Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201208/22532-loi-khan-cau-tu-day-non-hong-395539/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201208/22532-loi-khan-cau-tu-day-non-hong-395539/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lời khẩn cầu từ dãy non Hồng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 26/08/2012, 08:35 [GMT+7]
22532

Lời khẩn cầu từ dãy non Hồng

Một vùng non xanh kỳ vĩ
 
Bắt nguồn từ bờ Nam sông Lam, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam cho đến sông Nghèn (huyện Can Lộc), núi Hồng Lĩnh dài khoảng 30km, rộng chừng 15km, gồm hai dãy. Dãy phía Đông tiếp giáp với biển, dãy phía Tây chạy dọc theo Quốc lộ 1A. Giữa hai dãy núi là một thung lũng rộng lớn có nhiều làng mạc dân cư sinh sống.
 
Toàn bộ dãy Hồng Lĩnh có 99 đỉnh, đỉnh cao nhất tới 768m so với mực nước biển, được chia thành 3 nhóm, gồm nhóm Thiên Tượng và nhóm Đụn ngăn cách nhau bởi truông Cộng Khánh, nhóm Hương Tích ngăn cách nhóm Đụn bởi truông Eo Bầu. Quả thật, có đến đây mới cảm nhận được vẻ đẹp kỳ vĩ của một vùng non xanh nước biếc.
 
Từ trên cao nhìn xuống, dãy Hồng Lĩnh như một bức tường thành bao bọc lấy một vùng dân cư rộng lớn với những ngọn núi chon von quanh năm mây bay là đà, nhấp nhô trùng điệp vờn đuổi nhau chạy dài tít tắp. Phía Bắc là dòng sông Lam thơ mộng, phía Đông quanh năm sóng biển rì rào, còn phía Tây là những làng mạc đông đúc trù phú.
 
Các mỏ đá đang hoạt động hết công suất tại dãy Hồng Lĩnh
 
Bên trong các ngọn núi, dưới rừng thông bốn mùa gió hát là những con suối chảy róc rách. Cũng chính nhờ các con suối và mạch nước ngầm đã tạo nên các hồ nước tự nhiên nằm lưng chừng núi, hiếm nơi nào có được, như hồ Kim Cương rộng đến 30 mẫu, vực Thuồng Luồng sâu đến nỗi dân gian truyền là không có đáy, hồ Thiên Tượng, Bàu Tiên rộng hàng trăm mẫu, quanh năm nước trong vắt…
 
Lời khẩn cầu của núi!
 
Hồng Lĩnh hiên ngang khí phách, thơ mộng và huyền thoại là thế. Vậy nhưng hiện nay, việc khai thác đá một cách ồ ạt đang khiến cảnh quan hết sức kỳ vĩ này có nguy cơ trở thành hoang phế. Theo thống kê, tại khu vực Cộng Khánh, thuộc thị xã Hồng Lĩnh hiện có tới 12 công ty, xí nghiệp chuyên khai thác đá với quy mô lớn.
 
Nếu tính toàn bộ khu vực núi Hồng Lĩnh có không dưới ba bốn chục mỏ khai thác đá đang hoạt động. Qua tìm hiểu được biết, trước đây do nhu cầu về vật liệu xây dựng, một số người dân địa phương cũng đã tiến hành khai thác đá dọc theo tuyến Quốc lộ 1A, thuộc dãy núi phía Tây. Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức khai thác theo kiểu thủ công, quy mô nhỏ và thường không sử dụng vật liệu nổ.
 
Bởi vậy, mức độ ảnh hưởng về cảnh quan môi trường không đáng là bao. Hơn nữa, các khu vực mỏ đá mà bà con khai thác chủ yếu là những vách núi "đầu thừa, đuôi thẹo", không liên quan gì đến 99 đỉnh trong quần thể non Hồng.
 
Dường như cho rằng, việc khai thác theo kiểu thủ công như vậy không "ngang tầm" với tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên mấy năm lại nay các cấp chính quyền sở tại đã thành lập hẳn một khu công nghiệp khai thác đá tập trung tại khu vực Cộng Khánh. Có được "bảo bối" là các quyết định cấp phép mỏ trong tay, các doanh nghiệp ào ạt đua nhau nhảy vào lĩnh vực làm ăn hết sức béo bở này.
 
Hàng ngày, dọc theo hai bên dãy núi phía Đông và Tây, những tiếng mìn nổ ầm ầm, những cỗ máy nghiền đá luôn chạy hết công suất, những chiếc xe tải hạng nặng hối hả ra vào trên các con đường tạo nên một màn khói bụi bay mù mịt bao bọc lấy cả thung lũng rộng lớn.
 
Đặc biệt, mới đây lại xuất hiện thêm một mỏ đá hoạt động ngay trên đường vào chùa Hương Tích, với công suất 49.000m3/năm. Việc cấp phép một cách vô tội vạ này không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt cảnh quan môi trường khu du lịch tâm linh chùa Hương mà còn gây nguy cơ tiềm ẩn cho du khách hành hương đến cửa Phật.
 
Khai thác các nguồn lực, thế mạnh để phát triển kinh tế là một chủ trương đúng đắn của các địa phương hiện nay, tuy nhiên không vì thế mà sẵn sàng đánh đổi tất cả. Chúng tôi hy vọng, với trách nhiệm của mình, các cấp có thẩm quyền ở Hà Tĩnh cần xem xét lại trong việc cấp phép và quản lý khai thác đá ở Hồng Lĩnh để đảm bảo không ảnh hưởng đến quần thể cảnh quan hết sức đặc biệt này.

Trung Thông
.