Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201208/22608-luu-y-khi-xu-ly-vet-thuong-ngoai-da-395491/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201208/22608-luu-y-khi-xu-ly-vet-thuong-ngoai-da-395491/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lưu ý khi xử lý vết thương ngoài da - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 29/08/2012, 07:39 [GMT+7]
22608

Lưu ý khi xử lý vết thương ngoài da

Trong lao động, sinh hoạt, bị thương ngoài da không phải hiếm gặp. Từ các vết thương có thể rất nhỏ như xước da, kim đâm, đứt tay, cho đến những vết thương lớn hơn như đứt da sâu, rách da màng lớn… đều cần có cách sơ cứu với mục đích cầm máu, bảo tồn chức năng và thẩm mỹ, tránh nhiễm khuẩn. Nếu không làm tốt điều này, có thể một vết thương rất nhỏ cũng có thể dẫn đến hoại tử, nhiễm trùng uốn ván, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Vết thương nhỏ

Với vết thương nhỏ, sau khi đã sơ cứu chuẩn (làm sạch ngay vết thương, dùng thuốc sát khuẩn như chlorhexidin, povidon iod, cồn 70 độ hoặc cồn iod bôi, rửa vết thương rồi dùng băng tiệt khuẩn có băng dính hoặc bằng gạc băng lại để cầm máu), cùng với việc giữ vệ sinh vùng da bị thương, khả năng nhiễm khuẩn hầu như không có. Nhưng với vết thương lớn, sâu, trong vòng 5 ngày sau khi bị thương sẽ là thời kỳ viêm. Viêm ở đây không có nghĩa là nhiễm khuẩn mà có thể là do cơ thể huy động các yếu tố như fibrinogen, bạch cầu, bạch huyết, histamin... đến chỗ vết thương để chống lại các chất lạ và vi khuẩn. Từ ngày thứ 6 trở đi, chất keo hay nguyên bào được tổng hợp để gắn vết thương và sau một thời gian có thể nhiều tháng tạo hình và hoàn thiện sẹo.

Vết thương lớn

Việc sơ cứu và dùng thuốc đối với vết thương lớn rất quan trọng. Trước hết, cần chú ý tới việc cầm máu sớm và giảm đau ngay cho bệnh nhân bằng cách băng ép cầm máu, chống va chạm, ô nhiễm và chuyển ngay bệnh nhân tới trung tâm y tế gần nhất để cấp cứu.

Tại các trung tâm y tế, để xử lý vết thương lớn, bệnh nhân sẽ được gây tê vết thương với mục đích giúp bệnh nhân không bị đau trong quá trình xử lý vết thương. Thuốc dùng để gây tê thường là lidocain, tetracain phối hợp với epinephrin và cocain trong nước muối vô khuẩn được tẩm vào gạc, đắp lên vết thương. Trường hợp vết thương nặng hơn, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc tê như bupivacain, procain (novocain), lidocain, mepivacain (carbocain) vào vùng quanh tổn thương. Trường hợp đặc biệt có thể phải gây mê.

 Cần xử trí vết thương ngoài da tốt để tránh những hậu quả xấu.

Sau khi gây tê, thầy thuốc sẽ làm sạch vết thương rách da với dung dịch sát khuẩn như chlorhexidin gluconate, povidon iod, nước muối đẳng trương. Dùng gạc vô khuẩn rửa sạch, lấy đi dị vật, cắt bỏ mô chết, thăm dò vết thương về độ rộng, nông, sâu và sửa lại vết thương.

Bước tiếp theo sẽ là khâu vết thương rách da. Mục đích của việc khâu là cầm máu, phòng nhiễm khuẩn, bảo tồn chức năng và bảo đảm thẩm mỹ. Sau khi khâu sẽ băng vết thương. Trước khi vết thương được băng, bệnh nhân sẽ được bôi lên vùng bị thương các thuốc chống dính vô khuẩn như adaptic, telfa, xeroderm.

Sau khi sơ cứu, bệnh nhân sẽ phải tiêm thuốc chống uốn ván và dùng thuốc kháng sinh. Kháng sinh hay được dùng là penicillin, amoxicillin, doxycyclin, các cephalosporin. Cùng với thuốc kháng sinh, bệnh nhân sẽ được kê các thuốc giảm đau, chống viêm và các thuốc làm dịu như phencyclidin, các dẫn xuất của benzodiazepin, các thuốc giảm đau loại không steroid hoặc các thuốc giảm đau mạnh hơn thuộc nhóm opiat tổng hợp như fentanyl, dolargan...

Khi vết thương lành sẽ để lại sẹo. Nếu có hiện tượng sẹo lồi có thể dùng sớm contractubex, một loại kem làm lành vết thương nhanh và phòng ngừa phát triển sẹo xấu, lồi. Sẹo xấu và ảnh hưởng chức năng cần được giải phẫu thẩm mỹ.

Một số sai lầm

Ôxy già chỉ diệt khuẩn khi vết thương mới xuất hiện, hay chỉ rửa sạch khi vết thương bẩn nhờ khả năng ôxy hóa mạnh và tạo bọt đẩy những chất như cát, bụi, mủ, mô hoại tử từ trong các hốc sâu của vết thương ra ngoài. Phản ứng của ôxy già tạo ra ôxy nguyên tử có tính tẩy rửa và diệt khuẩn mạnh, đồng thời sinh nhiệt. Nhờ đặc tính này mà một vết máu dính trên áo quần hay vật dụng sinh hoạt dễ dàng bị tẩy trôi.

Còn cortibion có chứa corticoide chỉ có tác dụng chống dị ứng như ngứa do chàm chứ không có tác dụng trong điều trị vết thương vì gây ức chế quá trình tạo collagen, chất cần thiết cho sự lành sẹo.

Ngoài ra, quá trình lành vết thương còn cần nhiều chất khác nhau như: đạm, béo, các vitamin A, C… một số loại thực phẩm như rau ngót, diếp cá, các loại rau họ cải được Đông y khuyên dùng. Đặc biệt, nghệ rất cần cho sự tái tạo tế bào. Các nguyên tố vi lượng khác như selen, acid folic, kẽm… là những yếu tố vô cùng quan trọng cho quá trình lành vết thương. Chúng có nhiều trong các loài nhuyễn thể như hàu… Một vết thương mạn tính, lâu lành có thể có một số nguyên nhân khác như đái tháo đường, viêm da thần kinh, bệnh tuyến giáp.

BS. Vân Thủy
.