Cụ thể, tại Công văn số 5299, Bộ Giao thông Vận tải cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu kỹ phương án thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Bộ Giao thông Vận tải cần tham vấn ý kiến phản biện, dư luận xã hội, thông tin đối thoại công khai, đầy đủ về chính sách, đề xuất lộ trình thực hiện phù hợp, khả thi và đúng pháp luật. Để hoàn chỉnh đề án này cần phải có thời gian nhất định, phù hợp (có thể là vài ba năm) để tham vấn những kênh thông tin trên, từ đó mới đề xuất được lộ trình thực hiện phù hợp. Bộ Giao thông Vận tải thấy rằng việc tổ chức thu phí chỉ khả thi khi nhận được sự đồng thuận của người dân.
Từ những nội dung cơ bản tại công văn phúc đáp trên, đã có ý kiến tỏ rõ sự vui mừng khi cho rằng "đây là một dấu hiệu lạc quan từ Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải nhằm điều chỉnh lại phương án thu các loại phí".
Với "tín hiệu lạc quan" đó, VAMA đặt niềm tin thị trường ôtô trong nước tới đây sẽ ấm trở lại. Dù vẫn khá thận trọng song cơ quan này đã nâng dự báo tổng sản lượng bán hàng ôtô trong năm 2012 nhiều khả năng sẽ vượt qua con số 100.000 chiếc. Trước đó, trong tháng 4 và tháng 5/2012, VAMA đã đưa ra mức dự báo 80.000 chiếc.
Tuy nhiên, ngược lại, có không ít ý kiến cho rằng đây chỉ là một văn bản "đa nghĩa" khẳng định việc thu các loại phí trên còn phải tham vấn các ý kiến phản biện, dư luận xã hội... và rằng vài ba năm nữa đề án này mới hoàn thành, chứ không trả lời thẳng vào vấn đề liệu đề án khiến dư luận đặc biệt quan tâm này có trở thành hiện thực.
Công văn này cho thấy khả năng thu phí hạn chế phương tiện cá nhân vẫn luôn lơ lửng trên đầu những người đã đang và sẽ sử dụng ôtô. Công văn này chỉ có thể trấn an phần nào các DN sản xuất lắp ráp ôtô về thời điểm thu phí mà thôi. Tuy vậy, điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch dài hạn của các DN.
Một thành viên VAMA cho biết công văn này không khẳng định có ngừng đề án này hay sẽ thực hiện, điều mà các DN ôtô muốn biết rõ ràng để có kế hoạch dài hạn cho mình thì không nhận được câu trả lời chính thức.
Vì thế, VAMA, trong văn bản 3212 gửi Bộ Giao thông Vận tải, đã đề nghị được làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Đinh La Thăng về các loại phí - vốn được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường ôtô vài tháng qua đóng băng và làm các DN ôtô lao đao. Nhưng thay vì được gặp trực tiếp là một văn bản muốn hiểu thế nào cũng được.
Có DN sản xuất ôtô khi được hỏi đã trả lời rất bi quan rằng, vấn đề là người ta cần tiền và việc thu phí này sẽ mang lại một khoản khá, vì vậy khó tránh khỏi bị thu. Tuy nhiên, nếu với lượng xe ôtô lớn hơn thì số tiền thu tính trên đầu xe sẽ thấp hơn, nhưng với số lượng xe còn quá nhỏ thì số thu khá lớn sẽ gây tác động tới thị trường.
Trong công văn này, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, bộ thừa hành những chỉ đạo của Chính phủ trong việc lập đề án thu phí hạn chế ôtô của người dân. Và bộ này vẫn đang phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu phương án thu phí phương tiện giao thông cá nhân, tham vấn các ý kiến phản biện, dư luận xã hội, thông tin đối thoại công khai, đầy đủ về chính sách, đề xuất lộ trình thực hiện phù hợp, khả thi và đúng pháp luật.
Nhiều ý kiến cho rằng sự điều hành hết sức mâu thuẫn của Chính phủ đang gây ra những sự khó hiểu. Viện dẫn Quyết định 177/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 (ngày 5/10/2004) của Chính phủ, một DN sản xuất ôtô cho biết, ngay từ câu đầu tiên trong bản quy hoạch này đã viết rất rõ ràng: "Công nghiệp ôtô là ngành công nghiệp rất quan trọng cần được ưu tiên phát triển để góp phần phục vụ có hiệu quả quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng tiềm lực an ninh, quốc phòng của đất nước".
Tiếp đến là: "Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam để đến năm 2020 trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, có khả năng đáp ứng ở mức cao nhất nhu cầu thị trường trong nước và tham gia vào thị trường khu vực và thế giới".
Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng một bản quy hoạch mới phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, sẽ phát triển dòng xe chiến lược với nhiều ưu đãi để có sản lượng lớn giúp phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
Hơn thế nữa, ngày 24/2/2011 vừa qua, Chính phủ đã ban hành chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (Quyết định 12/2011/QĐ-TTg) nhằm khuyến khích các DN trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo các chuyên gia thì công nghiệp ôtô chính là niềm hy vọng lớn lao nhất của công nghiệp hỗ trợ. Bởi công nghiệp ôtô tiêu thụ 77% cao su tự nhiên, 50% cao su tổng hợp, 67% chì, 40% máy công cụ, 25% thủy tinh, 64% gang rèn, 20% vật liệu bán dẫn... Sự phát triển công nghiệp ôtô sẽ lôi kéo và thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác.
Nhưng ngược lại thì Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu phương án thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Với cách làm này DN cho biết họ chịu quá nhiều tác động và hầu như không thể xây dựng được kế hoạch sản xuất ổn định cho mình.
Kết quả là 6 tháng qua, doanh số bán ôtô của các DN rất thê thảm. Theo đó, tổng sản lượng bán hàng của toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm giảm 41% so với cùng kì năm ngoái, dừng lại ở mức 42.928 chiếc. Tháng 6 vừa qua, sản lượng bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt 6.555 xe, giảm 43% so với cùng kì năm ngoái và giảm 4,6% so với tháng 5 vừa qua.
Mặc dù việc thu phí chưa trở thành chính sách, nhưng với những thông tin đưa ra đã gây tác động xấu khiến việc sản xuất, lắp ráp ôtô chịu nhiều thiệt hại.
Bà Trương Chí Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển DN công nghiệp hỗ trợ (Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương) cho hay: "Chỉ sau khoảng 2 tuần khi thông tin Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, chúng tôi vào công tác tại công ty ôtô Trường Hải (Quảng Nam) thì toàn bộ dây chuyền sản xuất xe Kia đã phải ngừng hoạt động. Chỉ một thông tin như vậy thôi cũng đã tác động rất mạnh tới sản xuất và công nghiệp ôtô".
Chắc chắn với chính sách bất ổn như hiện nay thì công nghiệp ôtô không thể phát triển ổn định và đạt mục tiêu đề ra.