Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201209/22763-co-the-so-tan-dan-khu-vuc-thuy-dien-song-tranh-395376/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201209/22763-co-the-so-tan-dan-khu-vuc-thuy-dien-song-tranh-395376/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Có thể sơ tán dân khu vực thủy điện sông Tranh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 06/09/2012, 11:12 [GMT+7]
22763

Có thể sơ tán dân khu vực thủy điện sông Tranh

Theo nhiều chuyên gia, động đất xảy ra liên tiếp với cường độ ngày càng mạnh trong khu vực thủy điện sông Tranh 2 chứng tỏ hoạt động của đới đứt gãy đang diễn biến khó lường, có thể gây nguy cơ mất an toàn cho quá trình vận hành đập. Trong tình huống xấu, cần phải tính đến phương án di dân.

Người dân hoang mang, lo lắng

Cách một ngày, sau khi xảy ra liên tiếp 5 vụ động đất, rung chấn tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, chúng tôi về các huyện Nam và Bắc Trà My, Quảng Nam. Không khí lo lắng, hoang mang dường như vẫn còn bao trùm trong các làng, xóm, nhất là đồng bào sinh sống dưới chân đập chính về phía hạ du.

Ông Mạc Xuân Nguyên, ở thôn 6, xã Trà Dơn, Nam Trà My, nhà ở cách thủy điện Sông Tranh 2 hơn 25km bàng hoàng kể lại rằng, đêm 3/9, vào khoảng 20h40, mọi người trong gia đình ông đang ngủ thì bỗng nghe tiếng nổ đùng đùng, ầm ầm như bom B52 Mỹ thả trong những năm chiến tranh, khiến cả căn nhà rung lắc dữ dội. Sợ quá, cả gia đình ông gọi nhau vứt bỏ mùng, mền, chạy thoát ra ngoài đường cho an toàn... Nhiều người dân ở huyện Bắc Trà My cho hay, từ khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước phát điện đến nay, động đất liên tiếp xuất hiện làm hàng loạt nhà ở khu vực này bị nứt tường...  

Thiết kế của thủy điện Sông Tranh 2 chỉ chịu được động đất 5,5 độ richter.

Trước tình hình này, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My bày tỏ: “Người dân địa phương đang hoảng sợ vì liên tục xuất hiện 5 trận động đất. Huyện đã có báo cáo nhanh gửi cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam cùng các cơ quan chức năng tỉnh để có biện pháp can thiệp kịp thời khi sự cố nguy hiểm xảy ra. Hiện, đoàn công tác của Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam đã đến khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 để khảo sát hiện tượng động đất”.

Chiều 5/9, ông Phạm Viết Tích, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam cho biết: “Đây là trận động đất mạnh nhất từ trước tới nay. Trong đó, có hai rung chấn mạnh nhất vào lúc 20h47 kéo dài 8 giây và lúc 22h20”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, kiêm Phó trưởng Ban PCLB tỉnh cũng có công văn khẩn gửi cho Viện Vật lý địa cầu kiến nghị sớm kiểm tra, xác định cường độ động đất vừa xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 để thông tin kịp thời cho UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCLB biết, kịp thời chỉ đạo các biện pháp ứng phó, khắc phục. Công văn cũng đồng thời đề nghị Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam về tình hình an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2 do ảnh hưởng của trận động đất tối 3-9.

Người dân cần được cung cấp thông tin khách quan

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương – Viện phó Viện Vật lí địa cầu cho rằng: “Về nguyên tắc, khi đi vào vận hành, tất cả các đập thủy điện đều phát sinh động đất trung bình do quá trình tích nước hồ chứa, gây ra những xáo trộn trong lòng đất, dẫn đến động đất kích thích. Động đất dạng này thường suy giảm dần theo thời gian do hoạt động của đập dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, chỉ từ cuối 2011 tới nay, khu vực gần nhà máy thủy điện Sông Tranh liên tục xuất hiện động đất với cường độ ngày càng mạnh cho thấy hoạt động của các đới đứt gãy không hề suy giảm. Nếu độ lớn của động đất tiếp tục trong xu thế tăng dần lên thì sẽ tới lúc vượt quá khả năng chịu đựng của thiết kế đập. Khi ấy, khả năng an toàn của đập khó đảm bảo”.

