Nghe tin tăng giá xăng, người dân không còn sốc vì đã liên tiếp chịu cảnh tăng giá, thay vào đó là nỗi lo thiếu hụt khi túi tiền này càng bị hao hụt.
Bà Hồ Nhất Lan ở phố Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, HN) đặt câu hỏi: "DN xăng dầu kêu lỗ ngay lập tức được liên bộ cho tăng giá để bù thua thiệt, còn người dân giờ thu không đủ chi đang phải tằn tiện sống cùng với bão giá vậy ai bù đây?". Cuối cùng dân vẫn phải móc sạch những đồng xu cuối cùng trong túi tiền của mình ra để sống tiếp.
Chị Ngô Thị Thanh ở phố Doãn Kế Thiện (Mai Dịch, Cầu Giấy) thắc mắc trước vấn đề xăng tăng giá: "Trước, xăng dầu thế giới giảm mạnh nhưng giá xăng trong nước lại giảm nhỏ giọt vì nhà nước tăng thuế nhập khẩu lên. Nay giá xăng thế giới tăng sao nhà nước mình không chịu giảm thuế xuống rồi cũng tăng từ từ mà lại để các doanh nghiệp tăng ào ào, dồn dập. Chỉ trong vòng một tháng, xăng tăng giá tới 3 lần vậy với đồng lương ít ỏi đó dân công chức chúng tôi biết cắt giảm cái gì tiếp để cân bằng được chi phí sinh hoạt cho cuộc sống hàng ngày?".
Chị Nguyễn Hương Trà ở Đê La Thành (Đống Đa) không khỏi lo lắng bởi xăng tăng kéo theo đó là hàng ngàn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ rủ nhau tăng theo. Chị Trà cho biết, chồng làm công chức nhà nước, chị làm giáo viên một trường mầm non tư thục tại quận, thu nhập ba cọc ba đồng không đủ chi tiêu. Đó là chưa kể cô con gái lớn tới đây chuẩn bị vào lớp một cũng ngốn cả đống tiền. Nhiều lúc thấy đuối sức, chìm dần trong con bão giá mà không biết làm cách nào để ngóc lên được.
Trước thông tin tăng giá, nhiều tiểu thương bán thực phẩm tại các chợ lẻ trên địa bàn Hà Nội đều cho biết, chợ ế nên chuyện tăng giá hàng hóa tại thời điểm này khi xăng dầu tăng là điều rất khó. Bà Hạnh, chủ một cửa hàng rau củ sạch tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) chia sẻ: "Giá đầu vào đều tăng, nhất là thời gian gần đây, nguồn cung không ổn định do mưa lớn kéo dài, rồi chi phí vẫn chuyển tăng do xăng tăng nhưng cứ xăng tăng, hàng hóa lại tăng theo như vậy thì biết bán cho ai trong khi tiền chi tiêu của dân đang cạn dần".
Còn chị Kim Thoa bán thực phẩm ở chợ Ngã Tư Sở lại khẳng định giá xăng tăng ào ào như vậy nên hàng hóa thực phẩm tăng giá là điều không thể tránh khỏi. Sắp tới, phía đầu mối thể nào cũng báo có đợt tăng giá mới, đặc biệt với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
"Người dân khổ sở vì giá tăng nhưng chúng tôi cũng khổ không kém vì khi tăng giá bán dân sẽ mua ít đi. Còn không tăng giữ yên giá để ổn định sức mua thì tiểu thương sẽ phải chiụ lỗ", chị Thoa than.
DN lui thêm suy kiệt
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội khẳng định: "Sau các đợt xăng tăng giá, các DN có đề nghi tăng giá hàng hóa theo là chuyện hết sức bình thường". Tuy nhiên, ở vào thời điểm này, ông khuyên các DN, siêu thị, cửa hàng, tiểu thương nên khéo léo rồi cân nhắc ký hơn chuyện tăng hay giữ giá sao cho hợp lý, tránh trường hợp tăng giá khiến sức mua giảm thêm.
