Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Từ khi đi vào hoạt động, khu công nghiệp Nam Cấm đã thu hút được nhiều doanh nghiệp. Đó là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hiện nay là ô nhiễm môi trường từ khu công nghiệp không chỉ ảnh hưởng lớn đến diện tích đất sản xuất mà còn tác động đến không khí, môi trường sống của người dân xung quanh khu vực. Rất nhiều hộ dân của các xã gần khu công nghiệp đang phải gánh chịu hậu quả khi nước thải chưa qua xử lý chảy trực tiếp ra môi trường tự nhiên.
Vừa qua, đoàn thanh tra của Bộ TN - MT và Sở TN - MT tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Nghệ An đóng tại Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc và phát hiện Công ty này xả lén nước thải ra môi trường chưa qua xử lý.
Qua tiến hành kiểm tra lấy mẫu đột xuất tại Công ty, đoàn đã phát hiện trước cổng Công ty có 3 họng xả nước có đường kính F400 (gồm cống CX2, CX4 và CX3) có nước thải sản xuất chưa xử lý chảy ra kênh sát Quốc lộ 1A với khối lượng xả khoảng 90 m3/ngày đêm. Bờ kênh dài 500m dọc theo Công ty nước có màu đen đậm đặc, bốc mùi hôi thối.
Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở TN-MT, phòng TN-MT huyện Nghi Lộc, BQL Khu kinh tế Đông Nam cũng đã tiến hành kiểm tra tại Công ty CP Bia Hà Nội - Nghệ An và đã phát hiện sai phạm về môi trường. Đoàn đã yêu cầu Công ty phải đình chỉ ngay hành vi xả nước thải sản xuất không qua xử lý ra cống thoát nước mưa dọc kênh QL1A.
Hiện nay, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nếu không xử lý kịp thời tình trạng trên sẽ diễn ra nghiêm trọng, gây lo lắng, băn khoăn, bức xúc trong nhân dân.
Dòng nước đen ngòm từ nước thải Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ An
Tại huyện Diễn Châu, Khu CN nhỏ Diễn Hồng sau khi được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch và đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân sinh sống xung quanh khu vực hết sức khốn khổ. Hầu như các xưởng sản xuất trong KCN đều không có hệ thống xử lý rác thải, chất thải.
Khu công nghiệp này có diện tích 10ha, với 41 đơn vị đầu tư sản xuất kinh doanh, trong đó có 11 công ty TNHH và 30 hộ gia đình tham gia kinh doanh. Khu CN gồm các ngành nghề chủ yếu như xay nhựa, xay bì xác rắn, buôn bán phế liệu, sản xuất xà gồ - tôn lợp, nấu phôi thép. Các cơ sở phế liệu, tạo hạt nhựa, xay hạt nhựa... thường xuyên đốt nhựa gây mùi hôi thối, mùi khét khó chịu bay xuống khu dân cư, tiếng ồn từ các nhà máy và cơ sở mua bán phế liệu cũng làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Có thể nói, thực trạng ô nhiễm từ các khu CN xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân đáng chú ý là hiện nay, việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở hầu hết các khu công nghiệp còn hạn chế, trong đó quan trọng nhất là hệ thống giao thông và khu xử lý nước thải tập trung.
Các doanh nghiệp, chủ dự án chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, còn né tránh, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng và chưa thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường. Có doanh nghiệp còn cố tình trốn tránh, thiếu trách nhiệm, không quan tâm đến việc xử lý môi trường, không thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Toàn tỉnh hiện có 72 dự án được cấp giấy phép hoạt động ở các KCN Bắc Vinh, Nam Cấm, Hoàng Mai, Đông Hồi. Trong đó, có 33 dự án đi vào hoạt động. Nhìn chung, hệ thống xử lý nước thải tại các doanh nghiệp này vẫn còn nhiều hạn chế, khu xử lý nước thải tập trung đều chưa được xây dựng hoàn chỉnh, hệ thống thu gom chất thải rắn chưa được quan tâm.
Do đó, các dự án sản xuất kinh doanh đầu tư vào các khu công nghiệp trong quá trình xây dựng nhà máy cũng như quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh đều phát thải tiêu cực đến môi trường, thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Để khắc phục tình trạng trên, tiến tới đảm bảo hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, không tổn hại đến môi trường sống. Thiết nghĩ, cần tập trung xử lý, đầu tư dứt điểm những cơ sở vật chất tối thiểu tại khu công nghiệp đã và đang hoạt động.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành những quy định về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là việc xả thải chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh.
Để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc xử lý nước thải, các KCN phải sớm hoàn thiện hệ thống thu gom; đồng thời các ngành chức năng cần có chế tài xử phạt mạnh hơn đối với doanh nghiệp lén lút xả trộm ra môi trường.
Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống đường giao thông cũng như khu xử lý nước thải tập trung trước khi chấp thuận các nhà đầu tư vào đầu tư dự án sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp. Bên cạnh đó, cần có những chính sách chặt chẽ hơn trong việc cấp phép xây dựng, hoạt động của KCN, các công ty hoạt động trong KCN; gắn việc cấp phép với yêu cầu hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, chất thải.
Có như vậy, việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp mới đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Hoa Lê
.