng vi rút cúm gia cầm có điều kiện biến đổi và phát triển. Mặt khác, một số gia cầm không được người dân tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đủ liều lượng.
Có một thực tế là người dân gần như “chờn” với dịch cúm gia cầm thể hiện ở việc người dân vẫn vận chuyển, buôn bán, giết thịt và sử dụng gia cầm ngay tại vùng dịch dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo không sử dụng và cấm các hành vi buôn bán, vận chuyển. Chính vì vậy, dù đã nỗ lực dập dịch, dịch bệnh vẫn đang có dấu hiệu chưa dừng lại và có những diễn biến phức tạp.
Ngày 7/8, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 31CĐ/UBND chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Trong đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Chi cục Thú y và các địa phương kiểm tra lại nguồn gốc con giống và quản lý nghiêm việc vận chuyển, cung ứng con giống gia cầm cho các hộ chăn nuôi.
Ngày 20/9, Chi cục Thú y đã có Công văn số 448 gửi các Trạm thú y các huyện, thành thị yêu cầu rà soát lại nguồn giống cung cấp cho người chăn nuôi và làm tốt công tác quản lý nguồn giống từ các tỉnh khác nhập về Nghệ An. Qua báo cáo từ các huyện thì phần lớn người chăn nuôi sử dụng con giống không rõ nguồn gốc, một bộ phận nhỏ tự sản xuất con giống không qua kiểm định chất lượng.
Theo ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nghệ An: Từ đầu năm đến nay đã có 12 huyện, thành, thị xuất hiện dịch cúm gia cầm. Chi cục đang triển khai nhiều biện pháp để dập dịch và ngăn ngừa dịch phát sinh. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là sự vào cuộc của người dân. Mỗi người dân nêu cao ý thức trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm thì dịch bệnh rất khó lây lan.
Dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, mỗi người dân nên nêu cao ý thức trách nhiệm với chính mình và cộng đồng, nói không với những hành vi cấm thì dịch cúm khó có cơ hội tồn tại và phát triển.
Ngọc Hùng
.