Chỉ trong những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2012, giá cả 2 mặt hàng thiết yếu là xăng và gas đã tăng mạnh. Kéo theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh nhiều mặt hàng khác cũng rục rịch tăng giá. Cái “cớ” để tăng chính là lí do xăng tăng, tiền công vận tải tăng nên sản phẩm đầu cuối cũng phải tăng. Tuy nhiên, các lĩnh vực như giao thông, vận tải, hàng gia dụng… nếu tăng thì cũng phải lựa chọn thời điểm thích hợp chứ chưa “dám” tăng một cách vô tội vạ bởi các cơ quan chức năng giám sát rất chặt.
Thực tế, cứ sau mỗi đợt tăng giá xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu khác như lương thực, thực phẩm lại tăng theo rất nhanh. Điều đáng nói là, người quyết định tăng giá đều nằm ở những tiểu thương đầu cuối và những người buôn bán lẻ. Vì vậy, cơ quan chức năng rất khó kiểm soát và điều chỉnh cho hợp lí.
Các mặt hàng thiết yếu hàng ngày cũng tăng chóng mặt
Tại thành phố Vinh, giá các mặt hàng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày như thịt, cá, rau đều đồng loạt tăng ở các chợ. Trung bình, giá mỗi kg thịt lợn tăng đến 10%; thịt gà, dù đang trong thời điểm dịch cúm gia cầm, nhưng cũng tăng từ 10 đến 20%; các loại rau, củ, quả tăng 15 đến 25%. Nhất là sau những ngày mưa gió vừa qua, giá rau xanh tăng đột biến.
Đơn cử như rau muống trước những ngày mưa lũ chỉ giao động trong khoảng 3.000 đến 4.000 đồng/bó, nhưng sau đợt mưa, dù nguồn cung khá dồi dào nhưng giá lại phổ biến từ 5.000 đến 7.000 đồng/bó, cá biệt có ngày người nội trợ phải chi đến 9.000 đồng để có 1 bó rau muống. Đây cũng là mặt hàng rau xanh được nhiều người lựa chọn nhất trong thời điểm hiện nay.
Nguyên nhân là vì mọi người cho rằng sau mưa, rau muống tươi tốt, người trồng không sử dụng thuốc trừ sâu hay hóa chất. Hiện tượng “nhà nhà ăn rau muống, người người ăn rau muống” đã góp phần đẩy mặt hàng này càng thêm đắt khách.
Bên cạnh đó, các mặt hàng thuộc về gia vị như tỏi khô, hành khô, hồ tiêu… cũng được các cửa hàng bán tạp phẩm nâng giá. Khi người mua hỏi tại sao lại tăng nhanh đến vậy thì luôn nhận được câu trả lời điệp khúc: “Xăng tăng, gas tăng, chi cũng tăng nên cũng phải tăng thôi, chứ nhà chị có muốn tăng mô!”. Người tiêu dùng cũng đành phải tặc lưỡi mua hàng bởi đó là những mặt hàng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các chợ, hầu hết tiểu thương đã tăng giá một cách vô tội vạ và cảm tính chứ không theo một phép tính nào cả. Ví dụ như cả một lô hàng tạp phẩm khoảng 200kg thì giá vận tải chỉ tăng khoảng 10.000 đến 15.000 đồng.
Thế nhưng, người bán lại tăng từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg sản phẩm. Tính ra, sau đợt xăng tăng giá thì người bán hàng có lãi nhiều hơn trước. Như vậy, thiệt hại nhiều nhất thuộc về người tiêu dùng, còn thực chất, tiểu thương không gặp nhiều khó khăn, có chăng thì khó ở chỗ người dân đắn đo hơn trước, số lượng mua cũng giảm một vài phần nhỏ.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc các mặt hàng thiết yếu tăng theo giá xăng là điều rất bình thường. Thế nhưng, ở các nước phát triển, tỉ lệ tăng được tính toán rất khoa học, vừa đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng vừa giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, chứ không tăng theo kiểu cảm tính như ở nước ta. Nguyên nhân cũng vì tập quán của chúng ta đang chủ yếu mua hàng ở chợ chứ không phải ở siêu thị. Mà ở chợ thì việc quản lí giá ở từng gánh hàng là việc không xuể…
Từ giữa năm đến nay, điện đã tăng 5%, xăng tăng 4%, gas lên đến hơn 20%... khiến cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này khiến cho người dân lâm vào cảnh “con kiến cõng con voi”; và “chính sách” của từng gia đình là dần “thắt lưng buộc bụng”, hạn chế “ra đường”, bởi lẽ cứ ra đường là phải tiêu tiền…
Bình Nguyên
Liên hệ quảng cáo: 0383.839.044 - 0946.111.580
.