Việc chưa được tiếp cận nguồn vốn này khiến nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thúc đẩy xây dựng trang trại có quy mô, bị bỏ lỡ cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NĐ 41) có hiệu lực từ ngày 1/6/2010, quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngân hàng được phép xem xét cho vay không có đảm bảo bằng tài sản thế chấp với hạn mức tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Cũng với hình thức cho vay này, làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được xem xét cho vay tối đa đến 200 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại được xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng.
NĐ 41 quy định là vậy, nhưng trên thực tế, các đối tượng được hưởng chính sách này đang gặp phải không ít khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Đây là một trong những lực cản ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nông dân để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới.
Về vấn đề tại sao người nông dân lại khó tiếp cận vay vốn trong chính sách đáng lẽ phải rộng mở với họ. Ông Võ Văn Phong - Trưởng ban kinh tế Hội Nông dân Nghệ An lý giải: Việc nông dân gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 41 là một thực tế hiện nay, nó đang làm cho những người làm công tác hội rất băn khoăn. Với Nghị định 41 này tỉnh cũng kỳ vọng sẽ tạo cơ hội lớn cho nông dân phát triển sản xuất.
Nghị định 41 vẫn còn nhiều rào cản khi đến với nông dân
Ngay sau khi có Nghị định, Hội nông dân đã lập ra tổ vay vốn ở từng cơ sở đứng ra tín chấp vay vốn cho các hội viên. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện phía bên Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh chưa mặn mà với tổ vay vốn ở dưới cơ sở, vì khi thông qua tổ vay vốn này Ngân hàng phải trích 30% hoa hồng. Từ lý do mà bên ngân hàng muốn cho vay hộ cá thể bên ngoài hơn là qua tổ chức hội. Một nghịch lý cùng triển khai cho các hộ nông dân vay nhưng họ chỉ cho doanh nghiệp vay còn nông dân khó tiếp tận từ nguồn vốn này.
Nguồn vốn hiện nay chủ yếu từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Hỗ trợ nông dân, còn vốn vay từ Ngân hàng NN & PTNT rất hạn chế. Trong khi đó, các ngân hàng quy định nông dân muốn vay vốn thì phải có tài sản thế chấp, như thế, chẳng khác nào hai bên tự làm khó cho nhau. Bên cạnh “rào cản” đó thì hiện nay, đối với các mô hình trang trại trên địa bàn cũng rất khó tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển. Toàn tỉnh hiện có 493.346 hộ nông dân, có 230 trang trại, 356 hợp tác xã thì chỉ có một phần trong số này được vay vốn.
Phía Ngân hàng NN & PTNT cho rằng, chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn được ban hành trong thời điểm lạm phát kinh tế nên cũng phải thận trọng để hạn chế rủi ro phát sinh trong quá trình cho vay. Hơn nữa mức tín nhiệm của ngân hàng đối với các hộ nông dân không cao. Mặc dù không cần thế chấp nhưng muốn vay được vốn ngân hàng lại đòi cá nhân, hộ sản xuất… phải có tài sản nhất định để ký gửi đảm bảo cho nguồn vốn vay. Có thể khẳng định rằng nông dân tiếp cận được nguồn vốn này không đơn giản.
Để tạo điều kiện nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, ngoài việc hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thì cần tăng cường hỗ trợ nguồn vốn. Thế nhưng, cách thức cho vay còn bất cập như nêu trên, chưa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả.
Để biến cơ hội ấy thành hiện thực, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tạo điều kiện cho nông dân vay vốn hợp lý hơn, giảm bớt khó khăn cho bà con.
Trường Khuyên
.