Dự án Thủy điện Hủa Na thuộc xã Đồng Văn, huyện Quế Phong được khởi công tháng 1/2008, với tổng số vốn đầu tư là 6.800 tỷ đồng do Công ty CP Thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư, gồm các cổ đông: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, LILAMA, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Bắc Á, Công ty Chứng khoán Sài Gòn.
Nhà máy có công suất thiết kế 180MW, khi đưa vào vận hành, sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình khoảng 712,7 triệu kWh/năm, đồng thời điều tiết dòng chảy an toàn cho mùa mưa bão.
Để hoàn thành công trình Thủy điện Hủa Na phải di dời 14 thôn, bản ở 2 xã Thông Thụ và Đồng Văn của huyện Quế Phong thuộc vùng lòng hồ với 1.361 hộ sẽ phải di dời và 300 hộ dân đi tự nguyện đến nơi ở mới để nhường chỗ cho công trình thuỷ điện.
Một thực tế đáng mừng là đến nay, các khu tái định cư vùng lòng hồ đã dần hiện rõ hình hài. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, các căn nhà xây mới cho người dân vùng bị ảnh hưởng đã đáp ứng về chỗ ở. Tuy nhiên, ở một số khu tái định cư, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đồng bộ và tại một số điểm tái định cư vừa mới đưa nhà vào sử dụng đã bị hư hỏng.
Người dân vào khu tái định cư thủy điện Hủa Na có nhà ở khang trang nhưng thiếu đất sản xuất
Như ở điểm tái định cư Huôi Chà La nhiều nhà ngói lợp bị cong vênh nên dột; tương tự điểm tái định cư Khun Na khu nhà ở trời mưa gây sạt lở ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân; điểm Huôi Duộc - Huôi Man các lô nhà đều có hiện tượng dột thấm, đối với nhà trệt toàn bộ phần mái xiết bị dột do tôn chắn nước không đủ rộng, phẳng nên khi lợp làm cho mái cong vênh dẫn đến dột; hay điểm tái định cư Nậm Nui - Nậm Ke sụt lún phía sau hồi nhà, gỗ làm rui, mè đều làm gỗ tạp nên đã mọt. Một số công trình phụ và chuồng trại xây sát nhà ở làm ảnh hưởng đến môi trường vệ sinh xung quanh khu nhà ở…
Thiết kế này quả là “gây khó” cho bà con dân làng, bởi bên đơn vị chủ đầu tư và thi công đã không nghiên cứu kỹ lưỡng, không dựa vào số dân và tập tục của người dân tộc tại chỗ.
Bên cạnh đó, người dân chưa được phân bổ đất sản xuất nên hiện nay sau tái định cư, đời sống của nhiều hộ dân hết sức khó khăn, ruộng đất ngày càng thu hẹp. Sự tham gia của chính quyền địa phương trong chuyển đổi nghề chưa đạt hiệu quả, người dân vẫn chủ yếu chuyển đổi nghề tự phát.
Sự thích nghi của người dân tại khu tái định cư chưa cao, đặc biệt khó khăn với những hộ từ khu vực vùng sâu nên có hiện tượng nhiều hộ dân sống trong những ngôi nhà mới khang trang nhưng loay hoay không biết làm gì để kiếm kế sinh nhai khiến họ không thiết tha với nơi ở mới.
Bên cạnh đó, hiện tại dù đã vào năm học mới, nhưng con em của những hộ dân trên vẫn chưa có chỗ học, bởi các điểm trường nơi đây chưa được hoàn thành, có điểm hoàn thành thì lại không có bàn ghế.
Một bất cập tại các điểm tái định cư là hầu hết các hộ dân phải sử dụng nước khe suối để sinh hoạt, qua quan sát mặc dù công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng từng bể chứa về tận khu dân cư thế nhưng do thiết kế chênh lệch với mực nước nên nguồn nước không thể dẫn về, có chỗ dẫn về thì dân lại không sử dụng được vì nguồn nước đục ngầu.
Theo như phản ánh của các hộ dân tại các điểm tái định cư, ngoài những bất cập nói trên thì hiện nay họ vẫn chưa được số gạo cứu trợ cấp trong 3 tháng 1 lần theo quy định của Nhà nước. Một nghịch lý nữa là huyện nói sẽ ủng hộ nhà 5 triệu đồng khi dân vận chuyển nhà từ lòng hồ ra chỗ tái định cư nhưng vẫn chưa thấy.
Trước những bất cập đó chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với Ban quản lý dự án tái định cư công trình Thủy điện Hủa Na, người có trách nhiệm của Ban quản lý dự án cho biết những bất cập nêu trên là có, hiện nay, huyện đang yêu cầu bên thi công cũng như các đơn vị liên quan tìm cách tháo gỡ khó khăn, khắc phục trong thời gian tới nhằm ổn định cuộc sống cho bà con ở vùng tái định cư.
Tuy nhiên, điều mà huyện hiện nay đang lo ngại nhất là có 300 hộ dân trong lòng hồ thủy điện Hủa Na tự nguyện đi tái định cư về xã Thông Thụ xây dựng nhà cửa lại lấn chiếm hành lang an toàn giao thông và xây dựng gần vùng đất biên giới. Để xử lý tình trạng này huyện đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải xử lý các hộ dân và sẽ di dời đi chỗ khác.
Trường Khuyên - Xuân Thống
Liên hệ quảng cáo: 0383.839.044 - 0946.111.580
.