Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201208/22063-lang-phi-tien-ty-tu-nhung-cong-trinh-nuoc-sach-395907/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201208/22063-lang-phi-tien-ty-tu-nhung-cong-trinh-nuoc-sach-395907/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lãng phí tiền tỷ từ những công trình nước sạch - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 02/08/2012, 08:01 [GMT+7]
22063

Lãng phí tiền tỷ từ những công trình nước sạch

Trong những năm qua, huyện Tương Dương nhờ vào Chương trình 135 và các tổ chức phi Chính phủ đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng công trình nước sạch.
 
Từ đó đã giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở một số xã trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, công tác quản lý từ những công trình nước sạch ở đây còn gặp không ít khó khăn và thách thức do sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, phần lớn các công trình này bị hư hỏng, gây lãng phí tiền tỷ, người dân lại phải sử dụng nguồn nước suối như trước đây.
 
Tương Dương là huyện miền núi vùng biên giới, chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nhu cầu dùng nước của người dân cao. Trong những ngày hè nóng nực này, câu chuyện nước sinh hoạt trở thành vấn đề nan giải của người dân nơi đây.
 
Tiếp xúc chúng tôi, người dân ở xã Nga My (Tương Dương) đã bày tỏ những ý kiến bức xúc về chất lượng công trình không bảo đảm, mà nguyên do chủ yếu là sự tắc trách trong thiết kế, khảo sát, thi công; nguồn nước lấy thì không bảo đảm vệ sinh; hệ thống ống dẫn không đạt chất lượng nên sau khi đưa vào sử dụng được vài tháng đã bỏ hoang.
 
Hàng trăm công trình nước sạch ở huyện Tương Dương bị bỏ hoang
 
Tìm hiểu sự việc, chúng tôi được người dân ở đây cho biết, vào mùa mưa nước giếng có màu trắng đục như nước vo gạo, mùa nắng nước màu vàng nhạt, khi đun sôi có tình trạng kết tủa hoặc đọng cặn lại trong ấm đun. Dù nước bị ô nhiễm nặng nhưng người dân vẫn phải sử dụng. Trong khi đó, tất cả các công trình nước sinh hoạt cho người dân miền núi tại huyện Tương Dương hiện nay đã hư hỏng hoặc không phát huy tác dụng.
 
Nguyên nhân chủ yếu là sau khi xây dựng xong chủ đầu tư bàn giao cho cộng đồng quản lý sử dụng. Song ý thức của người dân còn hạn chế. Họ tự ý đấu nối theo kiểu mạnh ai nấy làm khiến công trình nhanh hư hỏng.
 
Mặt khác, các công trình giao thông, xây dựng dân dụng làm hư hỏng ống dẫn nước. Khi có sự cố thì không ai báo cáo để sửa chữa kịp thời, dẫn đến hư hỏng nặng không có vốn khắc phục. Ngoài ra, do việc phá rừng, đốt rẫy cũng khiến nguồn nước cung cấp cho công trình nước bị cạn kiệt phải bỏ không.
 
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Tương Dương có tới 90% công trình nước sinh hoạt đã hư hỏng không còn sử dụng được như ở xã Tam Quang, Tam Thái, Nga My, Xiêng My…
 
Ông Hoàng Sỹ Thìn - Trưởng phòng nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: Lúc đầu mới làm thì người dân có nước dùng và xóa bỏ được tình trạng dùng nước khe suối bấy lâu nay, nhưng chỉ được vài năm hoặc có nơi vài tháng, do ý thức bảo vệ của người dân quá kém dẫn đến hệ thống đường ống, bể chứa hư hỏng quá nhiều. Đến giờ chính quyền vẫn chưa có hướng khắc phục.
 
Để sử dụng các công trình có hiệu quả thì cần có sự vào cuộc của chính những người được hưởng lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức gây hư hỏng các công trình nước sạch làm giảm hiệu quả các công trình. Tình trạng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường sống.
 
Chúng tôi cũng mong muốn rằng nếu tiếp tục triển khai xây dựng và sửa chữa công trình nước sạch tự chảy cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hoá nhiệm vụ, vai trò của chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng trong quản lý, bảo vệ. Cùng với đó, cần quan tâm, chú trọng vào việc trao quyền cho cộng đồng và lấy cộng đồng làm trọng tâm.
 
Được biết, trong thời gian tới, huyện Tương Dương sẽ cố gắng khắc phục lại một số công trình nước sinh hoạt ở những xã chưa bị hỏng nhiều. Theo đó, đến năm 2020 có 100% người dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay ở Tương Dương, việc giải bài toán nước sinh hoạt theo mục tiêu trên là điều không hề dễ dàng.

Trường Khuyên
.