Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201208/22061-no-chong-no-chat-o-mot-hop-tac-xa-395909/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201208/22061-no-chong-no-chat-o-mot-hop-tac-xa-395909/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nợ chồng nợ chất ở một hợp tác xã - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 02/08/2012, 08:00 [GMT+7]
22061

Nợ chồng nợ chất ở một hợp tác xã

Những chuyện phi lý
 
Năm 1980, xã Mã Thành có hai HTX nông nghiệp Tân Tiến và Hồng Tiến. HTX Tân Tiến làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, tiền điện  không có trả nên không có điện bơm nước cho dân làm mùa màng thất bát. Có những khoản nợ vô lý đến mức khó tin như cán bộ Ban quản lý 12 năm… chưa có lương. Tiền công xã viên bị nợ lại. HTX vay nhiều hộ dân theo lãi suất thị trường không có trả nên lãi mẹ đẻ lãi con chồng lên nhau, Ban quản lý mất hết uy tín.
 
Tháng giêng năm 2007, đại hội đại biểu xã viên biểu quyết ngưng hoạt động làm các thủ tục giải thể. Tuy nhiên, Ban quản lý không thể giải trình và cân đối được số nợ nên không thể tuyên bố phá sản.
 
Năm 2009, thực hiện quyết định của UBND tỉnh, xã Mã Thành tách làm 2 xã Tiến Thành và Mã Thành. Do vị trí địa lý nên 8 xóm thuộc HTX Tân Tiến bị tách ra, 3 xóm thuộc Mã Thành, 5 xóm thuộc Tiến Thành. Số nợ HTX thành “cha chung không ai khóc” mà chỉ có các chủ nợ cùng nhau “khóc”.
 
Không ai giải thích được nguồn gốc số nợ, chỉ biết nó được dồn từ 3 đời chủ nhiệm. Đó là năm 2002, Chủ nhiệm Nguyễn Sỹ Hùng bàn giao lại cho Chủ nhiệm Đặng Xuân Ty. Năm 2005, Chủ nhiệm Ty giao cho Chủ nhiệm Cao Xuân Phục thì số nợ đã chồng chất dồn lại khoảng hơn 500 triệu đồng. 
 
Trụ sở HTX hoang tàn, xuống cấp
 
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban kiểm tra UBND xã Mã Thành, chỉ tính riêng 3 xóm thuộc xã Mã Thành, HTX đã nợ 226.326.000 đồng, trong đó: Nợ vay cá nhân hơn 116 triệu đồng, nợ tiền công xã viên hơn 5 triệu đồng, nợ Ban quản lý HTX hơn 34 triệu đồng… trong lúc xã viên nợ HTX chỉ có 80.400.000 đồng nhưng là loại nợ dầm dìa từ xưa để lại thuộc dạng khó đòi. Còn 5 xóm thuộc xã Tiến Thành thì đến nay chưa ai chịu đứng ra tổng hợp và nợ các công ty cũng không ai  chịu trách nhiệm. 
 
Đều là… nạn nhân?
 
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An và Sở NN&PTNT, các doanh nghiệp trong tỉnh cùng chung tay giúp nhà nông vượt khó. Ngày 12/12/2005, Công ty cổ phần Hóa chất Vinh ký hợp đồng với HTX Tân Tiến do Chủ nhiệm Cao Xuân Phục đại diện, cho nông dân nợ phân bón cam kết cuối vụ trả. Vậy nhưng, hết năm 2009 số nợ vẫn còn 146.563.600 đồng.
 
Ngày 25/12/2010, Công ty khởi kiện HTX. TAND huyện Yên Thành tuyên HTX phải trả nợ cho Công ty. Ngày 13/07/2011, Công ty có đơn gửi cơ quan Thi hành án Yên Thành nhưng vẫn không lấy được nợ. Công ty trình UBND huyện được Chủ tịch Nguyễn Tiến Lợi bút phê yêu cầu đôn đốc trả nợ cho Công ty.
 
