Thậm chí có những chủ nhiệm HTX DVNN mua phân bón NPK của hãng Sao Vàng về bón cho ruộng nhà mình, còn ruộng bà con nông dân thì mua phân NPK giá rẻ hơn, tiền hoa hồng bỏ túi nhiều hơn đem về cho nông dân vay ứng trước cuối vụ thu tiền trả cho công ty bán phân bón cho họ.
Phân bón khi đã bón vào đất rồi thì dù chất lượng có kém đi chăng nữa, người cung ứng phân họ sẽ giải thích tại đất, tại nước, tại thời tiết, tại người sử dụng không đúng cách… Và cuối cùng thì người nông dân phải hứng chịu hậu quả đó.
Riêng trường hợp ở huyện Hưng Nguyên bón phân NPK của Công ty Phân bón Bắc miền Trung mà Báo Công an Nghệ An viết bài phản ảnh được ông Phan Anh Tuấn - Chủ tịch Hội nông dân huyện Hưng Nguyên giải thích như sau: “… Chỉ riêng xã Hưng Xá là có vấn đề, còn 22 xã còn lại không thấy người nông dân phản ánh gì. Do diện tích đất của xã Hưng Xá là đất cát pha, không phù hợp với loại phân của Công ty phân bón Bắc miền Trung, cộng thêm vì nhiều hộ dân bón không đúng quy cách là nguyên nhân khiến cây trồng kém phát triển”.
Một nguyên nhân nữa ông Tuấn nói tiếp: “Trong việc này, có một lỗi của Công ty CP phân bón Bắc miền Trung là do phân sấy khô quá, không có độ ẩm nên khi tiếp xúc đất pha cát thì độ hòa tan chậm làm ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng”.
Cả hai ý kiến giải thích nói trên của ông Tuấn thật quá vô lý, không có cơ sở khoa học. Vì sao vậy ???
Thứ nhất:
Cơ sở khoa học nào ông Tuấn giải thích đất pha cát không phù hợp với loại phân bón NPK của Công ty phân bón Bắc miền Trung sản xuất. Tất cả các loại phân bón NPK đều bón tốt trên tất cả các loại đất đai khác nhau cho hầu hết các loại cây trồng. Trừ trường hợp đất mặn, đất quá chua thì phải bón nhiều vôi để thau chua rửa mặn trước 5-7 ngày sau đó mới bón phân vào thì hiệu quả sử dụng phân bón cao hơn.
Nếu nói theo cách giải thích của ông Tuấn do đất ở xã Hưng Xá là đất cát pha thì ở xã Hưng Tân 100% là đất thịt và đất sét cũng bón phân NPK của Công ty CP phân bón Bắc miền Trung cũng gặp phải trường hợp tương tự như ở xã Hưng Xá, có đúng không? Vậy trường hợp này ông Tuấn giải thích tại sao?
Chất lượng phân bón đã kém thì bón trên đất nào cũng vậy thôi. Vì vậy, chúng ta phải dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật để có biện pháp giải quyết thấu tình đạt lý đối với bà con nông dân, không thể để họ phải chịu thiệt thòi một cách vô lý như vậy được.
Thứ hai:
Ý kiến trả lời thứ hai của ông Tuấn “… là do phân sấy khô quá…”. Nói như thế là hoàn toàn phản khoa học. Một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng phân bón N.P.K là độ ẩm. Độ ẩm càng thấp càng tốt hay nói cách khác là phân càng khô càng tốt, để phân không bị chảy nước, không bốc mùi khó chịu (mùi Amôniăc) làm bay mất đạm và nếu không sử dụng ngay phân sẽ kết dính thành cục cứng như xi măng chết làm giảm chất lượng nghiêm trọng.
Vì vậy, một trong những nguyên tắc sản phẩm phân bón NPK trước khi đóng bao gói thành phẩm phải qua hệ thống sấy khô trong buồng kín và được sấy càng khô càng tốt với độ ẩm từ 2-3% là đạt yêu cầu.
Thực tế hiện nay ở Nghệ An, trừ Nhà máy sản xuất phân bón công nghệ cao của Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An ở Khu kinh tế Đông Nam ra, còn lại đều là những cơ sở sản xuất phân bón NPK công nghệ thô sơ, lạc hậu, chất lượng khó đảm bảo nếu không nói là kém và tất nhiên độ ẩm trong phân rất cao khoảng từ 10-13%, vì hầu hết không có hệ thống máy sấy khô.
Qua đây chúng tôi muốn nhắn gửi đến bà con nông dân rằng: Việc mua và sử dụng phân bón NPK bây giờ phải cẩn thận. Vì không riêng gì ở Nghệ An mà đây là tình trạng chung ở nhiều tỉnh.
Bà con nông dân chúng ta đang gặp phải nạn lạm dụng cơ chế thị trường để sản xuất kinh doanh phân bón kém chất lượng làm hại nông dân. Đừng ham rẻ và chỉ nên mua và sử dụng phân bón của những cơ sở sản xuất đã có uy tín trên thị trường phân bón hiện nay.
Doãn Trí Tuệ
.