Theo Viện Vật lí địa cầu, hiện nay khu vực xung quanh thủy điện Sông Tranh vẫn chưa có trạm quan trắc nào có thể ghi nhận dư chấn động đất. Trận động đất xảy ra tối 3/9 được ghi nhận bởi trạm quan trắc tại Ninh Bình. “Trạm quan trắc Ninh Bình đã ghi nhận được dữ liệu về trận động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Tuy nhiên, do khoảng cách quá xa nên độ chính xác bị ảnh hưởng, rất có thể cường độ của trận động đất này còn lớn hơn. Điều cần nhất lúc này là phải lắp đặt hệ thống quan trắc trong khu vực nhà máy để kịp thời cập nhật số liệu, dự báo về động đất” – PGS.TS Phương nhấn mạnh.

Các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu đã khuyến nghị, các công trình thủy điện nên thiết kế kháng chấn tới cấp 8.  Tuy nhiên, theo tính toán của đơn vị tư vấn cho thấy, thủy điện Sông Tranh chỉ có thể chịu được động đất cực đại là 5,5 độ richter. Qua khảo sát, địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều đới đứt gãy đang hoạt động, trong đó đáng chú ý nhất là đới đứt gãy Trà Bồng và Hưng Nhượng – Tà Vi.

Ngay sau khi xảy ra động đất, đại diện Ban quản lí dự án thủy điện Sông Tranh 2 khẳng định, trận động đất không ảnh hưởng tới vận hành của đập. Việc xử lí thấm nước qua thân đập cũng đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, GS. TS Phạm Hoàng Giang – Chủ tịch Hội đập lớn Việt Nam bày tỏ lo ngại: “Vấn đề an toàn đập phải được quan tâm một cách thận trọng, bởi dưới hạ lưu là tính mạng của hàng ngàn hộ dân, trong khi đó, đập lại đang có vấn đề về chất lượng thi công khi xảy ra hiện tượng thấm nước qua thân đập. Ban quản lí dự án khẳng định  động đất không ảnh hưởng tới đập, có thể đó chỉ là cách nói để trấn an người dân, trong khi người dân cần được cung cấp thông tin khách quan”.

Theo cảnh báo từ Hội Thủy lợi Việt Nam, Quảng Nam đã bắt đầu mùa mưa, mực nước trong hồ Sông Tranh sẽ tăng cao, có thể sẽ lại kèm theo những trận động đất lớn quanh thân đập nên cần đề phòng. Nếu lũ về quá nhanh và mạnh (trong ngày lên 3-4 mét) thì nguy cơ vỡ đập là rất cao, ngay lập tức phía hạ lưu phải sơ tán dân. Ông Phương  cũng cho rằng, việc di dân ở vùng hạ lưu nhằm tránh rủi ro là cần thiết. Song quá trình này cần làm thận trọng chứ không nhất thiết phải tiến hành khẩn cấp, bởi trong thời gian dài nữa, thủy điện Sông Tranh vẫn đảm bảo an toàn khi có động đất xảy ra. 

Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 có công suất lắp đặt 190 MW (gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy 95MW), sản lượng điện phát trung bình hàng năm là 679,6 triệu kWh, là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Tranh. Công trình chính thuộc địa phận xã Trà Đốc, Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Nhà máy đã được đưa vào vận hành năm 2011.

Vào hồi 20h46 ngày 3/9/2012, một trận động đất có cường độ 4,2 độ richter đã xảy ra tại vị trí có tọa độ 15,217 độ vĩ Bắc, 108,250 độ kinh Đông, thuộc địa phận huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), độ sâu chấn tiêu khoảng 7,3km. Đây là trận động đất có cường độ mạnh nhất từ trước tới nay xảy ra tại khu vực, gây nên rung động trên cấp 6 ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh.

 


CAND
.