Đại diện Công ty hóa chất Vinh và cơ quan thi hành án Yên Thành trao đổi
về vụ việc của HTX Tân Tiến
 
Vậy nhưng, khi cơ quan Thi hành án mời UBND xã Mã Thành, UBND xã Tiến Thành và Chủ nhiệm Cao Xuân Phục đến hợp tác thanh lý tài sản thì chỉ có xã Mã Thành đến nên nợ vẫn tồn lại dù tài sản HTX hiện còn 200 ha rừng thông, 3 ha rừng bạch đàn, một trạm bơm nước 10 - 15 KVA, trụ sở làm việc 4 gian 80m2 nhà cấp 3, nhà kho 80m2 và một số bàn ghế cũ. 
 
Để làm rõ vấn đề, chúng tôi tìm đến UBND xã Tiến Thành, Chủ tịch Nguyễn Hữu Đại khẳng định: "Chúng tôi cũng đang là nạn nhân đây. HTX nợ dân, dân không đòi được liền gác các khoản thu của ủy ban lại để trừ, chúng tôi không sao thu được thuế, ảnh hưởng ngân sách địa phương rất lớn. Cho đến nay, tôi chưa hề nhận được đơn thư của Công ty Hóa chất Vinh hoặc các công dân. Chúng tôi cũng chưa thấy cấp nào giao trách nhiệm phải tổng hợp nợ hay trả nợ và cũng chưa lần nào nhận được giấy mời của cơ quan Thi hành án bàn về vấn đề này.
 
Nếu muốn giải quyết dứt điểm số nợ thì UBND huyện phải có hướng chỉ đạo cụ thể, phải làm rõ xem tổng nợ HTX bao nhiêu, bản chất số nợ đó như thế nào rồi phân xã Tiến Thành chịu bao nhiêu, xã Mã Thành chịu bao nhiêu? Có được hóa giá tài sản HTX để trả nợ không? Có cho phép lấy các khoản khác của ủy ban trả nợ cho HTX không? Xã cũng đang rất mong giải quyết dứt điểm để ổn định tình hình".
 
Ông Cao Xuân Phục lại cho rằng: “Chủ nhiệm cũng bó tay thôi, nợ chồng nợ chất không thể hoạt động được. Bản thân tôi 4 năm làm không lương phải chạy ngược chạy xuôi vay tiền cho tập thể mua dầu, mua điện bơm nước. Hiện sổ đỏ gia đình vẫn ở ngân hàng vì vay 20 triệu cho HTX. Hàng ngày tôi phải đi làm thợ mộc lấy tiền nuôi con và trả lãi cho tập thể”. Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Tôi được giao phụ trách vấn đề HTX Tân Tiến nhưng sổ sách họ vứt sạch nên tổng nợ chưa nắm được. Hiện tôi đang cố gắng tối đa để giải quyết cho phá sản. Huyện cũng đang đau đầu với HTX này”. 
 
Ai chịu trách nhiệm?
 
Vậy là đã rõ, ai cũng cho mình là nạn nhân, người này đá bóng cho người kia, chỉ có người dân và doanh nghiệp là chịu khổ. Theo điều tra của chúng tôi, mặc dù ông Thùy kế toán HTX vừa mất vì TNGT nhưng toàn bộ sổ sách vợ ông đang giữ được.
 
3 đời chủ nhiệm đang còn đó, toàn Ban quản lý và Ban kiểm soát HTX chưa có ai mất đi, tài sản cố định của HTX vẫn đang trơ gan cùng mưa nắng, chưa được thanh lý đang xuống cấp một cách nghiêm trọng. Vậy, việc không thể thống kê cân đối được số nợ là điều cực kỳ vô lý.
 
Đã đến lúc UBND huyện Yên Thành cần phải vào cuộc quyết liệt, làm rõ vụ việc, xử lý những cán bộ thiếu trách nhiệm, trả lại quyền lợi chính đáng cho các chủ nợ, lấy lại niềm tin cho nhân dân dù lúc này đã quá muộn.

Đình Lộc
.