Ông Phùng Văn Chính, Giám đốc một công ty sản xuất vật liệu xây dựng, cho biết giá xăng và điện tăng mạnh trong thời gian vừa qua gây ảnh hưởng không hề nhỏ với doanh nghiệp. Chi phí đầu vào tăng nên giá thành sản phẩm đầu ra cũng phải tăng. Tuy nhiên, "Trong thời điểm hàng hóa sản xuất ra tồn kho cả đống chưa giải quyết được thì chuyện tăng giá theo giá xăng là điều chẳng DN nào muốn làm. Nhưng nếu không tăng mà vẫn giữ giá thì DN lại phải gồng mình chịu lỗ nặng hơn".
"Khi giá vật liệu tăng cao cũng có nghĩa là giá thi công nhảy vọt bắt buộc phải tăng giá bán thành phẩm. Mỗi m2 thi công với giá 4,5 triệu đồng thì có thể sẽ nhảy lên hơn 5 triệu đồng. Công trình được ký kết từ trước, trong hợp đồng chỉ cho phép bù giá 10% so với chi phí tại thời điểm ký kết. Song, thực tế mỗi đợt "nổi giá" đều tăng cao từ 20-30%, nên việc ảnh hưởng tới tiến độ công trình là điều khó tránh khỏi. Như vậy, một căn nhà cỡ trung bình 70m2 thì giá bán cũng tăng 40-70 triệu đồng. Không tăng giá bán thì không có lãi, nhưng tăng thì khăn người mua hơn, ông Chính nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đực - Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành phân tích, thị trường căn hộ đang gặp nhiều khó khăn, giao dịch đều chậm, lãi suất vay cũng quá cao. Nếu tăng giá trong thời điểm nhạy cảm này tăng giá nhà thì uy tín doanh nghiệp sẽ giảm, mất khách hàng, giảm tính cạnh tranh. Giá tăng cao, nhà đầu tư và nhà thầu phải cần phải tính toán lại kỹ hơn.
Ông Nguyễn Thụy Nhân Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh cho rằng, hầu hết các máy móc trên công trường như máy xúc, máy ủi, máy trộn đều sử dụng dầu, giá dầu biến động cũng chồng thêm khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong tình cảnh khó khăn chung, chỉ doanh nghiệp có uy tín và tiềm lực mạnh mới ít chịu tác động, còn các doanh nghiệp nhỏ thì quay như chong chóng. Trong khi đầu vào tăng cao thì đầu ra cũng đang "bí" vì thị trường chưa sôi động.
Theo ông Nhân, DN không còn nhiều sự lựa chọn. Việc "thắt bụng" để tiết kiệm chi phí cho công trình là điều tất yếu. Ông Nguyễn văn Đực chia sẻ giải pháp đương đầu với cơn lốc giá đầu vào tăng cao là chủ đầu tư phải tiết kiệm tối đa. Từ đó, chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc những gói thầu nào cần thuê nhà thầu phụ, gói thầu có thể chủ động được. Vật tư cũng được giám sát dùng liều lượng đúng, đủ. Nếu quản lý tốt chủ đầu tư có thể tiết kiệm 5-15% tổng chi phí cho toàn dự án.
Ông Trần Như Trung - Giám đốc Nghiệp vụ, Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Công ty Savills Việt Nam nhận định, để giải quyết bài toàn khó khăn về vốn cũng như giá cả leo thang không đơn giản. Bởi khi dự án đã phê duyệt, công trình đã ký kết thì chủ đầu tư không thể dừng triển khai công trình. Các chủ đầu tư cần phải tính toán, nghiên cứu cụ thể thị trường. Mức dự phòng trượt giá đưa ra phải được xem xét cân nhắc dựa trên việc nghiên cứu từng dự án cũng như khả năng đầu tư của từng doanh nghiệp.
Nguồn: VEF