Là người lính từ mặt trận trở về với “hai bàn tay trắng”, khi có chủ trương “giao đất, giao rừng” của Nhà nước cho nông dân, năm 1994, anh Hồ Khắc Hiệp trú tại xóm 1, xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) đã mạnh dạn nhận 250 ha đất rừng.
“Gần 20 năm tâm huyết, gắn bó và lăn lộn với rừng, đến nay, anh Hồ Khắc Hiệp đã thực sự trở thành “đại gia” làm giàu từ đất rừng”, đó là khẳng định của ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng.
Học xong cấp 3 (nay là THPT), tháng 8/1978, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Hồ Khắc Hiệp đã gác lại mọi ước mơ để gia nhập quân đội, lên đường cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Chiến sự biên giới phía Bắc chấm dứt, tháng 10/1982, thiếu uý Hồ Khắc Hiệp được giải ngũ trở về địa phương, xã Quỳnh Thắng, nơi mà hồi bấy giờ mọi người đều gọi là chốn “khỉ ho cò gáy”, “rừng thiêng nước độc” được xếp vào hệ miền núi của huyện Quỳnh Lưu.
Đàn lợn rừng phát triển tốt trong trang trại của anh Hiệp
Về địa phương chỉ trong thời gian ngắn, anh được nhân dân tín nhiệm bầu làm xóm trưởng, làm cán bộ tổ chức Đảng uỷ và làm xã đội trưởng. Năm 1994, thực hiện chủ trương giao đất giao rừng cho nông dân, Hồ Khắc Hiệp đã mạnh dạn nhận 250 ha đất rừng, gồm 150 ha rừng tái sinh, diện tích còn lại là đồi trọc.
Cơ hội đổi đời đã đến với cựu chiến binh Hồ Khắc Hiệp, anh quyết chí làm giàu bằng mồ hôi công sức của mình chính ngay trên diện tích đất rừng được giao. Anh đã quy hoạch phân định các khu đất được giao phù hợp theo địa hình và chất đất phù hợp cho việc trồng rừng và làm trang trại. Loại đất tốt hiện hữu là 150 ha rừng tái sinh được anh khoanh nuôi và bảo vệ.
40 ha đất đồi trọc được anh trồng các loại cây lấy gỗ và cây ăn quả phủ kín, vừa chống xói mòn, vừa cải tạo môi trường và môi sinh. Diện tích đất còn lại là một quả đồi thấp, gần nguồn nước rất phù hợp cho việc chăn nuôi gia súc, Hiệp đã vay ngân hàng, bạn bè, người thân tiền, năm 2000 xây dựng hệ thống chuồng trại hình thành một trang trại chăn nuôi gia súc.
Để “lấy ngắn nuôi dài” cần phải chuyển đổi vật nuôi, con giống, cuối năm 2008, anh Hồ Khắc Hiệp đã “vi hành” vào các tỉnh phía Nam, lên tận vùng Tây Nguyên để tham quan và học hỏi các trang trại nuôi lợn rừng. Lợn rừng (đã thuần chủng) là vật nuôi phù hợp cho trang trại trong điều kiện phải “lấy ngắn nuôi dài”, chỉ cần một năm là có sản phẩm để bán.
Sau chuyến tham quan đó, Hồ Khắc Hiệp đã quyết định bán đi hơn một nửa số trâu bò, vào tận trang trại ở tỉnh Bình Dương mua 20 con lợn rừng Thái Lan thuần chủng về nuôi.
Ngoài lợn giống con, anh còn mua thêm lợn bố mẹ để phối giống và sinh sản, tính đến thời điểm này trang trại của anh đã có 120 con lợn rừng. Anh cho biết chỉ hơn một tháng nữa đàn lợn của anh đã lên tới 200 con.
Đặc thù của loài lợn rừng từ khi sinh ra cho đến khi xuất bán thời gian chỉ một năm, trọng lượng 25 kg/con. Giá mỗi kg hơi lợn rừng hiện nay được anh bán với giá 160.000 đồng, tính ra mỗi con lợn sẽ cho thu nhập gần 4 triệu đồng, vốn thu hồi nhanh, lợi nhuận cao, thời gian trả lãi ngân hàng được rút ngắn.
Thức ăn cho lợn rừng nuôi rất đơn giản, bao gồm khoai, sắn, ngô hạt và cả loại cỏ voi cho nên chi phí nuôi lợn rừng rất thấp. Lợn rừng là loài vật kháng bệnh cao, thích ứng với mọi loại thời tiết, anh Hiệp cho biết chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh.
Cuối năm 2010, anh Hiệp đã xuất bán từ lợn thu lợi 80 triệu đồng, cuối năm 2011, xuất bán được hơn 150 triệu đồng. Lợi nhuận thu được từ chăn nuôi trâu bò, đặc biệt là lợn rừng đã giúp gia đình anh Hiệp trả hết số nợ ban đầu.
Từ 2 bàn tay trắng, do nghị lực dám nghĩ dám làm, đức tính cần cù chịu khó đã đưa gia đình anh Hiệp từ nghèo khó đến cuộc sống sung túc, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động. Hiện nay, gia đình anh đã xây được nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi, các con anh chị đều được học hành đến nơi đến chốn.
Ghi nhận từ nghị lực làm giàu chính đáng bằng trí tuệ và mồ hôi công sức của anh Hồ Khắc Hiệp, năm 2002, anh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen “đã có thành tích xuất sắc trong công tác trồng và bảo vệ rừng”.
Năm 2007, được tặng Bằng khen “đã có thành tích xuất sắc trong công tác chăn nuôi thú y giai đoạn 2002 - 2006, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An”. Ngoài ra, anh còn được nhiều cấp, ngành khác tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen về chăn nuôi giỏi, làm kinh tế giỏi.
Anh Hồ Khắc Hiệp mong muốn Nhà nước có chính sách đầu tư, hỗ trợ lớn về vốn để các hộ chăn nuôi lớn phát triển. Anh mong muốn sẽ “phổ cập” mô hình chăn nuôi lợn rừng thuần chủng đến tận từng hộ nông dân. Có như vậy người nông dân vừa có thu nhập cao, vừa tạo nên mối liên kết mang tính vĩ mô, xây dựng nên thương hiệu “lợn rừng Quỳnh Thắng” trong cơ chế thương mại hội nhập.
Quang Ngọc
.