Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201208/22590-giai-phap-giai-quyet-o-nhiem-do-cac-co-so-y-te-395501/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201208/22590-giai-phap-giai-quyet-o-nhiem-do-cac-co-so-y-te-395501/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giải pháp giải quyết ô nhiễm do các cơ sở y tế? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 28/08/2012, 14:00 [GMT+7]
22590

Giải pháp giải quyết ô nhiễm do các cơ sở y tế?

Sự phát triển hệ thống bệnh viện cùng với các kỹ thuật mới thời gian qua trên địa bàn Nghệ An đã góp phần rất lớn trong chăm sóc sức khỏe người dân; từng bước khẳng định vai trò, vị trí Trung tâm y tế vùng Bắc Trung bộ.
 
Tuy nhiên, mặt trái của nó là môi trường ô nhiễm, nếu không có biện pháp tích cực ngay từ bây giờ thì vô hình trung lại đi ngược chính chức năng, nhiệm vụ là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
 
Tính đến nay, trên địa bàn Nghệ An có 37 bệnh viện, trong đó có 11 bệnh viện tuyến tỉnh; 17 bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 9 bệnh viện tư nhân; hơn 20 trung tâm y tế tuyến tỉnh và huyện; 30 phòng khám tư nhân; gần 500 trạm y tế.
 
Tổng số giường bệnh là 7.000 giường bệnh. Nếu tính trung bình mỗi ngày mỗi giường bệnh thải từ 0,8 đến 1 kg rác (theo tính toán dựa trên hệ số rác thải ở nhiều bệnh viện Việt Nam) thì mỗi năm từ các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thải ra là hàng nghìn tấn rác thải.
 
Đáng chú ý là trong tổng số rác thải từ các cơ sở y tế có khoảng 10 - 15% chất thải nguy hại, bao gồm các bệnh phẩm, tế bào, các mô bị cắt bỏ trong tiểu và phẫu thuật; các găng tay, bông gạc có dính máu mủ; kim tiêm, ống thuốc, dao mổ, lọ xét nghiệm, túi ô xy…, có mang theo nguồn, mầm bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm.
 
Bên cạnh đó, nước thải y tế cũng mang theo các loại vi trùng từ máu, dịch, đờm, phân của người bệnh; rồi các dung dịch chứa các chất phóng xạ phát sinh trong quá trình chẩn đoán, điều trị như nước tiểu của người bệnh, các bài tiết, nước rửa các dụng cụ, nước lau rửa từ các phòng điều trị, các la - bô xét nghiệm, phòng mổ, khoa lây, nước rửa chứa phóng xạ như nước rửa, tráng phim X - quang… Ngoài rác thải rắn, nước thải, thì từ các cơ sở y tế còn thải ra môi trường khí thải độc hại thông qua việc xử lý và đốt rác. 
 
Việc ô nhiễm ở các cơ sở y tế ảnh hưởng không nhỏ đến việc khám - điều trị cho người bệnh
 
Với lượng rác thải ra từ các cơ sở y tế rất lớn và phức tạp như thế, song hiện tại, hệ thống xử lý rác thải đang còn nhiều bất cập, hạn chế. Đối với chất thải sinh hoạt thông thường, các bệnh viện tuyến huyện thu gom, xử lý đốt thủ công hoặc chôn lấp (trừ khu vực TP Vinh thu gom, phân loại và hợp đồng với Công ty TNHH 1 thành viên môi trường đô thị Nghệ An xử lý).
 
Đặc biệt về chất thải rắn y tế nguy hại ở các cơ sở y tế khu vực TP Vinh chuyển tập trung xử lý tại lò đốt Hoval của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh - công trình xử lý rác thải y tế quy mô và hiện đại nhất của Nghệ An -  nhưng do xây dựng quá lâu, hư hỏng, xuống cấp trầm trọng nên hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu.
 
Ông Đặng Văn Duyên - Trưởng khoa chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An, cho biết: “Lò đốt của bệnh viện do xuống cấp nên hiện tại chỉ xử lý rác thải trong nội bộ của bệnh viện. Trung bình mỗi ngày đêm, lò đốt này tiêu hủy được 400 - 500kg rác thải, nhưng có khi lò đốt phải chịu tải gần bằng 2 lần công suất; đáng nói hơn là không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, nhất là đốt các túi bằng ni lông, vừa không đốt cháy hết, vừa thải ra một lượng khí rất độc hại ra môi trường”.
 
Ông Đậu Minh Quang - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An cũng chia sẻ: “Từ khi lò đốt của Bệnh viện đa khoa tỉnh ngừng tiếp nhận rác ở một số bệnh viện trên địa bàn thành phố thì lò đốt của bệnh viện chúng tôi tiếp nhận để đốt. Vấn đề đặt ra là do vượt quá công suất lên nhiều lần nên thỉnh thoảng lò đốt lại phải ngừng hoạt động để sửa chữa.Thời gian đó, các bệnh viện đều phải lưu các loại rác thải độc hại trong kho chứa và tồn đọng. Đây là vấn đề cần được giải quyết sớm, hạn chế tác động đến môi trường xung quanh”.
Cùng với bất cập trong xử lý chất thải rắn, khí thải, vấn đề trầm trọng hơn là hệ thống xử lý nước thải. Hiện tại, các bệnh viện tuyến huyện chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng theo đúng quy định (trừ Bệnh viện đa khoa Diễn Châu nhưng cũng đã xuống cấp).
 
Còn các cơ sở y tế đóng trên địa bàn TP Vinh cũng không khả quan hơn vì mới chỉ có các Bệnh viện đa khoa tỉnh; Bệnh viện Nhi Nghệ An; Bệnh viện đa khoa TP Vinh là có hệ thống xử lý nước thải hoạt động tốt, các bệnh viện tư nhân hầu hết đều đã có hệ thống xử lý chất thải lỏng nhưng việc vận hành xử lý cũng chưa thật sự hiệu quả. 
Ông Võ Duy Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: Hiện trạng môi trường trong các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang còn gây ô nhiễm. Đáng quan ngại nhất là việc xử lý nước thải còn nhiều bất cập do hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ. Kết quả khảo sát chất lượng nước thải tại 20 bệnh viện trên địa bàn tỉnh vừa qua của ngành cho thấy, chỉ tiêu nước thải 16/20 bệnh viện vượt quy chuẩn cho phép.
 
Rất mừng là hiện tại đang có một số dự án đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh: Một dự án đầu tư cho Bệnh viện đa khoa 4 huyện Thanh Chương, Yên Thành, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò; một dự án vốn ODA cam kết đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng tại 6 bệnh viện, gồm Bệnh viện đa khoa tỉnh 700 giường, Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc và 4 Bệnh viện đa khoa các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương, Tân Kỳ; một dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho 10 bệnh viện, bao gồm các Bệnh viện Nhi, Nội tiết, Tâm thần, Y học cổ truyền, Đa khoa Hưng Nguyên, Đa khoa Kỳ Sơn, Đa khoa Nam Đàn, Đa khoa Quỳ Hợp, Đa khoa Quỳ Châu, Đa khoa Tương Dương.
 
Các dự án này đang khởi động triển khai và sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng cùng với dự án đầu tư lò đốt chất thải y tế ở tuyến huyện từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ vừa qua, chắc chắn sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
 
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với Sở Y tế xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường riêng cho chất thải của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để nhìn nhận, đánh giá tổng quát về hiện trạng môi trường tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm xá, từ đó đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời và tổng thể, toàn diện.

Mai Hương
.