Để khắc phục những khó khăn trên, nhiều năm qua tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, góp phần ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác này còn gặp không ít khó khăn và thách thức.
Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới được các cấp các ngành hết sức quan tâm. Thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu Quốc gia NS&VSMTNT, chương trình xây dựng nông thôn mới... góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, phát triển kinh tế gắn liền bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, hướng tới một xã hội phát triển bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay phát triển nông nghiệp, nông thôn đang phát sinh nhiều vấn đề như: Sản xuất nông nghiệp manh mún, quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, phát triển kinh tế không gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường dẫn tới suy giảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường đất, nước...
Nhiều người dân ở nông thôn miền núi vẫn còn sử dụng nguồn nước
không đảm bảo vệ sinh môi trường
Hiện tại, toàn tỉnh đã có hơn 80% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, phần lớn dân cư nông thôn hiện nay sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước nhỏ lẻ (giếng khoan, giếng đào), khai thác mạch nước ngầm tầng nông, chất lượng nước không ổn định, thường thay đổi theo mùa, thiếu nước vào mùa nắng hạn, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư nông thôn do các hoạt động sản xuất, chăn nuôi đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước ngầm.
Chính vì thế, trong thời gian qua, tỉnh ta ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các dự án xây dựng công trình cấp nước tập trung có công nghệ xử lý nước hiện đại và công suất lớn phục vụ cho nhiều hộ dân vùng nông thôn.
Từ đầu năm 2012 đến nay, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 104,7 tỷ đồng, thực hiện 17 dự án cấp nước sạch tập trung. Nguồn vốn được cấp trong năm nay là gần 21,5 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn từ chương trình mục tiêu Quốc gia là 17,7 tỷ đồng).
Đến nay, tại các công trình, tổng khối lượng thực hiện đạt 15,7 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các công trình cấp nước tập trung nông thôn, nhằm nâng cao tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nguồn nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung. Tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng được một phần bởi nhiều vấn đề về địa lý, kinh tế xã hội của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình hình khó khăn về nước sạch nông thôn cũng là vấn đề đang tồn tại ở rất nhiều địa phương trong tỉnh.
Nhân tố cản trở người dân được sử dụng nước sạch rất nhiều, như sự ô nhiễm của các nhà máy hóa chất, hệ thống cơ sở hạ tầng cung cấp nước uống kém, quản lý không quy phạm, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật quá mức, thiết bị giám sát và kiểm tra chất lượng nước lạc hậu... Ở một số nơi thậm chí có chuyện ngược đời: Trong khi Nhà nước đầu tư vốn để giải quyết khó khăn về nước uống cho nông dân thì lại không phát huy tác dụng.
Sự hiện diện của các bể nước được xây dựng theo chương trình của Nhà nước chỉ như muốn chứng tỏ... dự án nước sạch đã về với bà con, nhưng người dân đã quên chức năng của các bể nước này từ rất lâu, vì công trình xây dựng xong bỏ hoang, cỏ mọc đầy, cửa thì khóa chặt, đường ống dẫn nước đứt đoạn, gãy vỡ và khô như chưa từng có một dòng nước sạch nào chảy qua.
Bên cạnh nguồn nước vệ sinh còn hạn chế thì việc tỷ lệ số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải chưa cao. Công tác vệ sinh môi trường còn chưa được quan tâm đúng mức, phương án xử lý chất thải rắn tại các huyện là chôn lấp hoặc lưu giữ chất thải lộ thiên chưa hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường, tại các xã, rác thải do người dân tự xử lý.
Định mức cho xây dựng nhà vệ sinh tại các trường học, trụ sở uỷ ban xã, trạm y tế chưa cao. Đa số các công trình đều huy động sự đóng góp từ người dân, nhưng so với thu nhập của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì số tiền đóng góp còn cao. Sau khi đưa vào sử dụng các công trình được giao cho xã quản lý, khai thác và bảo vệ nên tính bền vững chưa cao. Tình trạng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường sống.
Được biết, trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT là từng bước khắc phục lại các công trình nước sinh hoạt ở miền núi, tiến tới hoàn thành mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường của Chính phủ.
Theo đó, tỉnh ta sẽ hoàn thành được mục tiêu đề ra năm 2012 là tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 67%, trong đó người dân được sử dụng nước sạch theo QCVN 02 là 27% và 44% hộ dân có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay ở Nghệ An, việc giải bài toán nước sinh hoạt theo mục tiêu trên là điều không hề dễ.
Trường Khuyên
.