Tỉnh Nghệ An có tiềm năng biển dồi dào, phong phú về cả phát triển du lịch, dịch vụ lẫn khai thác hải sản. Nguồn lợi kinh tế biển đã giúp cho cuộc sống của ngư dân ngày càng sung túc hơn. Riêng ngành du lịch dịch vụ từ biển đã đóng góp rất lớn trong tổng thu ngân sách của một số địa phương có ưu thế về mặt này. Song, thực tế đối với biển Nghệ An, dường như con người chỉ chú trọng vào khai thác mà ít có động thái tích cực để bảo vệ môi trường cho chính nó.
Tiềm năng biển Nghệ An
Trong tổng thể chung của biển Việt Nam, biển Nghệ An được đánh giá là một vùng biển dồi dào về trữ lượng các loài hải sản và nổi tiếng với vùng biển du lịch đẹp, thơ mộng Cửa Lò. Bờ biển Nghệ An có chiều dài 82km, có 6 cửa lạch thuận lợi cho việc vận tải biển, phát triển cảng biển và nghề làm muối.
Biển Nghệ An nằm trong khu vực vịnh Bắc Bộ, hải phận rộng 4.230 hải lý vuông, có trữ lượng hải sản rất lớn trên 550 nghìn tấn, khả năng khai thác khoảng 300.000 tấn/năm, nên rất thuận lợi cho ngành nghề đánh cá phát triển. Tiềm năng biển dồi dào, phong phú về thuỷ hải sản. Theo các tài liệu nghiên cứu, thì chỉ tính riêng loài cá, đã có tới 267 loài thuộc 91 họ.
Trong đó, khoảng 62 loài có giá trị kinh tế cao. Số loài, theo phân bố tự nhiên được chia thành 2 nhóm sau: Nhóm gần bờ là 121 loài, xa bờ là 146 loài. Chính tiềm năng dồi dào đó, là sức hút lớn cho biết bao thế hệ người dân vùng biển gắn bó, có tính cách cha truyền con nối, người nối người, nhà nối nhà đi biển đánh cá.
Biển là sức mạnh, là khát vọng làm giàu của ngư dân nói chung và ngư dân Nghệ An nói riêng. Đời sống nhân dân, xóm làng ven biển các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò vươn lên không ngừng. Hiện nay, cả tỉnh có khoảng 25 nghìn người lao động trực tiếp trên biển, với thu nhập bình quân 60-70 triệu đồng/ người/ năm. Đó là một thực tế sinh động.
Khai thác tài nguyên biển phải đi đôi với bảo vệ môi trường biển
Các cảng cá, cửa lạch khắp nơi, luôn trỗi dậy sức sống, sôi động của những chuyến tàu đi, đặc biệt các chuyến hành trình trở về cá mực đầy khoang. Dù vụ Bắc hay vụ Nam, thì các bến cá luôn sầm uất kẻ bán, người mua.
Khai thác tài nguyên biển ở Nghệ An phát triển mạnh mẽ với đội tàu thuyền lớn nhỏ trên 4.100 chiếc, đánh bắt với đủ các nghề từ truyền thống đến nghề khai thác hiện đại như: Giã kéo, te, vây rút chì, chụp mực tăng gông dùng ánh sáng soi chiếu... Sản lượng đánh bắt trung bình mỗi năm trên 55.000 nghìn tấn hải sản.
Những cảnh báo từ môi trường biển
Nhưng bên cạnh mặt tích cực của sự phát triển đó, thì điều mà chúng ta còn thiếu quan tâm là việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi hải sản. Rộng hơn nữa, đó là bảo vệ môi trường biển. Hầu như ở các bến cảng, cửa lạch, bến cá luôn đầy rẫy rác thải, phế thải, nồng nặc một thứ mùi trộn lẫn nhiều thứ rất khó tả.
Bờ biển, cửa sông đổ ra biển là nơi trú ngụ sinh sôi của nhiều loài hải sản. Nhưng sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường tại những khu vực này, cùng với lối đánh bắt hải sản bằng lưới mắt nhỏ, bằng thuốc nổ, xung điện đã là một trong những nguyên nhân dẫn tới huỷ diệt sự tái tạo của nhiều loài trong mùa sinh sản của nó.
Trong hơn 7 tháng đầu năm nay, Đội tàu kiểm ngư, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nghệ An, phối hợp với Đồn biên phòng đã bắt, xử lý hàng loạt vụ đánh cá bằng phương thức huỷ diệt này. Đối diện với môi trường biển Nghệ An hiện nay, bên cạnh sự thiếu ý thức của khá nhiều các ban quản lí cảng cá, bến cá, của ngư dân trực tiếp đi biển, còn là sự chưa quan tâm đúng mức của ngành tài nguyên môi trường từ tỉnh đến huyện, thị.
Rác thải trên bãi Lạch Cờn, xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu
Lâu nay, ngành này mới chỉ chú ý đến môi trường sống trong đất liền, các khu dân cư, phố, phường, vì phải chăng nó liên quan trực tiếp đến bầu không khí, đến cảnh quan mà con người đang sinh sống? Còn biển, phải chăng là một đại dương mênh mông, không thuộc bầu khí quyển mà con người thường ngày trực tiếp muốn hít lấy sinh khí trong lành? Câu hỏi này xoáy sâu vào một thực trạng đáng báo động về vấn nạn rác thải ở nhiều vùng ven biển của tỉnh hiện nay.
Trên bờ biển Nghệ An, thực tế thì chỉ những vùng phát triển ngành du lịch, dịch vụ biển như thị xã Cửa Lò, Bãi Lữ, huyện Nghi Lộc, Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, thì người ta mới chú ý đến bảo vệ môi trường, để quảng bá cho thương hiệu của một khu vực, một vùng thu hút khách nghỉ dưỡng, tham quan. Còn ngoài ra, việc xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường biển đã không được chú ý thực hiện.
Đảng, Nhà nước ta xác định: Chiến lược biển đến năm 2020, xem kinh tế biển là một mũi nhọn. Các tỉnh, thành ven biển có tiềm năng như Nghệ An không nằm ngoài “quỹ đạo” phát triển kinh tế biển của đất nước. Do vậy, nếu thiếu đi sự bảo vệ môi trường biển và với người dân vùng biển vẫn còn thờ ơ, rằng: Biển mênh mông, sâu thẳm sẽ gột rửa tất cả; biển như một thùng rác khổng lồ, thì sẽ có lúc dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Trước hết, là ảnh hưởng, thiệt hại cho chính vùng du lịch biển, làm cạn kiệt sự sinh sôi, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Chỉ có thể phát triển kinh tế biển bền vững khi chúng ta biết giữ gìn, bảo vệ tốt môi trường biển. Đã đến lúc các ngành chức năng Tài nguyên môi trường, Chi cục khai thác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và cấp uỷ, chính quyền các địa phương vùng biển Nghệ An cần có các biện pháp chấn chỉnh mọi vi phạm đổ chất thải ra biển, hay bất cứ hành vi nào khác làm bẩn môi trường biển.
Biển - đại dương sinh ra sự sống, thì tất yếu sẽ lấy đi sự sống khi môi trường bị ô nhiễm từ chính hành vi xấu của con người gây ra. Do vậy, khai thác tài nguyên biển cần phải đi đôi với bảo vệ môi trường biển như một thông điệp đẹp nhất của chính sự sống của chúng ta.
Dương Cầm
.