Về xã Thái Sơn, huyện Đô Lương, nghe người dân phản ánh tình trạng nguồn điện sinh hoạt yếu. Ngỡ tưởng mới có mấy ngày hôm nay, nào ngờ đâu đã vài năm, người dân phải dở khóc, dở cười với tình trạng điện phập phù. Đặc biệt, tại các xóm 1, xóm 3, xóm 12, nhiều thiết bị điện của hầu hết các gia đình bị cháy khiến người dân rất bức xúc.
Ông Hoàng Đình Lạc - Phó chủ tịch UBND xã Thái Sơn cho biết: Năm 1995, xã Thái Sơn xây dựng hệ thống điện. Đến năm 2010, bàn giao cho ngành điện lực huyện Đô Lương quản lý. Do xây dựng quá lâu nên đường dây xuống cấp trầm trọng. Hiện nay, xã Thái Sơn có 5 trạm điện nhưng còn có những bất cập: Có những trạm quá tải, lại có trạm đường dây không dẫn đến...
Thời gian qua, Chi nhánh Điện lực Đô Lương đã tập trung tu sửa nhưng chất lượng hệ thống đường điện vẫn còn nhiều tồn tại. Các cột điện hư hỏng nhiều, dây bị ôxi hóa, đường tải kém. Hầu hết các xóm trên địa bàn xã Thái Sơn đều rơi vào tình trạng trên, đặc biệt là các xóm nằm phía sâu trong núi như xóm 1, xóm 12...
Chúng tôi có mặt tại xóm 1, xã Thái Sơn. Chừng khoảng 8 giờ đã thấy mọi người từ ngoài đồng tranh thủ chạy ù về nhà để cắm cơm. Chị Dương Thị Thảo gần hai năm nay luôn phải cắm cơm sớm như vậy “Cắm từ giờ cơm cũng chưa chắc đã chín nói chi đợi đến buổi trưa. Nhiều lần dở khóc, dở cười với cái nồi cơm điện, đến giờ ăn cơm, mở nồi cơm thì chín không ra chín, sống cũng chẳng ra sống".
Đường dây sà tay người với rất nguy hiểm
Đang tính đưa chúng tôi vào nhà để bật quạt ngồi cho mát, chị Thảo chợt nhớ: “Buổi ni bật quạt cũng không chạy. Hôm rồi, nhà mới cháy mất một cái quạt vì điện chập chờn, lúc mạnh lúc yếu”. Ông Lê Khắc Kế, xóm trưởng xóm 1 cho hay: Xóm có 160 hộ với 625 khẩu thì hộ nào cũng phải chịu khổ vì điện yếu. Nhiều hộ bị cháy các thiết bị như bóng điện, quạt, máy bơm nước và các đồ dùng sinh hoạt khác. Nhiều hộ mua bóng tròn dùng chứ không dám dùng bóng chữ U, nhà nào cũng kêu than “tiền bóng nhiều hơn tiền điện”. Nhiều hộ dân muốn mua máy tuốt lúa, máy sấy để làm một số nghề phụ nhưng đành phải bỏ.
Cực nhất là vào buổi tối, bà con muốn xem chương trình thời sự, thời tiết để nắm bắt thông tin nhưng khổ nỗi điện yếu không thể xem được. Các cháu học sinh thì học trong ánh sáng tù mù. Nhà nào có điều kiện thì sắm bình ắc quy riêng để phục vụ con em học tập, nhà nào chưa có điều kiện thì thắp nến...
Vào ngày mùa, bà con tranh thủ dậy từ lúc 1 - 2 giờ sáng... Theo chân xóm trưởng, chúng tôi quan sát thấy một số cột điện trên địa bàn xóm hiện bị đổ gãy, dây điện chằng chịt trông rất nguy hiểm. Cùng chung với tình trạng xóm 1 là xóm 12. Với 26 hộ nằm ở cuối nguồn xa trạm biến áp, phải kéo đường dây từ trạm biến áp ở xóm 2 nhưng vẫn không thể đảm bảo đủ ánh sáng bởi đường dây quá cũ chưa được thay thế.
Các đồ dùng bị cháy do chập điện
“Người dân chúng tôi đã phản ánh nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đâu lại vào đấy. Người dân chỉ mong mỏi phía Điện lực Đô Lương xây dựng một trạm treo để có thể cung ứng nguồn điện cho dân dùng. Nếu không phải thay mới hoàn toàn đường dây, nâng cấp hệ thống đường dây điện”, ông Lê Khắc Kế nói.
Nhiều lần hẹn gặp Giám đốc Điện lực Đô Lương để có câu trả lời thỏa đáng, nhưng ông từ chối với lý do bận việc. Bất đắc dĩ, chúng tôi phải trao đổi qua điện thoại. Ngày 27/7/2012, qua điện thoại, ông Hồ Viết Sơn - Giám đốc Điện lực Đô Lương cho rằng: Đây là tình trạng chung của lưới điện nông thôn chứ không riêng gì xã Thái Sơn. Năm 2010, sau khi bàn giao cho Điện lực Đô Lương quản lý thì phía điện lực đã đầu tư từng giai đoạn.
Giai đoạn 1 đã thay thế công tơ vào giữa năm 2010 và hoàn thành đầu năm 2011, hiện nay đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 thay thế đường dây dẫn. Với những hộ ở cuối nguồn, điện lực đã đưa những hộ dân vào trạm biến áp số 5 mới được xây dựng nhưng đường dây cũ chưa được thay thế nên không đảm bảo được biến áp định mức.
Hơn nữa, nhu cầu sử dụng điện của người dân quá cao, hệ thống không phụ tải được. Trong tháng 10/2012, với 67 tỷ đồng của dự án đầu tư vốn Ngân hàng Tái thiết Đức, Điện lực Đô Lương sẽ triển khai thay thế nâng cấp đường dây dẫn ở một số xã điện yếu trên địa bàn huyện Đô Lương và dự kiến đến tháng 6/2013 sẽ hoàn thành.
Điều người dân mong mỏi lúc này là được dùng điện ổn định. Bằng những việc làm cụ thể từ phía ngành điện lực, hy vọng sẽ không làm người dân rơi vào trạng thái hụt hẫng, “hy vọng để rồi thất vọng”.
An Nhiên - Ngọc Anh
.